Nông dân làm nông nghiệp sinh thái
Không chỉ đem lại lợi nhuận cao cho người trồng, mô hình trồng nho hạ đen phát triển những năm gần đây tại huyện Đan Phượng (thành phố Hà Nội) đã trở thành địa điểm tham quan, check-in nổi tiếng, là tiềm năng to lớn cho sự phát triển ngành nông nghiệp sinh thái địa phương.
Hiệu quả kép từ nông nghiệp sinh thái
Khoảng 4 năm trở lại đây, mô hình trồng nho hạ đen được nhiều nông dân tại huyện Đan Phượng lựa chọn nhờ giống nho hợp thổ nhưỡng, cho lợi nhuận kinh tế cao, đồng thời cũng là mô hình du lịch trải nghiệm được nhiều người ưa thích. Còn hơn một tháng nữa mới đến dịp thu hoạch, tuy nhiên nhiều chủ vườn tại đây đã tất bật chăm sóc vườn nho của mình để chuẩn bị đón du khách tới tham quan.
Vườn nho của gia đình ông Nguyễn Hữu Vinh (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) là một trong những vườn nho kết hợp giữa trồng nho và làm du lịch sinh thái. Hiện mọi công việc chăm sóc, cắt tỉa nho đang được gấp rút chuẩn bị để cho ra đời vụ nho mới. Vườn nhà ông Vinh đang có 720m2 trồng nho hạ đen với 200 gốc, sản lượng quả đạt hơn 1 tấn/năm. Một vụ nho tính từ khi ra hoa đến khi kết trái rồi thu hoạch kéo dài 4-5 tháng. Trừ chi phí, mỗi vụ ông thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Nhờ đạt hiệu quả kinh tế cao nên ông Vinh đang mở rộng diện tích trồng lên hơn 1.400m2, tương đương 4 sào Bắc Bộ.
Theo ông Vinh, đặc thù của nho hạ đen là loại cây leo phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Do khí hậu miền bắc có một mùa đông lạnh, trong khi cây nho lại chỉ ưa và phát triển mạnh vào mùa nóng. Do vậy, chỉ cần thời tiết thay đổi cũng ảnh hưởng rất nhiều tới năng suất và chất lượng quả. Nếu kỹ thuật trồng tốt và thời tiết thuận lợi thì có thể thu được 2 vụ/năm. Thông thường, nho sẽ cho ra trái vào đúng dịp tháng 4, tháng 5 âm lịch và chỉ kéo dài từ 1-2 tháng.
Trước đây, mảnh vườn nhà ông Vinh trồng bưởi và rau màu. Từ khi trồng thử nghiệm giống nho hạ đen cho năng suất chất lượng cao, ông đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng giống nho này. Ông cho biết, giống nho hạ đen tốn nhiều công chăm bón và đòi hỏi kỹ thuật cao, nhất là khâu cắt tỉa cần sự kiên trì và khéo léo. Người làm phải cắt làm sao để nho khi chín không bị kích và bóp chặt, các quả nho trong một chùm phải chín đều và vừa khít, rơi vào trọng lượng trung bình 4-5 lạng/chùm, nếu để sai quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả. Khâu tưới nước và phân bón cũng vô cùng quan trọng, nếu không chú ý chăm bón đủ độ thì chất lượng và năng suất quả không cao. Chi phí cây giống bỏ ra cũng cao hơn so với các loại cây khác, rơi vào 100 nghìn đồng/cây.
Cây nho hạ đen cho giá trị và lợi nhuận cao hơn tất cả các giống cây trồng trước đó trên cùng một đơn vị diện tích.
Dù chi phí đầu tư cao và công sức bỏ ra nhiều, nhưng theo ông Vinh, cây nho hạ đen cho giá trị và lợi nhuận cao hơn tất cả các giống cây trồng trước đó trên cùng một đơn vị diện tích. Quả nho khi thu hoạch có màu tím đen, vị ngọt rất thơm ngon và không có hạt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, vườn nho của ông vào mùa thu hoạch đã trở thành địa điểm tham quan, trải nghiệm, check-in nổi tiếng của nhiều du khách những năm gần đây. Người dân khi đến chụp hình có thể mua nho ngay tại vườn với giá bán 150 nghìn đồng/kg.
Cách đó 1km, tại xứ đồng Bãi Tổng xã Đan Phượng, vườn nho Hợi Hường của gia đình anh Nguyễn Hữu Hợi cũng đang kết trái tươi tốt. Những ngày này, gia đình anh có khoảng 20 nhân công thời vụ làm công việc tỉa lá cắt quả để chuẩn bị đón khách tham quan. Hiện anh đang có 4.500m2 đất trồng nho. Bắt đầu canh tác giống cây này từ năm 2019, đến nay vườn nho của anh đang có 900 gốc, sản lượng đạt 7-8 tấn/năm, thu lợi nhuận 400 triệu đồng. Vào mùa thu hoạch, anh bán vé tham quan với giá 30.000 đồng/lượt, thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày, ngày cao điểm lên tới hơn 1.000 lượt khách/ngày.
Tiềm năng to lớn cho nông nghiệp sinh thái địa phương
Lý giải về sức hút của những vườn nho hạ đen vào mùa thu hoạch, những nông dân như ông Vinh, anh Hợi cho biết, do ở miền bắc nho thường không trồng được hoặc chỉ hạn chế ở một số vùng nên gây sự tò mò, chú ý cho người dân. Vào mùa chín, từng chùm nho đen bóng, sai trĩu quả đung đưa tạo cảnh quan đẹp mắt như mời gọi du khách đến tham quan trải nghiệm mà không cần phải vào tận Ninh Thuận. Người dân khi đến đây đều vô cùng thích thú và bị thu hút bởi loại quả này. Sau khi tham quan, check-in với vườn nho, nhiều người còn mua nho đem về. Cứ thế, người nọ truyền tai người kia khiến cho những vườn nho tại Đan Phượng vào mùa chín rộ luôn đông vui tấp nập.
Có thể nhận thấy, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cũng như giá trị kinh tế mà nho hạ đen đem lại cho người dân nơi đây là vô cùng lớn. Việc kết hợp mô hình giữa trồng nho và tham quan trải nghiệm tạo hiệu quả kép với nhiều lợi ích. Trước hết là bảo đảm được đầu ra bền vững cho người nông dân, khi sản phẩm làm ra được du khách đến mua tận vườn mà không cần chuyển đi giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người trồng.
Đồng thời, mô hình này cũng kết hợp quảng bá nông sản trên các nền tảng mạng xã hội, tạo cảnh quan đẹp mắt góp phần đẩy mạnh du lịch sinh thái. Khi nho chín, chủ vườn chỉ cần đăng bài trên fanpage của các hội nhóm thì du khách sẽ tự động tìm đến và tiêu thụ nho. Đặc biệt khi mua tận vườn, người dân được chứng kiến quá trình trồng và chăm bón càng yên tâm hơn vào chất lượng sản phẩm.
Hiện huyện Đan Phượng đang có một diện tích trồng nho hạ đen rộng lớn tập trung chủ yếu ở các xã vùng bãi sông Hồng như Phương Đình, Đan Phượng, Trung Châu, Hạ Mỗ… Sản phẩm nho hạ đen ở xã Phương Đình đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Trong thời buổi bùng nổ công nghệ và nhu cầu thực phẩm sạch tăng cao, việc kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và làm du lịch sinh thái đang là tiềm năng và thế mạnh của vùng. Tuy nhiên, mô hình trên vẫn đang dừng ở mức tự phát và chưa có sự định hướng, dẫn dắt từ chính quyền. Cần sự đầu tư, quan tâm và vào cuộc hơn nữa của chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan để tiến hành quy hoạch, phát triển cũng như hỗ trợ tạo điều kiện, thành lập hợp tác xã gắn với vùng nguyên liệu để du lịch sinh thái từ cây nho hạ đen trở thành ngành kinh tế bền vững của huyện Đan Phượng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nong-dan-lam-nong-nghiep-sinh-thai-post809927.html