Nỗi lo vật tư nông nghiệp kém chất lượng

Thời gian qua, do công tác quản lý mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), còn nhiều bất cập, dẫn tới tình trạng buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường... ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân.

Ðội Quản lý thị trường số 3 tỉnh Gia Lai kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật tại xã Ia Dơk, huyện Ðức Cơ. (Ảnh THU HIỀN)

Ðội Quản lý thị trường số 3 tỉnh Gia Lai kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật tại xã Ia Dơk, huyện Ðức Cơ. (Ảnh THU HIỀN)

Ngày 28/6 vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Ðắk Nông đã phối hợp Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành lấy mẫu gần 80 tấn phân bón do Công ty cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh (địa chỉ tại số 1, Cụm công nghiệp Quốc Quang Long An, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) sản xuất để giám định theo quy định.

Trước đó, vào các ngày 2, 7 và 14/6, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Ðắk Nông tiến hành kiểm tra ba xe ô-tô tải, năm đại lý kinh doanh phân bón, qua kiểm tra đã tạm giữ 79,55 tấn phân bón do Công ty cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh sản xuất. Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng xác định: Toàn bộ gần 80 tấn phân bón do Công ty cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh sản xuất đều là phân bón giả. Hiện, vụ việc đang được phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Ðắk Nông tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 13/4/2023, Ðội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện Cái Bè kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.Tại thời điểm kiểm tra, Ðoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở buôn bán thuốc BVTV nhưng không niêm yết giá, buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Tiến hành lấy ba mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng, lực lượng liên ngành xác định có hai mẫu không đạt; trong đó, một mẫu bị làm giả và một mẫu không bảo đảm chất lượng. Lô hàng vi phạm là 3,5 tấn phân bón trị giá hơn 50 triệu đồng.

Sau khi thẩm tra, xác minh thông tin, Ðội Quản lý thị trường số 5 hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã trình cấp có thẩm quyền xử phạt.

Trên đây chỉ là hai trong số những vụ việc bị lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua. Thực tế, số vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV dởm, kém chất lượng diễn biến phức tạp và trở nên đáng báo động, nhất là trong thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19.

Hằng năm, ước tính cả nước sử dụng hơn 11 triệu tấn phân bón. Do lợi nhuận mang lại quá lớn, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu các loại phân bón hữu cơ vo viên, SA về rồi đóng bao ghi nhãn mác nhập nhèm giống như phân vô cơ như DAP, NPK, URE... bán với giá ngang bằng hoặc thấp hơn phân DAP và NPK chính hiệu, làm tăng chi phí cho người nông dân, trong khi tác dụng của các loại phân bón nhập nhèm không như mong đợi.

Ông Nguyễn Văn Trung, ở xã Ðại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi khi vườn cây trồng của nhà bị sâu, bệnh hại, tôi thường mua thuốc tại các cửa hàng tạp hóa. Có lần, tôi mua và sử dụng thuốc BVTV được quảng cáo là hàng chất lượng cao, nhưng khi phun cho cây, tình trạng sâu, bệnh không có tiến triển. Sau nhiều lần chịu thiệt hại do mua phải thuốc BVTV chất lượng kém, thậm chí là hàng giả, tôi đã mất dần niềm tin với các loại sản phẩm này...".

Hoang mang chứng kiến thị trường tràn lan phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, dù đang chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới nhưng chị Hoàng Hai, ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn không khỏi sợ hãi khi nhớ lại vụ mùa trước đây, gia đình chị đã khốn khổ vì phân bón giả.

Chị Hai cho biết, gia đình chị có hơn 2 công đất lúa, nhưng vụ mùa vừa rồi lại lỗ nặng vì mua phải phân bón giả. "Tôi mua chỗ đại lý quen, phân bón cũng là loại hay dùng mấy vụ mùa trước. Nhưng tới lúc bón vào lúa không phát triển, lá vàng, hạt lép. Sau nhờ mấy anh kỹ sư xuống thì phát hiện ra là mình mua nhầm phân bón giả, kém chất lượng. Lúc đó sự đã rồi, cố gắng mua phân mới bón thúc lại, nhưng tốn thêm tiền mà kết quả chẳng được bao nhiêu", chị Hai cho biết thêm.

Anh Thái Nghiệp (huyện Phong Ðiền, Cần Thơ), một nạn nhân khác của nạn phân bón giả, kém chất lượng cũng cho biết: "Làm nghề nông vốn đã vất vả, không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng phải chịu tiền lãi khi mua phân bón kém chất lượng thì quả là cơ cực. Nếu tình trạng này không được xử lý triệt để hoặc không có hướng xử lý phù hợp, người nông dân như chúng tôi còn phải khổ dài dài".

Hiện nay, nạn phân bón giả, thuốc BVTV kém chất lượng đã len lỏi khắp các tỉnh, thành phố, tập trung nhiều ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khiến nông dân rất lo lắng, hoang mang bởi việc sử dụng các loại sản phẩm chất lượng kém không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, sức khỏe của nhiều người.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, phân bón, thuốc BVTV là loại vật tư không thể thiếu trong sản xuất cây trồng.Mỗi năm, hàng triệu nông dân phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để mua phân bón, thuốc BVTV mà chính họ không thể xác định đó là giả hay thật.

Hậu quả do nạn phân bón giả gây ra là rất lớn, làm cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cây trồng bị thiệt hại, năng suất thấp không có tiền thanh toán mua vật tư nông nghiệp. Song hiện nay, trên thị trường vẫn bày bán tràn lan nhiều loại phân bón giả, thuốc BVTV thuộc danh mục cấm. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, sự hám lợi của các đại lý, đưa các loại phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vào từng thôn, bản. Việc làm này không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất chân chính.

Ðể chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi, vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, góp phần bảo vệ lợi ích người nông dân, các ban, ngành liên quan cần chủ động theo dõi, đánh giá đúng tình hình hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên từng địa bàn.

Cùng với đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV có dấu hiệu vi phạm, từng có vi phạm hoặc có thông tin, tài liệu về hoạt động vi phạm để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm... Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn nông dân cách phân biệt phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng kém chất lượng... đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện, tự giác thực hiện đầy đủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; chủ động công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và niêm yết công khai danh mục, giá bán từng loại sản phẩm mà người nông dân cần được nâng cao nhận thức để sử dụng có trách nhiệm các loại vật tư nông nghiệp. Mỗi người nông dân nên chọn mua sản phẩm tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp uy tín để bảo đảm chất lượng.

HOÀNG HỒNG MINH/BÁO NHÂN DÂN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/noi-lo-vat-tu-nong-nghiep-kem-chat-luong-66565.html