Nóng cuộc đua Mỹ - Trung Quốc ở Thái Bình Dương
Mỹ và Papua New Guinea vừa ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương mới - động thái gây nên cuộc tranh cãi ở quốc đảo Thái Bình Dương và diễn ra trong bối cảnh Washington và Trung Quốc đang tích cực tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thủ tướng Papua New Guinea James Marape đã ký hiệp ước và thỏa thuận an ninh hàng hải vào hôm 22/5 trong chuyến thăm của ông Blinken tới thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea .
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, quân đội Mỹ và quốc đảo Papua New Guinea sẽ có mối quan hệ hợp tác hỗ trợ an ninh, cho phép Mỹ “phản ứng nhanh hơn trong các tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như những tình huống liên quan đến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai”.
Thủ tướng Papua New Guinea Marape cho biết, sự hỗ trợ mới từ phía Mỹ cũng sẽ cải thiện an ninh trong nước và khuyến khích nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia. Ông nói: “Sẽ có khoản đầu tư cơ sở hạ tầng đáng kể” từ thỏa thuận, ở sân bay, bến cảng, đường sá, thông tin liên lạc và điện để mang lại lợi ích cho công chúng.
Sự hợp tác quốc phòng mới dự kiến sẽ mở rộng khả năng tiếp cận của Mỹ đối với các cơ sở quân sự và các cơ sở khác ở Papua New Guinea, củng cố các mối quan hệ an ninh của Washington ở Nam Thái Bình Dương. Đây là khu vực bao gồm các đảo quốc dân cư thưa thớt nhưng lại có ý nghĩa to lớn về chiến lược, từng là nơi diễn ra các trận đánh quyết định trong Thế chiến 2. Khu vực này có tầm quan trọng mới đối với Mỹ khi cường quốc này đang tìm cách củng cố các mối quan hệ và sự hiện diện của mình ở châu Á trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.
Năm 2022, Bắc Kinh đã thổi bùng cuộc đua giành ảnh hưởng trong khu vực bằng việc ký một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon và sau đó đã nỗ lực giành sự ủng hộ cho một thông cáo chung về an ninh và thương mại khu vực với các quốc đảo Thái Bình Dương, nhưng không thành công.
Trung Quốc đã trở thành một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế của Papua New Guinea, vừa đầu tư, vừa tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của quốc đảo này.
Việc ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Papua New Guinea gửi một thông điệp quan trọng đến khu vực. Maholopa Laveil, thành viên FDC Thái Bình Dương tại Viện Lowy, cho biết: “Papua New Guinea ký kết một thỏa thuận quốc phòng báo hiệu cho phần còn lại của Thái Bình Dương rằng quốc gia lớn nhất của họ đã chọn phương Tây làm đối tác an ninh”.
Cùng với đó, việc Fiji thông báo chấm dứt thỏa thuận đào tạo cảnh sát với Trung Quốc vào đầu năm 2023 được xem là “những thắng lợi lớn, khiến các quốc gia lớn ở Thái Bình Dương đứng về phía Mỹ trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”. Các chuyên gia cho biết Marape có thể tận dụng “mối đe dọa từ Trung Quốc” để yêu cầu thêm hỗ trợ phát triển từ Mỹ.
Mỹ vừa triển khai một số việc trong nỗ lực giành lại ưu thế tại khu vực Thái Bình Dương, như việc mở các đại sứ quán ở Quần đảo Solomon và Tonga, trong khi Tổng thống Joe Biden tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cho các nhà lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương tại Washington vào tháng 9 năm ngoái và đưa ra chiến lược quốc gia đầu tiên về việc can dự vào các đảo quốc Thái Bình Dương.
Thỏa thuận mới này làm dấy lên cuộc tranh luận ngay trong nội bộ Papua New Guinea, bao gồm cả những lời cáo buộc chính phủ thiếu minh bạch về những điều kiện trong thỏa thuận. Đã xảy ra các cuộc biểu tình của sinh viên vì lo ngại thỏa thuận có thể lôi kéo Papua New Guinea vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thủ tướng Marape tuyên bố Papua New Guinea sẽ không được sử dụng làm căn cứ để “phát động chiến tranh” sau khi ký thỏa thuận quốc phòng với Mỹ. Trong một tuyên bố hôm 20/5, ông Marape tuyên bố thỏa thuận với Mỹ được xem như một cơ hội để nâng cấp cơ sở hạ tầng và năng lực quốc phòng vào thời điểm có những lo ngại về an ninh toàn cầu đang gia tăng. Ông Marape cho biết thêm rằng thỏa thuận sẽ được công bố toàn bộ để công chúng xem xét kỹ lưỡng.
Mỹ và các đồng minh đang tìm cách ngăn chặn các quốc đảo ở Thái Bình Dương xây dựng quan hệ an ninh với Trung Quốc, một mối lo ngại gia tăng sau khi Bắc Kinh ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào năm ngoái. Như đã nói ở trên, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở Papua New Guinea, vốn nằm gần các tuyến đường biển quan trọng và các tuyến cáp ngầm quốc tế nối liền Mỹ và đồng minh Australia. Và, thỏa thuận mới sẽ đưa ra các điều kiện ràng buộc đối với các nhà thầu quốc tế nhằm đảm bảo an ninh cho Papua New Guinea.
Ông Marape muốn nhân cơ hội này để xoa dịu một số lo ngại trong nước về thỏa thuận quốc phòng mới với Mỹ. Lãnh đạo phe đối lập Joseph Lelang đã nhấn mạnh những lo ngại đó vào tuần trước: “Chúng tôi có chính sách đối ngoại là “bạn với tất cả và không có kẻ thù nào”. Chúng ta không nên bị che mắt bởi đồng USD hoặc bị ép buộc ký kết các thỏa thuận có thể gây bất lợi cho chúng ta về lâu dài”. Mặt khác, các điều khoản trong thỏa thuận hoàn toàn không ngăn cản việc Chính phủ Papua New Guinea tăng cường hợp tác với các nước khác, trong đó có cả Trung Quốc.
Bên cạnh việc Mỹ ký thỏa thuận quốc phòng với Papua New Guinea, Chính phủ Australia cũng khẳng định nước này đang trong quá trình đàm phán để ký kết thỏa thuận với Papua New Guinea vào giữa năm nay. Bộ trưởng phụ trách Thái Bình Dương của Australia Pat Conroy cho biết ông “tin tưởng rằng chúng tôi sẽ sớm hoàn tất việc ký kết thỏa thuận”. Có vẻ như thỏa thuận Australia-Papua New Guinea là một thỏa thuận được soạn thảo rộng rãi, phản ánh tuyên bố Boe năm 2018 về an ninh khu vực, trong đó mô tả cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa an ninh lớn nhất của Thái Bình Dương.