'Nói hay đừng' - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính

Cuốn sách 'Nói hay đừng' tập hợp hơn 100 bài viết ở các thể loại bình luận, tiểu phẩm báo chí, phóng sự, tản mạn… của nhà báo Trần Đức Chính, được lựa chọn từ hơn 6.000 bài báo trong suốt cả sự nghiệp của ông. Điều đặc biệt là, cuốn sách được những đồng nghiệp thế hệ sau, những 'học trò' thân thiết và yêu quý của ông tập hợp và chọn lọc, biên soạn.

Nhà báo Trần Đức Chính (còn có bút danh Hà Văn, Trần Chinh Đức) nguyên là Phó Tổng biên tập báo Lao Động, Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận. Ông là tác giả của hàng trăm báo trên mục Nói hay Đừng của báo Lao Động với cái tên Lý Sinh Sự, mà sau này bạn bè, đồng nghiệp thường gọi là “cụ Lý”. Ông đã giữ chuyên mục này tới 20 năm, khi đã về hưu, ở tuổi 70, ông vẫn đều đặn viết bài cho Nói hay Đừng với văn phong vô cùng ổn định, sắc lẹm và cao tay.

Nhà báo Trần Đức Chính được bạn nghề, đồng nghiệp nhiều thế hệ nhắc đến như một cây viết giàu năng lượng, viết nhanh, tinh tế và có khả năng tóm bắt được rất nhiều ý tưởng từ những câu chuyện, diễn biến ngoài xã hội để viết. Nhà báo Trần Đình Thảo, đồng nghiệp và cũng là người bạn thân thiết lâu năm của nhà báo Trần Đức Chính kể lại, chỉ trong một chuyến đi dạy lớp bồi dưỡng nghiệp vụ từ ngoài bắc vào miền trung, nhà báo Trần Đức Chính đã viết được rất nhiều, thậm chí có những bài viết xong giữa “hai cơn say”.

Nhà báo Lưu Quang Định thay mặt nhóm biên soạn tặng hoa cho gia đình nhà báo Trần Đức Chính.

Nhà báo Lưu Quang Định thay mặt nhóm biên soạn tặng hoa cho gia đình nhà báo Trần Đức Chính.

Nhà báo Trần Đình Thảo nhẩm tính rằng, trong 10 năm đầu gác mục Nói hay Đừng, mỗi ngày ông viết một bài cho chuyên mục, một tháng 30 bài, một năm 360 ngày, 10 năm 3.600 bài thể hiện dưới hình thức tiểu phẩm báo chí. Đó là chưa kể ông còn có khoảng 10% bài đăng trên các báo khác, tức là trên dưới 4.000 bài tiểu phẩm.

“Nhẩm tính thì cụ Lý (cách nhà báo Trần Đức Thảo gọi nhà báo Lý Sinh Sự) đã có khoảng trên dưới 6.000 bài Nói hay Đừng đăng báo, nghĩa là cụ đã “gây sự” với xã hội, với quan chức, với cơ chế, với những điều sai quấy trong cuộc sống và gây “nghiền” cho không ít bạn đọc”, nhà báo Trần Đình Thảo nói.

Điều quan trọng ở đây, như nhà báo Trần Đình Thảo nhấn mạnh, không chỉ là bút lực, là sự khám phá, mà còn là trách nhiệm của người cầm bút, là kỷ luật nghiệp vụ, khi một mình giữ một mục, không thể lấp bằng bài khác, càng không thể bỏ trống. Đó là trách nhiệm của người làm báo.

Nhà báo Trần Đình Thảo còn cho rằng, ngoài sự nhanh nhạy, nhà báo Trần Đức Chính còn có sự tinh tế, khi ông phát hiện và bắt ý để viết bài kể cả từ những chi tiết nhỏ. “Anh giỏi ở chỗ có những phát hiện rất tinh tế, dù chỉ một chi tiết rất nhỏ” - nhà báo Trần Đình Thảo nhận xét.

Chính những điều đó đã khiến cho các nhà báo thuộc thế hệ sau của ông yêu quý và trân trọng khoảng thời gian sống và làm việc cùng ông, bằng cách gửi những tình cảm của mình vào cuốn sách.

Nhà báo Lưu Quang Định, nguyên Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, chủ biên của nhóm biên soạn và cũng là đồng nghiệp cũ của nhà báo Trần Đức Chính ở báo Lao Động chia sẻ: “Chúng tôi nảy ra ý tưởng thực hiện cuốn sách này khi đến thăm và thấy nhà báo Trần Đức Chính sức khỏe không còn tốt như trước nữa. Các thành viên trong nhóm biên soạn đều từng làm việc ở Báo Lao Động. Các bài viết của ông trong suốt sự nghiệp rất nhiều, cho nên nhóm biên soạn không mấy khó khăn để lựa chọn các bài viết”.

Nhóm biên soạn, những đồng nghiệp cũ của nhà báo Trần Đức Chính trò chuyện về những kỷ niệm làm nghề cùng ông.

Nhóm biên soạn, những đồng nghiệp cũ của nhà báo Trần Đức Chính trò chuyện về những kỷ niệm làm nghề cùng ông.

Nói về nhà báo Trần Đức Chính, nhà báo Lưu Quang Định cho biết, ông là người hoạt ngôn, giàu năng lượng, sinh ra để làm báo, viết như chơi.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một thành viên của nhóm soạn thảo cho hay, nhà báo Trần Đức Chính là người dạy anh viết phóng sự, mặc dù anh và ông gặp nhau rất ít.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, điều anh tâm đắc nhất khi cùng bạn bè, đồng nghiệp thực hiện cuốn sách là “chúng tôi muốn nói gì và học hỏi gì từ ông”. Mong muốn lớn nhất của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và nhóm biên soạn là giữ được những bài báo của ông, có những bài từ thời chưa có báo điện tử, để giúp các nhà báo thế hệ sau học hỏi.

“Chúng tôi muốn giữ gìn và lan tỏa giá trị của các bài báo này, những bài báo sâu sắc, hóm hỉnh đúng chất báo chí. Tôi vẫn thường dạy sinh viên với thí dụ là những bài viết của tác giả Lý Sinh Sự” - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.

Buổi ra mắt cuốn sách vắng mặt tác giả - nhà báo Trần Đức Chính - vì lý do sức khỏe, nhưng bạn bè, đồng nghiệp các thế hệ đã cùng nhau chia sẻ những câu chuyện đẹp và ấm áp về ông. Đối với nhà báo Thiếu Mai, vợ ông và gia đình, đây là món quà quý nhất, giá trị nhất dành cho nhà báo Trần Đức Chính vào năm ông tròn 80 tuổi, và vào đúng dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Trần Đức Chính (còn có bút danh (Hà Văn, Trần Chinh Đức) – nguyên Phó Tổng Biên tập báo Lao Động, Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận. Ông từng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967.

Từ 1968-1972, ông là phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông từng học Đại học Văn hóa Lê-nin-grát (Liên Xô cũ). Ông công tác tại báo Lao Động từ cuối năm 1967 nhưng đến năm 1994 mới chính thức “cầm trịch” mục Nói hay Đừng trên báo Lao Động.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/noi-hay-dung-dau-an-chang-duong-lam-bao-cua-nha-bao-tran-duc-chinh-post814948.html