Nỗi lo mang tên 'tàu giã cào'

Việc tàu giã cào có công suất lớn từ các địa phương đến vùng biển Quảng Trị để khai thác hải sản gần bờ, không chỉ làm cho nguồn lợi thủy hải sản bị cạn kiệt, mà còn gây thiệt hại, hư hỏng ngư lưới cụ, tài sản của ngư dân vùng biển bãi ngang. Thuyền viên trên một số tàu giã cào 'che biển kiểm soát' còn đe dọa đánh đập, phá hoại tài sản của ngư dân nếu không tránh xa khu vực tàu giã cào đang hành nghề. Nhiều ngư dân chỉ biết bất lực khi ngư lưới cụ bị tàu giã cào cuốn theo rồi khuất bóng giữa đại dương mênh mông.

Lực lượng tuần tra của Hải đội 2 phối hợp với lực lượng kiểm ngư phát hiện, bắt giữ tàu giã cào - Ảnh: HẢI ĐỘI 2 CUNG CẤP

Lực lượng tuần tra của Hải đội 2 phối hợp với lực lượng kiểm ngư phát hiện, bắt giữ tàu giã cào - Ảnh: HẢI ĐỘI 2 CUNG CẤP

Thường xuyên mất ngư lưới cụ

Ngồi tỉ mẩn sửa chữa lại mấy chiếc lừ mực lá (hay có tên gọi khác là lừ bóng) bị hư hỏng nặng sau chuyến biển, ngư dân Hồ Sĩ Dưỡng ở thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, thở dài cho biết, nỗi lo mang tên “tàu giã cào” hay còn gọi là tàu lưới kéo luôn ám ảnh ngư dân vùng biển bãi ngang mỗi chuyến ra khơi trong nhiều năm qua. Không ám ảnh sao được khi dong thuyền ra khơi, cặm cụi thả xong vàng lừ mực lá, ngẩng đầu lên đã thấy chiếc tàu giã cào công suất lớn từ xa lù lù tiến đến khu vực vàng lừ mực lá vừa thả xong…

Dùng tay ra hiệu cảnh báo khu vực thả lừ mực lá trong tuyệt vọng giữa ầm ào sóng biển nhưng chiếc tàu giã cào công suất lớn vẫn thản nhiên lướt qua… cuốn theo những chiếc lừ mực lá của ngư dân rồi khuất dần giữa biển khơi. Như thuyền có công suất 12 CV của gia đình ông Dưỡng hiện đang làm nghề lừ mực lá, lưới mực nang… cứ mỗi lần ra biển là mất vài chiếc đến nửa vàng lừ mực lá (mỗi vàng lừ mực lá khoảng 20 chiếc có giá trị từ 4 - 5 triệu đồng).

Ở thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, hiện có khoảng 32 thuyền công suất nhỏ hoạt động đánh bắt thủy hải sản gần bờ thì hầu hết đều bị mất ngư lưới cụ bởi tàu giã cào. Trước đây, ngư dân vùng biển bãi ngang cứ ra khơi trở về là thuyền đầy ắp tôm cá. Song mấy năm gần đây, tàu giã cào hoành hành nên có những chuyến ra khơi trở về không như mong đợi, thậm chí trắng tay khiến ngư dân không còn mặn mà với những chuyến đánh bắt gần bờ.

Đây cũng là thực trạng chung của ngư dân ở các vùng biển bãi ngang không chỉ xã Vĩnh Thái mà còn ở nhiều xã khác trên địa bàn tỉnh. Ngư dân đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị với lực lượng chức năng để có phương án kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng tàu giã cào công suất lớn hoạt động gần bờ. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát thì các tàu giã cào không xuất hiện nhưng chỉ thời gian ngắn sau lại tiếp tục hoạt động.

Ngư dân Thôn 6 (xã Triệu Lăng) thường xuyên bị tàu giã cào làm mất ngư lưới cụ - Ảnh: H.A

Ngư dân Thôn 6 (xã Triệu Lăng) thường xuyên bị tàu giã cào làm mất ngư lưới cụ - Ảnh: H.A

Theo ngư dân Trần Tư ở Thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, có thể do vùng biển xã Triệu Lăng bằng phẳng, ít rạn đá trong khi lượng hải sản dồi dào nên những năm gần đây, tình trạng tàu giã cào ngoại tỉnh liên tiếp xuất hiện.

Gần đây, nhiều thuyền công suất nhỏ đánh bắt gần bờ bằng nghề rập ghẹ, lưới cá mó… bị tàu giã cào làm mất ngư lưới cụ với giá trị từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Gần đây có các trường hợp ngư dân trong thôn như ông Trần Hữu bị tàu giã cào làm mất 70 chiếc rập ghẹ có giá trị khoảng 20 triệu đồng; ông Hồ Ngọc Hải ở bị mất 10 tay lưới cá mó…

Ngư dân Thôn 6 phản ánh tàu giã cào hoạt động gần bờ làm biển Quảng Trị chủ yếu đến từ các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi. Ngư dân Thôn 6 cứ ra biển thả xong vàng rập ghẹ, lưới cá mó… thì trời bắt đầu sẩm tối. Chưa kịp nghỉ ngơi để ăn bữa cơm tối trên biển đã thấy tàu giã cào “che biển kiểm soát” bằng lốp ô tô hoặc các vật dụng khác tiến sát khu vực thả rập ghẹ, lưới cá mó (mặc dù trên vàng rập ghẹ, lưới cá mó có gắn đèn làm dấu).

Lúc ấy, ngư dân chỉ biết kêu gào, dùng tay ra hiệu trong vô vọng. Nhiều ngư dân lo sợ bị mất rập ghẹ, lưới cá mó cũng như ngư lưới cụ khác đã sụp xuống “quỳ lạy” tàu giã cào nhưng đáp lại, thuyền viên trên tàu giã cào lại dùng tay ra hiệu đe dọa. Sở dĩ, tàu giã cào “che biển kiểm soát” là để ngư dân vùng biển bãi ngang không quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng trình báo với lực lượng chức năng.

Thuyền của ngư dân vùng biển bãi ngang chủ yếu công suất nhỏ, khai thác gần bờ, số lượng người trên mỗi thuyền ít hơn nhiều so với tàu giã cào nên muốn ngăn chặn, xua đuổi gần như không thể thực hiện. Nếu chẳng may có mâu thuẫn xảy ra trên biển thì rất khó đảm bảo an toàn cả tính mạng lẫn tài sản trên thuyền.

Cần có biện pháp mạnh

Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thiếu tá Nguyễn Thuận Sáng cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2022, trên vùng biển Quảng Trị liên tiếp xuất hiện tàu giã cào hoạt động sai tuyến, gần bờ. Trước tình hình đó, Hải đội 2 đã tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát và phát hiện, bắt giữ cũng như phối hợp xử lý 2 vụ, xử phạt 86 triệu đồng.

Điển hình là khoảng 11 giờ 40 phút, ngày 16/9/2022, lực lượng tuần tra của Hải đội 2 phối hợp với lực lượng kiểm ngư tỉnh Quảng Trị trong quá trình tuần tra phát hiện tàu cá mang biển kiểm soát QNg 97809TS do ngư dân Tạ Thành Trọng (sinh năm 1986) trú tại TP. Quảng Ngãi làm thuyền trưởng đang khai thác thủy sản cách bờ biển xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, khoảng 3,7 hải lý bằng lưới kéo (giã cào) có dấu hiệu vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản…

“Thời điểm đó, khi phát hiện tàu tuần tra của lực lượng biên phòng, tàu giã cào định quay đầu, cắt lưới bỏ chạy nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi nhanh chóng áp sát, khống chế tàu giã cào, lập biên bản hiện trường vụ việc. Cả thuyền trưởng và các lao động trên tàu đều thừa nhận hành vi khai thác sai luồng tuyến, chấp hành xử phạt vi phạm hành chính và cam kết không tổ chức đánh bắt trái quy định của pháp luật”, Thiếu tá Nguyễn Thuận Sáng chia sẻ.

Ngư dân Hồ Sĩ Dưỡng từng nhiều lần bị mất lừ mực lá do tàu giã cào mỗi khi ra biển - Ảnh: H.A

Ngư dân Hồ Sĩ Dưỡng từng nhiều lần bị mất lừ mực lá do tàu giã cào mỗi khi ra biển - Ảnh: H.A

Ông Sáng cho biết thêm, Hải đội 2 vừa tổ chức 2 đợt/4 lượt tàu tuần tra kiểm soát hoạt động giám sát nghề cá trên khu vực Vịnh Bắc Bộ và khu vực tỉnh Quảng Trị với sự tham gia của 60 cán bộ, chiến sĩ trong tháng 5 và tháng 7/2023.

Tuy nhiên, tàu giã cào đánh bắt thủy sản sai luồng tuyến quy định thường diễn ra vào đêm tối hoặc lợi dụng khi không có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên biển. Khi phát hiện có lực lượng chức năng, các tàu giã cào công suất lớn nhanh chóng cắt lưới bỏ chạy; có những trường hợp manh động, liều lĩnh chống trả quyết liệt, thậm chí không hợp tác gây rất nhiều khó khăn trong vây bắt, xử lý vi phạm.

Để ngăn chặn tàu giã cào đánh bắt sai luồng tuyến, bảo vệ ngư trường, thời gian tới Hải đội 2 tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển; chủ động xây dựng kế hoạch, phát huy hiệu quả nghiệp vụ công tác, duy trì phối hợp với chính quyền, các lực lượng chức năng quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tàu giã cào giúp Nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Thặng cho biết, thời gian qua khai thác thủy sản bằng nghề lưới kéo (giã cào), nghề lặn sử dụng xung điện hoạt động trái phép ở các vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Trị có chiều hướng giảm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện đợt cao điểm trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tại các vùng biển quản lý, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các đồn biên phòng, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức 17 chuyến tuần tra trên biển (4 ngày/chuyến) và đã kiểm tra, kiểm soát hơn 210 lượt tàu cá; phát hiện và lập biên bản xử lý 33 trường hợp vi phạm; xử phạt hành chính 126,9 triệu đồng (trong đó phạt sử dụng xung điện 2 tàu cá với tổng số tiền 37,5 triệu đồng; nghề lưới kéo 2 tàu cá với số tiền 20 triệu đồng).

Riêng vùng biển từ thị trấn Cửa Tùng đến xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tàu kiểm ngư phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Tùng thường xuyên kiểm tra khi nhận được thông tin; trực tiếp rượt đuổi 20 lượt tàu cá hành nghề lưới kéo (giã cào) trong và ngoài tỉnh. Khi tàu kiểm ngư xuất hiện, các tàu giã cào bỏ chạy về phía tỉnh Quảng Bình…

“Thời gian tới, để khắc phục tình trạng trên, Chi cục Thủy sản tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và chính quyền địa phương trong công tác thu thập thông tin về các đối tượng khai thác thủy sản bất hợp pháp; tăng cường công tác tuần tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp trên biển theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ.

Đối với tàu làm nghề lưới kéo khai thác không đúng vùng, đúng tuyến, nghề lặn sử dụng xung điện và khai thác thủy sản bằng chất nổ ảnh hưởng đến ngư lưới cụ của người dân, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản, khi phát hiện yêu cầu ngư dân ghi rõ số đăng ký phương tiện, tọa độ vi phạm, hướng di chuyển gửi cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý”, ông Thặng cho biết thêm.

Hoàng Tiến Sỹ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/noi-lo-mang-ten-tau-gia-cao/179329.htm