Nơi nào của Việt Nam quan sát được Trăng hồng tối nay (24/4)?
Trăng tròn thứ 4 của năm 2024, có biệt danh là Trăng hồng, sẽ xuất hiện trên bầu trời tuần này, xuất hiện sáng và tròn nhất vào tối 24/4. Thời điểm này, mặt trăng sẽ tỏa sáng ở chòm sao Xử Nữ.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), thời điểm Mặt Trăng tròn nhất xảy ra lúc 18 giờ 50 phút ngày 24/4 (giờ Việt Nam). Khi đó Mặt Trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái Đất so với Mặt Trời và mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn.
HAS cho biết lần Trăng tròn này được các bộ lạc người Mỹ bản địa đầu tiên gọi là Trăng hồng vì nó đánh dấu sự xuất hiện của hoa Phlox màu hồng rêu, hay hoa phlox đất hoang, một trong những loài hoa đầu tiên của mùa xuân. Như vậy, tên gọi Trăng hồng xuất phát từ nguồn gốc nói trên, không phải do mặt trăng có màu hồng như một số người lầm tưởng.
Thời tiết các tỉnh miền Bắc sẽ khó quan sát hiện tượng Trăng hồng tối nay do có nhiều mây, mưa dông, trong khi các tỉnh miền Trung và Nam Bộ sẽ thuận lợi để quan sát hiện tượng thiên văn này.
Thời điểm tốt nhất để ngắm trăng tròn lần này là khi Mặt Trăng mọc ở hướng Đông vào ngày 24/4, ngay sau khi hoàng hôn. Bạn có thể kiểm tra thời gian trăng mọc từ vị trí của bạn và tìm một nơi thoáng đãng để quan sát Mặt Trăng vì nó mọc khá thấp so với đường chân trời ở phía Đông.
Bên cạnh đó, nó còn được gọi với tên Trăng Băng Vỡ, Trăng Non, Trăng Thức Tỉnh và Trăng Trứng. Các tên khác của người Mỹ bản địa cho trăng tròn tháng 4 bao gồm Trăng Cỏ Mọc (Tlingit), Trăng Dâu Đen (Choctaw), Trăng Hoa (Cherokee) và Trăng Lá To (Apache). Trong Do Thái giáo, Trăng Hồng còn được gọi là Trăng Vượt Qua vì nó đánh dấu ngày đầu tiên của Lễ Vượt Qua (Pesach) của người Do Thái.