Nông dân sẽ có lợi ích lâu dài khi doanh nghiệp phân bón phát triển ổn định

Việc đưa phân bón quay trở lại chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho nông dân, khi ngành sản xuất trong nước phát triển hiệu quả, có điều kiện hạ giá thành sản phẩm tới tay bà con. Đây là nhận định của TS Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới về đề xuất áp thuế GTGT mặt hàng phân bón.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự thay đổi giá thành của mặt hàng phân bón trong những năm qua?

TS Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

TS Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

TS Phùng Hà: Giá phân bón trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá nguyên liệu đầu vào, thí dụ khí, than, lưu huỳnh, ammoniac… giá cước vận tải, nhu cầu, thời tiết, giá cả nông sản, chính sách của các quốc gia về phân bón, đặc biệt là Trung Quốc.

Thời điểm Nga và Trung Quốc - hai nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới đều đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu để bảo đảm nhu cầu sử dụng trong nước đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU đối với Belarus cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu phân bón kali vì Belarus chiếm tới 20% tổng lượng này trên toàn thế giới, hay các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, gần đây nhất là cuộc chiến Nga - Ukraine dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung, làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, năm 2014, Quốc hội ban hành Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT. Luật Thuế 71 và nhiều biến số đã ảnh hưởng khá lớn đến giá phân bón ở Việt Nam.

Về giá phân bón trên thế giới, trong khoảng 50 năm gần đây, đã tăng đột biến hai lần vào năm 1973-1974 và năm 2007-2008. Từ đầu năm 2021 đến gần cuối năm 2022, thế giới chứng kiến đợt tăng giá thứ ba có thể nói tăng “phi mã” của phân bón, giá phân bón, một trong những chi phí lớn nhất của nông dân, đã đạt mức cao nhất vào thời điểm đầu năm 2022.

Theo ông, chính sách miễn thuế GTGT phân bón của Luật Thuế 71 có thực sự mang lại hiệu quả, hỗ trợ người nông dân và sản xuất nông nghiệp như kỳ vọng?

Rất tiếc sau khi Luật Thuế 71 có hiệu lực, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, các viện, cơ quan nghiên cứu… hoặc không thực hiện, hoặc không đủ thông tin dữ liệu để chứng minh rằng áp thuế GTGT 5% cho mặt hàng phân bón có lợi hay không chịu thuế có lợi hơn.

Việc ban hành Luật Thuế 71 mục tiêu nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu xem xét cụ thể từng mục tiêu sau khi Luật Thuế 71 có hiệu lực, chúng ta thấy chưa thực sự khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước, việc tác động đến nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp không rõ ràng, các dự án sản xuất phân bón trong nước hoàn toàn được xây dựng vào giai đoạn trước năm 2014.

Cụ thể, trước năm 2014, có 6 dự án sau đi vào sản xuất, gồm: Đạm Phú Mỹ sản lượng 900.000 tấn/năm khánh thành tháng 12-2004; Đạm Cà Mau công suất 900.000 tấn/năm khánh thành tháng 10-2012; Nhà máy Đạm Hà Bắc nâng công suất lên 500.000 tấn/năm khánh thành tháng 6-2015 (xây dựng từ trước 2014); Nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9-2012; Nhà máy DAP Hải Phòng công suất 330.000 tấn/năm khánh thành tháng 4-2009; Nhà máy DAP Lào Cai công suất 330.000 tấn/năm đi vào sản xuất từ tháng 7-2015 (xây dựng từ trước 2014). Tổng công suất giai đoạn này hơn 3,5 triệu tấn/năm.

Trong khi đó sau năm 2014, số dự án giảm sút hơn một nửa, trong khi tổng công suất giảm hơn 9 lần, chỉ còn: Nhà máy NPK Hàn Việt của Tập đoàn Taekwang (đã trở thành công ty con của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau từ tháng 4-2024) công suất 360.000 tấn/năm đi vào hoạt động 12-2017; Nhà máy NPK công nghệ hóa học của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP công suất 250.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ năm 2018 (được xây dựng từ trước năm 2014); Nhà máy SOP Phú Mỹ khởi công xây dựng năm 2015 công suất SOP 20.000 tấn/năm. Tổng công suất giai đoạn này 380.000 tấn/năm.

Nhằm giảm thiểu khí phát thải nhà kính, góp phần vào mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ tại COP26, các loại phân bón hiệu quả cao (Enhanced-Efficiency Fertilizers EEF) như phân đạm giải phóng chậm, có kiểm soát… là những sản phẩm được khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, nước ta hoàn toàn thiếu các mặt hàng này, lý do khi mặt hàng phân bón không bị áp thuế dẫn đến các doanh nghiệp (DN) phân bón nội địa không mặn mà đầu tư thêm dây chuyền mới. Vì khi đầu tư sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của máy móc, thiết bị,… dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư.

Mục tiêu giảm giá thành phân bón không có đánh giá như đã nói ở trên, việc hỗ trợ người nông dân, hay sản xuất nông nghiệp cũng không được đánh giá cụ thể nên không thể có đánh giá định lượng.

Có đúng là DN phân bón sản xuất nội địa đang phải cạnh tranh thiếu công bằng với phân bón nhập khẩu không, thưa ông?

Theo Luật Thuế 71, phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các DN sản xuất trong nước, phát sinh những bất cập khiến nhiều DN sản xuất trong nước phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.

Nguyên nhân là các DN sản xuất phân bón trong nước phải cạnh tranh về giá bán khi gánh chịu chi phí thuế GTGT, trong khi lại không áp dụng với mặt hàng nhập khẩu cùng loại. Trong trường hợp áp dụng thuế suất thuế GTGT với phân bón thì phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT và ngân sách Nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này.

Doanh nghiệp phân bón trong nước sản xuất ổn định, hiệu quả, từ đó có điều kiện giảm giá bán tới tay bà con nông dân.

Doanh nghiệp phân bón trong nước sản xuất ổn định, hiệu quả, từ đó có điều kiện giảm giá bán tới tay bà con nông dân.

Ở cương vị đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam, theo ông cần kiến nghị về chính sách thuế như thế nào để mặt hàng phân bón được như mong muốn của người nông dân và chủ trương hỗ trợ nguyên liệu đầu vào quan trọng của ngành nông nghiệp đạt mong đợi như kỳ vọng?

Nhìn chung bà con nông dân mong muốn có phân bón có chất lượng tốt, ổn định, giá cả phù hợp, hậu mãi tốt, có độ tin cậy cao, thương hiệu có uy tín, truyền thống. Phân bón trong nước có chất lượng tốt, ổn định và hậu mãi tốt, chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng sản phẩm liên quan đến năng suất, chất lượng của nông sản chắc chắn chiếm được cảm tình của bà con nông dân.

Để góp phần tháo gỡ những bất cập như đã nêu trên, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, góp phần thúc đẩy bền vững của ngành sản xuất phân bón trong nước, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiếp tục kiến nghị đề xuất sửa đổi áp dụng mức thuế suất GTGT 5% thay cho quy định hiện nay.

Lợi ích lớn nhất là bà con nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài khi DN phân bón trong nước sản xuất ổn định, có hiệu quả, từ đó có điều kiện hạ giá thành, giảm giá bán tới tay bà con nông dân. Nông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn do các nhà sản xuất nội địa được hoàn thuế GTGT đầu vào và giá thành sản xuất giảm. Nông dân mua phân bón nhập khẩu với giá cao hơn do phân bón nhập khẩu phải chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, sản lượng phân bón nhập khẩu thấp hơn phân bón sản xuất trong nước nên về tổng thể vẫn có lợi hơn cho người tiêu dùng.

Theo một số nhà tài chính, chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội sẽ góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón.

Bất kể một chính sách nào nói chung và thuế nói riêng có liên quan tới lợi ích của nhiều bên khó có thể mang lại lợi ích một lúc cho toàn bộ các bên, quan trọng là dựa trên lợi ích lâu dài, tổng thể và khả năng của các cơ quan quản lý điều hòa lợi ích của các bên có liên quan.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Để góp phần tháo gỡ những bất cập, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, góp phần thúc đẩy bền vững của ngành sản xuất phân bón trong nước, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiếp tục kiến nghị đề xuất sửa đổi áp dụng mức thuế suất GTGT 5% thay cho quy định hiện nay.

Chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội sẽ góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác.

Phương Thảo (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nong-dan-se-co-loi-ich-lau-dai-khi-doanh-nghiep-phan-bon-phat-trien-on-dinh-10292916.html