Nông dân nhạy bén làm ăn
Kết hợp nhiều loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích; canh tác các loại cây trồng mà địa phương chưa có... là những cách làm nhạy bén của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Phương pháp này vừa đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu của người dân địa phương, vừa tránh được tình trạng dội chợ do sản xuất quá nhiều.
Nhiều loại cây trồng mới được đưa vào sản xuất giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Phát triển mô hình đa canh
Thời gian qua, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng đa dạng hóa cây trồng vào cùng một đơn vị diện tích. Cách làm này giúp phát huy hết tiềm năng của đất trồng, tận dụng tối ưu nguồn nước tưới, dinh dưỡng, phân bón…
Mặt khác, canh tác đa canh giúp kiểm soát được sâu bệnh, dịch hại vì một vài giống cây có công năng xua đuổi côn trùng gây hại và một số cây khác có khả năng dẫn dụ côn trùng có lợi cho cây.
Ngoài ra, nhờ có nhiều loài cây sống cùng nhau nên có thể bổ trợ lẫn nhau, tăng thêm thu nhập nhờ đa dạng hóa sản phẩm. Khi giá cả một loại nông sản nào đó bị biến động thì còn có những loại cây khác bù lại để gia giảm tác động kinh tế.
Ở huyện Phú Tân, việc đa dạng các loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích đã giúp gia đình bà Phạm Thị Kiếm (xã Phú Hiệp) cải thiện thu nhập. Trước đây, trên diện tích 3.000m2, bà Kiếm trồng các loại cây ăn trái, chủ yếu là bưởi và chanh. Thấy năng suất cây trồng không cao, đầu ra hạn chế, bà Kiếm tìm hiểu kỹ về mô hình trồng cây măng tây và chuyển 700m2 để thử nghiệm.
Phần diện tích còn lại được chia nhỏ trồng đủ loại: Thiên lý, mía, chanh không hạt, chuối và các loại rau. Nhờ trồng trọt đa dạng đã giúp gia đình bà Kiếm có được nguồn thu liên tục và “lấy ngắn nuôi dài” hiệu quả. Riêng măng tây, bà Kiếm đã mở rộng lên diện tích 1.000m2.
Từ khi chuyển đổi đến nay hơn 1 năm, bà Kiếm nhận thấy cây măng tây khá dễ trồng, sinh trưởng tốt trên nền đất pha cát, bón phân hữu cơ và nước sạch. Với 2.000 cây măng tây, sau 8 tháng trồng, bắt đầu cho thu hoạch. Theo quá trình sinh trưởng, măng tây cho sản lượng tăng dần, giai đoạn đầu thu hoạch được 2kg/ngày, đến nay đã tăng lên 5kg/ngày.
Toàn bộ măng tây sau khi thu hoạch được bạn hàng đến tận nơi để thu mua với giá 70.000 đồng/kg. Các loại cây trồng khác cũng giúp mang lại nguồn thu khoảng 300.000 đồng/ngày. Với mô hình trồng trọt đa dạng nhiều loại cây trồng, rau màu hiện tại, đem lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng cho gia đình bà Kiếm.
Tại xã Phước Hưng (huyện An Phú), nhờ canh tác nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã giúp gia đình ông Ngô Công Hầu có được kinh tế ổn định. Với diện tích 0,4ha, ông Hầu canh tác xoài, đồng thời nuôi thêm gà thả vườn, ao nước được tận dụng để nuôi cá và trồng rau muống. Nhờ canh tác nhiều loại cây trồng đã giúp gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng/năm.
Lựa chọn cây trồng mới
Không chạy theo số đông, ông Nguyễn Thanh Liêm (xã Long Giang, huyện Chợ Mới) lựa chọn cây hồng xiêm (lồng mứt) để phát triển kinh tế. Lý giải điều này, ông Liêm cho biết, cây hồng xiêm ở địa phương chưa ai trồng nên đầu ra khá ổn định, không bị dội chợ. Mặt khác, hồng xiêm cũng khá dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương.
Ông Liêm cho biết, năm 2018, ông chuyển đổi 3.000m2 đất lúa kém hiệu quả để trồng khoảng 100 cây hồng xiêm. Cây giống được ông mua từ nhà vườn uy tín. Sau 24 tháng dày công chăm sóc, hồng xiêm cho năng suất khả quan, ông rất phấn khởi. Theo ông Liêm, loại cây này không tốn quá nhiều chi phí sản xuất. Trung bình mỗi cây chỉ cần bón 1-1,5kg phân bón/tháng, chi phí phân bón khoảng 1,5 triệu đồng.
Loại cây này có ưu điểm nhiều về năng suất, quả to, mọng, vị thanh ngọt, hương thơm nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, mỗi ngày gia đình thu hoạch 30-50kg trái hồng xiêm. Với giá bán cho thương lái và người dân địa phương từ 14.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông có được nguồn thu ổn định khoảng 400.000-500.000 đồng/ngày.
“Do loại nông sản này chưa được trồng nhiều, nên tương đối hút hàng, số lượng không đủ bán cho khách hàng. Ngoài bán trái, tôi còn nhân giống bán cho nông dân có nhu cầu phát triển mô hình trồng cây hồng xiêm để thêm thu nhập”- ông Liêm chia sẻ. Thời gian tới, ông Liêm sẽ phát triển thêm cây trồng mới như sầu riêng, đồng thời thí điểm trồng cherry để đa dạng cây trồng...
Với sự nhạy bén trong sản xuất, nhất là biết nắm bắt thị trường, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn phá vỡ thế độc canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, nông dân cũng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng
chất lượng, hiệu quả canh tác nông nghiệp.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nong-dan-nhay-ben-lam-an-a336200.html