Nông thôn miền núi trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy

Sau 20 mươi năm dịch chuyển từ nơi biên viễn Hà Giang về với chốn thị thành Hà Nội, Đỗ Bích Thúy cũng đã có một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, với 24 đầu sách, đủ các thể loại (truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn) và sáng tác trên nhiều đề tài khác nhau. Nhưng có lẽ các tác phẩm gắn với mảnh đất Hà Giang - nơi Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên lại chiếm số lượng nhiều nhất, gặt hái được nhiều thành công hơn cả.

1. Nhà văn Đỗ Bích Thúy là một trong những cây bút nữ tiểu biểu của văn xuôi đương đại Việt Nam viết về đề tài miền núi. Tác phẩm của chị được bạn đọc và giới nghiên cứu, phê bình văn học yêu mến, đánh giá cao với một văn phong giản dị, trong sáng và khả năng đi sâu, khám phá hiện thực đời sống xã hội và thế giới nội tâm của nhân vật một cách đa dạng và phong phú. Ở thể loại nào chị cũng gặt hái được những thành công nhất định, nhất là ở địa hạt truyện ngắn viết về đề tài miền núi Bích Thúy đã chiếm được tình cảm yêu mến và đọng lại trong lòng người đọc những vẻ đẹp đầy chất thơ, giàu tính nhân văn, in đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của các dân tộc ở miền núi phía Bắc. Viết về đề tài miền núi, một mặt Đỗ Bích Thúy đã tiếp thu mạch nguồn của các nhà văn đi trước như Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Cao Duy Sơn,… nhưng mặt khác, chị cũng đã có một cách nhìn riêng, đầy mới mẻ về hiện thực và con người mang đậm hơi thở của cuộc sống vùng cao nên mỗi trang văn đều có dáng nét, sắc thái độc đáo, rất nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng tinh tế và sâu sắc.

Duyên văn đã đến với Đỗ Bích Thúy một cách tự nhiên. Thời trung học chị là một học sinh giỏi văn, được đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc, mong muốn trở thành cô giáo dạy văn. Nhưng ước mơ lại không trở thành hiện thực vì sau khi tốt nghiệp phổ thông chị lại chọn học ngành Tài chính - kế toán. Vừa mới kết thúc khóa học, chưa kịp nhận việc thì Đỗ Bích Thúy lại được báo Hà Giang mời về làm phóng viên. Trong thời gian bốn năm làm việc ở báo Hà Giang Bích Thúy đã được đi nhiều nơi, có nhiều trải nghiệm thực tế, được tìm hiểu, đắm mình trong không gian văn hóa của các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Chính mảnh đất màu mỡ này là nguồn cảm hứng bất tận để Đỗ Bích Thúy sáng tác văn chương. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có nhận xét về chị rất đúng, khi cho rằng: “Nhờ đắm mình trong đời sống, hiểu cặn kẽ mọi ngóc ngách từ cảnh sắc, phong tục, tập quán, đến đời sống tính cách, tâm hồn và văn hóa của người dân vùng cao, với con mắt của người dưới xuôi, Đỗ Bích Thúy phát hiện được nhiều vẻ đẹp mà có khi chính người vùng cao không nhìn ra được”. Độc giả đọc tác phẩm Đỗ Bích Thúy cứ ngỡ là người miền núi, thuộc dân tộc Tày hoặc Mông nhưng lại không phải, chị là người dân tộc Kinh, quê gốc ở Nam Định, sinh ra và lớn lên ở Hà Giang. Ngay những người thân quen thường đối diện với Bích Thúy cũng rất ngỡ ngàng vì ngoại hình được sở hữu vẻ đẹp rất thị thành, thích thời trang và một nhà báo nên họ luôn nghĩ Bích Thúy là một nhà báo chuyên nghiệp viết thời trang hơn là một nhà văn gắn bó với những câu chuyện của miền núi cao Hà Giang bốn bề núi rừng, mây phủ. Sau một thời gian làm việc ở báo Hà Giang, Bích Thúy say mê với nghề, muốn gắn bó lâu dài nên đã đăng kí học tiếp tại Phân viện Báo chí Tuyên truyền. Đang học năm cuối, chuẩn bị tốt nghiệp đại học thì chị biết ở tạp chí Văn nghệ Quân đội có một cuộc thi truyện ngắn nên đã gửi chùm truyện ngắn Ngải đắng trên núi, Mùa cá nổi, Sau những mùa trăng đi dự thi và đã đạt giả Nhất. Sau cuộc thi này cái tên Đỗ Bích Thúy được độc giả rộng khắp cả nước biết đến, yêu mến và đã được Tổng biên tập của tạp chí Văn nghệ Quân đội nhận về làm việc. Mặc dù sống và làm việc trong một môi trường sáng tác lý tưởng ở Hà Nội nhưng Bích Thúy ngày đêm (ngoài công việc phụ trách 1 tháng 2 số báo của Tạp chí) vẫn miệt mài cày ải trên cánh đồng văn chương, vẫn viết về mảnh đất và con người vùng cao và mỗi năm đều trình làng một cuốn sách. Sau 20 mươi năm dịch chuyển từ nơi biên viễn Hà Giang về với chốn thị thành Hà Nội, Đỗ Bích Thúy cũng đã có một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, với 24 đầu sách, đủ các thể loại (truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn) và sáng tác trên nhiều đề tài khác nhau. Nhưng có lẽ các tác phẩm gắn với mảnh đất Hà Giang - nơi Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên lại chiếm số lượng nhiều nhất, gặt hái được nhiều thành công hơn cả. Một số tiểu thuyết và truyện ngắn được chuyển thể thành kịch bản phim như Chuyện của Pao, Lặng im dưới vực sâu, Chúa đất, Người yêu ơi,... có tiếng vang lớn, đã đưa tên tuổi của Đỗ Bích Thúy lên một tầm cao hơn, được độc giả, giới văn học nghệ thuật trong và ngoài nước biết đến, yêu mến. Gần đây nhất Bích Thúy đã cho ra đời tập tản văn Tôi đã trở về trên núi cao. Tác phẩm đánh dấu một dấu mốc son đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp cầm bút của Đỗ Bích Thúy, vì dường như chị đã có một quãng dừng để sống chậm lại, nhận rõ "bản lai diện mục" của chính mình mà trải lòng, tâm sự với bạn đọc về chuyến hành trình đi và trở về với vùng núi cao miền Bắc - Hà Giang. Chính tác giả của tập sách cũng đã thừa nhận với độc giả: Tôi rất trân trọng cuốn sách này vì nó chính là một dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp cầm bút của tôi. Tác phẩm như một sự vẫy gọi tôi ngoái lại phía sau, đong đầy khát vọng trở về với núi rừng vùng cao - nơi tôi sinh ra và lớn lên một cách mãnh liệt. Thêm một lần nữa Đỗ Bích Thúy đã khẳng định được nội lực, sức sống và sở trường bền lâu của mình trong một không gian văn hóa trù phú Hà Giang. Đúng như lời Đỗ Bích Thúy tâm sự: "Tôi nghĩ rằng, tôi là một nhà văn hạnh phúc và may mắn khi tôi có một mảng đề tài, một mảnh đất, một vùng văn hóa để nhớ thương, yêu mến, tha thiết với nó".

Riêng địa hạt truyện ngắn viết về đề tài miền núi, Đỗ Bích Thúy đã định hình cho mình một cách viết riêng, độc đáo, giản dị, không ồn ào, hoa mĩ, trong trẻo như suối nguồn vùng cao, như chính tâm hồn của chị vậy. Đọc những tập truyện ngắn như Sau những mùa trăng (2001), Những buổi chiều ngang quan cuộc đời (2003), Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (2006), Người đàn bà miền núi (2008), Mèo đen (2011), Đàn bà đẹp (2013),… độc giả sẽ thấy được tài năng của Đỗ Bích Thúy trong việc khai thác chiều sâu đầy phức tạp, hấp dẫn của đời sống xã hội, phẩm chất, nhân cách, nét đẹp văn hóa con người miền núi đầy mộc mạc, chân chất, trong trẻo, qua đó khẳng định được những nỗ lực, sự đóng góp không nhỏ trong hành trình viết văn của Bích Thúy đối với truyện ngắn viết về đề tài miền núi trong dòng chảy của truyện ngắn Việt Nam đương đại.

2. Trong truyện ngắn viết về đề tài miền núi, Đỗ Bích Thúy đã dựng lên một không gian sinh tồn sinh động và phong phú về thiên nhiên, núi rừng, bản làng nơi miền biên viễn ở phía Bắc của Tổ quốc. Đọc các truyện ngắn Cạnh bếp có cái muôi g, Hẻm núi, Cột đá treo người, Mần tang mọc trong thung lũng, Ngải đắng ở trên núi,… độc giả sẽ cảm nhận được một vẻ đẹp độc đáo riêng biệt, không lẫn đâu được - không gian “đặc sệt” của miền núi phía Bắc hoang sơ, hùng vĩ, đầy bí hiểm bằng những đường nét, hình khối khỏe khoắn, đầy thú vị, choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Để rồi độc giả cứ ngỡ như mình được sống trong một không gian đậm chất miền núi, hòa vào không gian bất tận đại ngàn Tây Bắc, với những tên đất, tên núi, tên rừng, tên thác, tên bản,... xa xôi, thơ mộng, huyền bí và tràn đầy sức sống, làm say đắm lòng người như Chín Chải, Tây Côn Lĩnh, Cao Bành, Xà Tùng Chứ, Lũng Pục, Lao Chải, Sán Chải, Cao Mã Pờ, Pải Lủng, Vần Chải, Xán Díu, Thượng Sơn, Phia Giạ,… Ở Cnh bếp có cái muôi g, Bích Thúy miêu tả những ngọn núi của miền rẻo sơn cước Hà Giang "cao ngang mây trời, nhiều như sao trên dòng ngân hà, ngửa mặt đếm mỏi miệng, mỏi cổ không xuể”. Những ngọn núi cao nhấp nhô, nối tiếp đã điểm tô thêm cho vẻ đẹp của bầu trời khiến bầu trời trở nên "cao lên vời vợi giữa bốn bề vách núi sừng sững”. Núi, sông, mây,... hùng vĩ, huyền ảo chồng lên nhau, nhấp nhô như răng cưa bao quanh bản Tả Gia đã tạo nên một không gian cao rộng, kỳ vĩ. Những con đường vào bản "ngoằn ngoèo bám trên triền dốc là thấy ngay cái lạnh ùa tới. Gió dưới vực sâu hun hút thốc lên” nên "phải đi mười một khúc đường vòng như trước mặt mới về tới. Vừa đi vừa đếm ngược, đến vòng cua cuối cùng mới thấy nhà trưởng bản nằm chon von trên cao". Tác giả sử dụng các câu văn tường thuật miêu tả rất ngắn gọn, súc tích, kết hợp với những từ láy như ngoằn ngèo, hun hút, chon von,.. làm cho không gian thiên nhiên nơi đây vốn tĩnh lặng đã trở nên động, với đầy đủ cảm giác hùng vĩ, dữ dội, hiểm nguy, lạnh lẽo, chon von, hun hút của núi rừng, mang lại cho độc giả một cảm giác vừa thú vị vừa lo lắng, sợ hãi. Ở Cột đá treo người, Bích Thúy miêu tả không gian thiên nhiên của núi rừng Phia Giạ - một đỉnh núi cao nhất Đồng Văn. Với biệt tài miêu tả của tác giả, bạn đọc như lạc vào một thế giới xa lạ, cảm thấy đáng sợ, rợn cả người trước "một cái hang, nhìn từ xa không thấy được miệng vì miệng hang chỉ như vết nứt ngang, rễ cây lại mọc lòa xòa xuống che kín. Muốn vào trong hang phải bò qua một quãng chừng ba người nối lại. Lòng hang rộng và bằng phẳng như một cái nhà lớn. Trong hang, dơi to như gà con nuôi một tháng, nhập nhoạng tối lại bay ra cả đàn. Người ta bảo dơi này thích ăn mắt người". Chính cảnh vật này càng làm cho câu chuyện "cột đá treo người" lưu truyền từ lâu trong dân gian trở nên nổi tiếng với những hình phạt đầy man rợ, khủng khiếp của chúa đất Sùng Chứ Đà. Ở Mần tang mọc trong thung lũng, Bích Thúy miêu tả về âm thanh của núi rừng qua cảm nhận của nhân vật Liêu trong lần đầu tiên đến nơi đây. Trong không gian núi rừng tĩnh lặng, Liêu đã cảm nhận được âm thanh vọng lại “có tiếng gì đạp cánh lạch xạch sau những bụi nhân trần cao ngang ngực người. Rồi tiếng bíp…bìm…bịp cất lên từ rất xa đến gần. Tiếng kêu hối hả, loạn xạ, nối từ bụi cây này sang bụi cây khác. Tiếng kêu đập vào vách núi, vọng trở lại như có hàng trăm con cùng kêu một lúc”. Nhưng âm thanh ấy lại đầy quen thuộc, đồng điệu với cuộc sống của người dân bản địa vốn dĩ mộc mạc và bình dị.

Bức tranh thiên nhiên miền sơn cước phía Bắc được Đỗ Bích Thúy viết bằng ký ức, hoài niệm được lục lại, chắt lọc, gợi tìm những gì đẹp nhất, đặc trưng nhất của chính quê hương mình để trải trên từng trang văn. Thiên nhiên vì thế thấm đẫm chất thơ, âm thanh và màu sắc sinh động khiến độc giả như đã hòa mình vào không gian đại ngàn Tây Bắc - xứ sở lâm tuyền thơ mộng tràn đầy sức sống, đắm say lòng người. Đó là vạn vật non ngàn, sắc màu rực rỡ của "hoa lê đang bật bông trắng muốt. Hoa lê càng trắng thì trời càng lạnh,… Mây trên cao tràn xuống, tam giác mạch chỉ còn thấy mờ mờ, hoa lẫn trong sương”, của “mây giăng lưng chừng, hoa tam giác mạch nở rộ, cuối mùa hoa ngả sang màu hồng sẫm, lẫn vào mây mờ” (Cạnh bếp có cái muôi gỗ). Khí “trời càng rét thì sắc biếc hồng càng rực rỡ,… Cỏ không mọc nổi nhưng hoa tam giác mạch thì nảy mầm lên xanh mướt”, “xanh rợp, tím ngắt, bàng bạc trắng, dập dềnh như những cơn sóng là cả triền núi mơn mởn ngải đắng vừa thức dậy từ sương mờ” (Ngải đắng ở trên núi). Cùng với non cao, núi biếc, mây trời,… là những con suối "trong vắt chảy trên lớp đá cuội màu đỏ tía. Đá đỏ làm cho nước cũng màu đỏ, lá rừng rụng xuống cũng màu đỏ” và “nước ấm, cả những viên đá cuội đỏ bầm cũng ấm như được vùi trong bếp từ hàng trăm năm” (Đá cuội đỏ). Những hoa lê một màu trắng muốt, hoa tam giác mạch một màu xanh mướt, của những dãy núi liên tiếp “hình răng cưa”, của những cánh đồng phủ kín tam giác mạch hòa lẫn với màu trắng của mây, màu đỏ tía của đá cuội,... khiến bầu trời và mặt đất đồng điệu một sắc trắng diệu kì, sắc trắng tinh khôi của mùa xuân, vì thế nó đã lấn át cái lạnh giá của mùa đông miền núi đầy lạnh lẻo, khắc nghiệt, tạo ra cho người đọc một cảm giác lạ lẫm, thú vị vô cùng.

Cảm giác thú vị, lạ lẫm ấy còn được Đỗ Bích Thúy miêu tả về bức tranh thiên nhiên của miền núi phía Bắc trong bốn mùa, theo sự chuyển động của thời gian ngày/đêm, sáng/trưa/chiều/tối. Nổi bật nhất trong sự chuyển mùa của thiên nhiên được Bích Thúy tập trung khai thác, miêu tả, đó là vào thời gian buổi chiều và về đêm. Buổi chiều khi hoàng hôn về là lúc thời gian giao thời giữa ngày và đêm, thiên nhiên chiều thu như lắng đọng trên nương ngô, mặt trời đỏ bầm chìm xuống non nửa nhuộm cả ánh hoàng hôn ngả tím, phủ đầy thung lũng: “Sau dãy núi hình răng cưa mặt trời đỏ bầm đã chìm xuống non nửa. Những mảng khói còn lại của nương đồi mới đốt quẩn vào nhau, bốc ngược lên chậm chạp, nhuộm cho ánh hoàng hôn ngả tím, phủ đầy xuống thung lũng. Mặt trời càng lặn sâu thì gió thổi càng mạnh, cuốn tàn tro mằn mặn bay tứ tung. Những con cánh cam dúi đầu xuống đám lá dẻ khô". Cảnh sắc ấy khiến nhân vật Liêu cảm thấy thời tiết thay đổi quá nhanh chóng. Mới nhìn thấy màu đỏ bầm của mặt trời, những làn khói đốt nương quẩn vào nhau, vị mằn mặn của tàn tro đang bay trong không gian, cái lạnh rùng mình của sương khuya bắt đầu buông trong buổi hoàng hôn: "Vừa mới chang chang nắng đốt cháy cả cỏ cây da thịt đã lạnh rùng mình ngay được. Thậm chí Liêu còn cảm thấy sương đang bủa xuống ướt vai mình. Tả Gia ngay trước mặt đây rồi, bóng chiều đang dềnh lên, tưởng chỉ dợm bước là đã đặt chân ngay xuống thung lũng” (Mần tang mọc trong thung lũng). Thời gian trôi đi nhanh quá, buổi chiều vừa buông thì hoang hôn lại về, mùi khói bếp xen lẫn mùi sương bảng lảng quấn quyện đã khiến tâm trạng của Sính (Cái ngưỡng cửa cao) thêm nặng trĩu suy tư, một nỗi buồn diệu vợi, cô quạnh hầu mong người vợ của mình - một cô giáo miền xuôi đã dứt áo ra đi hãy trở về cùng mình, cùng bản: “Chiều đang duềnh lên, nhanh như nồi cơm sôi không kịp mở vung. Nhà thấp tối trước, nhà cao tối sau, càng gần trời càng tối muộn,...”. Khung cảnh thiên nhiên mỗi khi đêm về cũng rất thú vị. Đêm về vạn vật và con người nơi đây rất yên ắng, chỉ có ánh trăng trải khắp bản làng, làm cho không gian núi rừng trở nên đẹp và thơ mộng hơn. Vẻ đẹp ấy khiến nhân vật ''tôi" (Đêm cá nổi) cảm nhận ánh trăng như “có ai đó mơn man những ngón tay mềm lên mặt mình” nhưng thực ra đó là ánh trăng. Một màu vàng lan tỏa từ ánh trăng khiến “dòng sông chảy dưới ánh trăng giữa tháng sóng sánh vàng,… Trăng vẫn đổ ánh sáng xuống dòng sông vàng” (Gió lùa qua cửa). Và “ánh trăng sáng trắng lọt qua ô cửa nhỏ, hắt cả một quầng sáng vào trong nhà,… Cả bản tôi nằm gọn trong một thung lũng, bốn phía là rừng, qua rừng đến nương ngô, nương lúa, qua nương lại đến rừng rồi đến bản khác. Bản ở dưới thung lũng nên ngập tràn trong ánh trăng. Ban đêm những nếp nhà lô nhô lẫn vào rừng cây trông không rõ đâu là nhà, đâu là những tán cây rì, cao vút. Giữa mùa, trăng cứ rọi vào nhà cả đêm, trăng đi một vòng cửa trước ra cửa sau” (Sau những mùa trăng). Không gian núi rừng, bản làng thật thoáng đãng, sáng trong được chiếu rọi dưới ánh trăng lung linh sắc màu: sắc màu thẫm của buổi bình minh, màu xanh non da trời, sắc biêng biếc màu mây, sắc xanh mơn mởn cỏ cây hoa lá, màu trắng tinh khiết của hoa lê, màu xanh mướt rồi đỏ tía của hoa tam giác mạch,... Mỗi vật, mỗi cảnh nơi vùng biên ải phía Bắc đều được Bích Thúy mã hóa bằng ngôn từ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống, thơ mộng, lan tỏa thêm hơi ấm tình đất, tình người khiến tất cả trở nên kỳ diệu, nên thơ, thân thương và đáng yêu.

Thế nhưng không gian thiên nhiên vùng núi cao Tây Bắc theo thời gian cũng đã bị tác động một cách mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa khiến không gian nơi đây bị tàn phá, xâm lấn một cách thô bạo. Văn minh đô thị, kinh tế thị trường không chỉ tác động đến trong đời sống xã hội của những thành phố lớn mà giờ đây nó đã ảnh hưởng rất lớn đến các vùng nông thôn hẻo lánh, những thôn bản vùng cao. Thành quả đáng ghi nhận của nó đối với sự phát triển xã hội, kinh tế các vùng miền núi thì đã rõ nhưng mặt trái của nó cũng đã tác động, gây ảnh hưởng rất lớn, làm xáo trộn đến đời sống văn hóa, sinh hoạt của những người dân nơi đây. Hiện thực này đã được Đỗ Bích Thúy quan tâm, phản ánh sâu sắc trong tác phẩm của mình và có lần chị đã trăn trở, nói lên trách nhiệm của mình đối với vấn đề này: “Trong những tác phẩm của mình, tôi đã từng đề cập đến sự xâm lấn của văn minh đô thị đối với miền núi, và tôi cho rằng đây vẫn là một vấn đề “nóng” đối với văn chương, báo chí. Lấy một ví dụ, lâu nay người ta vẫn cưỡi ngựa đi chợ,… Thế là chả mấy chốc mất cả bao nhiêu câu chuyện lãng mạn nảy sinh từ con ngựa thồ có người còn gọi là “văn hóa ngựa thồ ấy, mất cả kiến trúc truyền thống,…”. Độc giả đọc Trong thung lũngsẽ không khỏi chặng lòng, xa xót trước cảnh những đoàn người nườm nượp khắp nơi đổ về thung lũng xanh để đào bới vàng khiến không gian thiên nhiên nơi đây thơ mộng bổng chốc đã trở thành một vùng đất tan hoang: “Hôm sau thì loang ra khắp xã, khắp huyện, một tuần sau thì người tứ phương đã nườm nượp kéo về, thi nhau chia đất đào bới,... Cả một dải đất màu mỡ ven sông trước đây xanh rờn các loại rau củ, chỉ sau vài năm đã tan tành như miếng thịt băm vụn”. Làn sóng đào vàng từ dưới xuôi lên không chỉ tạo nên cơn chấn thương cho thiên nhiên mà còn khoét sâu, tàn phá, vùi dập những giá trị văn hóa tốt đẹp, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây. Những khu chợ phố (Ngoài cửa trời chưa sáng) mọc lên khiến không gian bản làng bị chia cắt, kiến trúc văn hóa cũng bị phá vỡ. Văn hóa phố chợ đã tác động đến đời sống của người dân tộc miền núi, dẫn đến mọi người trở nên bon chen, đố kỵ lẫn nhau vì đồng tiền khiến niềm tin bị đỗ vỡ, lối sống văn hóa truyền thống vị rạn nứt. Và những bản như Tả Phùng, Nấm Chảng,... (Thị trấn) được nâng cấp lên thị trấn để phát triển đời sống, văn hóa nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy, như việc có rất nhiều dân bản bỏ nương rẫy để ngồi chờ dự án thu hồi đất đai để nhận tiền đền bù, hỗ trợ, mở đường, mở chợ để buôn bán hàng hóa, bãi bỏ những tín ngưỡng để được công nhận bản văn hóa, các tệ nạn xã hội lấm láp, xâm nhập,..: “Bây giờ, ai có ruộng gần đường đều cũng tính đến chuyện ra đắp nền, chỉ đợi mở chợ thôi, tha hồ buôn bán, có khi ở huyện cũng kéo lên mua hàng ở Tả Phùng. Tha hồ nhiều tiền tiêu”, “không phải làm ruộng thì sướng quá. Bọn con gái phải ở chơi với chị em Thảo để còn học cách bán hàng, chào hàng”, “cả bản không ai ngủ, chó cắn suốt đêm đèn pin cứ loang loáng. Mừng quá, thấy sắp hết nghèo rồi, không ai muốn ngủ. Phải sang nhà anh em, sang nhà hàng xóm bàn chuyện cuối năm thôi”. Sự xâm lấm của văn minh đô thị, của nền kinh tế thị trường đã làm rạn vỡ, dẫn đến xung đột văn hóa và làm thay đổi cuộc sống con người vùng cao, tạo nên những nỗi đau khôn nguôi trong ký ức người miền núi. Những tập tục tốt đẹp dần bị phá bỏ, người vùng cao trở nên sống thực dụng, nghĩ đến lợi ích cá nhân, vì đồng tiền. Hai bản Pụ Dín và Pụ Cháng,… trước đó rất nghĩa tình, gắn bó tương thân tương ái với nhau nhưng giờ đây lại quay lưng không quan hệ với nhau chỉ vì một xích mích nhỏ. Người dân Pụ Dín đi chợ không qua Pụ Cháng mà đi vòng qua hai quả núi để xuống đường cái; thanh niên Pụ Cháng đi săn cũng không đi về phía Pụ Dín; bản Pụ Cháng mở ra chợ búa, hàng quán thì bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra chỉ vì bản Pụ Dín ghen ghét, đố kị,...

3. Hiện thực đời sống và người dân vùng cao Tây Bắc được Đỗ Bích Thúy miêu tả, khắc họa, phản ánh chân thực, đầy đủ, rõ nét, sinh động. Đọc các truyện ngắn Mần tang mọc trong thung lũng, Đêm cá ni, Nga ngã núi, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Gió không ngừng thổi, Cột đá treo người, Thị trấn,... độc giả sẽ bị cuốn hút, mê đắm, sững sờ bởi những chi tiết khá đặc sắc, tinh tế, chỉ người vùng cao mới có, đó là cách sống, lối sinh hoạt, nết ăn ở, những cảnh sinh hoạt lễ hội, phong tục tập quán như lễ hội lồng tồng (xuống đồng), hội mùa xuân ném còn, tục làm ma tươi, ma khô,… Trong đó, nét đặc trưng trong không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân tộc vùng núi phía Bắc chính là những phiên chợ. Phiên chợ nơi vùng cao có sự khác biệt với những phiên chợ ở miền xuôi hay ở thành thị. Chợ trong tâm thức của người miền núi không chỉ là nơi để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi để con người thư thái sau những mùa lao động, nơi tìm bạn để gắn kết tình cảm vì thế những phiên chợ như Khâu Vai, Đồng Văn,… đã trở thành những phiên chợ nổi tiếng, trở thành một không gian văn hóa truyền thống thu hút khách thập phương đến tham quan, vui chơi. Sản phẩm hàng hóa nơi các phiên chợ này chủ yếu do chính người dân nơi đây làm ra, trao đổi, san sẻ với nhau trong cuộc sống như lúa, ngô, khoai, sắn, thổ cẩm, mộc nhĩ, mật ong, gà lợn, dê, trâu,... Đến với mỗi phiên chợ này, mọi người đều vui vẻ, tràn ngập tiếng cười, hân hoan: người già đến phiên chợ để trao đổi, mua bán những sản phẩm mình có, mình cần; trẻ em đến phiên chợ để vui chơi thỏa thích; các chàng trai, cô gái đến phiên chợ để tìm bạn tình, mời gọi bạn tình qua những câu hát tình tứ, những vũ điệu của núi rừng, những tiếng sáo và tiếng đàn môi réo rắt, thắm thiết,… Nét văn hóa về phiên chợ vùng cao được tác giả miêu tả rất cụ thể trong Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, đặc biệt là qua việc miêu tả tâm trạng của May – một cô gái mới lớn bắt đầu biết yêu đã suốt đêm không ngủ, thấp thỏm đợi trời sáng để đến với chợ phiên: “Cả đêm May không sao ngủ được. Đã cố tình đi ngủ muộn mà đến lúc vào giường, nằm mãi vẫn chưa thấy tiếng gà gáy,… Trời mờ sáng May đã dắt ngựa ra. May run quá, chỉ sợ gặp người quen trong bản, người ta kể lại với bố mẹ thì thế nào cũng bị mắng vì tội nói dối”. Trong các lễ hội cũng được tổ chức trò chơi dân gian, những trang phục, văn hóa ẩm thực đặc sắc, những câu hát, lời ru, tiếng đàn,… Đọc truyện ngắn Mần tang mọc trong thung lũng, độc giả cũng sẽ thấy được khung cảnh về những cô gái dân tộc miền sơn cước với quẩu tấu ngô xuống chợ, về những món ăn đặc trưng mèn mén, về nồi thắng cố nghi ngút khói, về vị rượu ngô đặc trưng của người dân tộc Mông, về vị đậm đà của bánh nếp, bánh tẻ trên gác bếp người Tày. Tác giả miêu tả rất chi tiết về những họa tiết hoa văn của những bộ váy áo, những chiếc khăn thêu, túi vải áo váy sặc sỡ và cả những phiên chợ vùng cao đầy thơ mộng.

Hình ảnh bếp lửa xuất hiện dày đặc trong truyện ngắn viết về đề tài này của Bích Thúy khi miêu tả không gian sinh tồn của người miền núi. Bếp lửa và mùi khói bếp cũng là một nét đặc trưng trong sinh hoạt của người miền núi phía Bắc. Mọi sinh hoạt của họ đều diễn ra bên bếp lửa trong ngôi nhà sàn, mọi người "vây quanh bếp lửa, chất đầy củi, đun nước pha chè bồm, luộc một nồi sắn thơm lừng,...” (Đêm cá nổi); mọi vật dụng trong ngôi nhà đều có mùi khói bếp - một mùi khói rất đặc trưng khiến Liêu "kéo tấm chăn vừa dày vừa nặng, vừa nồng nồng mùi khói bếp lên sát cằm,... chén nước khúc khắc, bát cơm nương cũng thoang thoảng mùi khói,...” (Mần tang mọc trong thung lũng). Những nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người miền núi phía Bắc đã thể hiện được tình yêu thương, đoàn kết, thủy chung, tương thân tương ái, niềm say mê lao động, niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp và thể hiện cách cư xử với môi trường sống.

4. Hành trình hơn hai mươi năm miệt mài, bền bỉ trên “cánh đồng văn chương”, Đỗ Bích Thúy đã sở hữu được một gia tài tác phẩm khá đồ sộ, đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài, trong đó tác phẩm viết về đề tài miền núi vẫn chiếm một số lượng nhiều nhất và cũng thành công nhất, được mệnh danh là “nàng thơ” của văn xuôi miền núi. Truyện ngắn viết về đề tài này của Đỗ Bích Thúy luôn mang đậm hơi thở của cuộc sống hiện thực với những khung cảnh thiên nhiên miền sơn cước hùng vĩ, hoang sơ, thơ mộng, với những nét văn hóa đặc trưng của vùng cao Tây Bắc, với những con người chân thực, tự trọng, giàu sức sống, với những số phận đầy ám ảnh.

Với những thành tựu đã gặt hái được ở mảng truyện ngắn viết về đề tài này, Đỗ Bích Thúy không chỉ khẳng định được bản lĩnh, ý thức, nhân cách của một nhà văn trong việc trân trọng, hướng về, bảo tồn nguồi cội văn hóa truyền thống nông thôn miền núi, mà còn có những đóng góp nhất định, khẳng định được dấu ấn văn chương Đỗ Bích Thúy trong dòng chảy chung của văn xuôi về đề tài miền núi Việt Nam đương đại.

Mảnh đất Hà Giang – miền sơn cước Tây Bắc cho đến giờ, với nhà văn nữ Đỗ Bích Thúy “vẫn là một vùng đất mà vừa thuộc về vừa cảm thấy chưa bao giờ hiểu nó đến tận cùng” đã trở thành một vùng lãnh địa thẩm mỹ riêng biệt. Tôi cũng như bạn đọc vì thế luôn hi vọng rằng: với sự đam mê, nhiệt huyết trong sáng tạo và bản lĩnh nghệ thuật vững vàng của một cây bút trẻ, giàu nội lực, đầy tiềm năng Đỗ Bích Thúy sẽ vẫn tiếp tục “bám trụ” tại miền cao để viết nên những tác phẩm về đề tài nông thôn miền núi vừa hay, hấp dẫn vừa có giá trị nhân văn sâu sắc.

Tài liệu tham khảo chính:

1. Đỗ Bích Thúy (2001), Sau những mùa trăng, Nxb. Văn nghệ Quân đội, Hà Nội.

2. Đỗ Bích Thúy (2003), Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

3. Đỗ Bích Thúy (2004), Ký ức đôi guốc đỏ, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.

4. Đỗ Bích Thúy (2006), Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội.

5. Đỗ Bích Thúy (2008), Người đàn bà miền núi, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.

Bùi Nhu Hải

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nong-thon-mien-nui-trong-truyen-ngan-do-bich-thuy-a20041.html