NSND Thanh Ngoan với nghệ thuật chèo

Sinh năm 1966 tại quê lúa Thái Bình, NSND Thanh Ngoan nổi tiếng với các vai diễn: Chủ quán Hồng Châu trong 'Hồ Xuân Hương'; vai vợ Cả Dọc trong 'Vua Chổm'. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, NSND Thanh Ngoan đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý. NSND Thanh Ngoan đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân Đội nhân dân Điện tử về tình yêu và sự trăn trở với bộ môn nghệ thuật mà chị dành cả đời để theo đuổi.

Phóng viên (PV): Chị bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ khi nào?

NSND Thanh Ngoan: Có thể nói cái duyên được hoạt động nghệ thuật đến với tôi từ rất sớm. Khi còn nhỏ, mọi người thấy tôi có năng khiếu ca hát nên cho làm quản ca từ lớp vỡ lòng đến hết cấp 2. Lên 9 tuổi, tôi tham gia câu lạc bộ ở quê nhà, chính vì vậy hầu hết các bài hát, từ nhạc thiếu nhi cho đến nhạc kháng chiến tôi đều thuộc hết. Ngày ấy chiến tranh không có ti vi như bây giờ nên hầu như tất cả các bài hát chỉ có thể nghe trên đài. Tình cờ một lần nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, làn điệu chèo trầm bổng, gần gũi đã nhen nhóm trong tôi một sự say mê đến kỳ lạ. Mãi sau này tôi mới biết là đó là làn điệu tò vò và bài “Mẹ ngồi khâu áo cho con” mà tôi được nghe NSND Thúy Hiền của Nhà hát Chèo Thái Bình thể hiện. Năm 13 tuổi, do quá đam mê, tôi rời xa gia đình, xa lũy tre làng, theo học tại Nhà hát Chèo Việt Nam (10-1979). Đến nay là đã tròn 40 năm tôi theo và gìn giữ nghiệp chèo.

 NSND Thanh Ngoan.

NSND Thanh Ngoan.

Từ khi là cô học viên còn bỡ ngỡ cho đến bây giờ đảm nhiệm vai trò người đứng đầu một nhà hát, chưa có ngày nào tôi thôi đau đáu làm thế nào để nghiệp chèo bền vững cùng sự phát triển, nền văn hóa của đất nước.

Phóng viên (PV): Chị có thể chia sẻ về vai diễn mà chị tâm đắc nhất trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình cho đến hiện nay?

NSND Thanh Ngoan: Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, tôi cũng tham gia rất nhiều vở với nhiều nhân vật khác nhau, nhưng để nói thích vai diễn nào nhất thì hơi tham bởi vì vai nào cũng có cái thích, cũng dồn hết tâm huyết của mình. Còn nhớ ngày xưa trẻ vì thân hình hơi “mập” cho nên cũng hay được vào những vai lớn tuổi.

Nhưng đối với tôi để nói ấn tượng hơn cả là vai diễn vợ quỷ trong vở “Chương viên”. Đây cũng là vai diễn đầu đời của tôi khi mới theo học năm thứ 3 tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Khi nhận vai diễn này, tôi rất lo lắng nhưng với sự giúp đỡ, góp ý của các anh chị, cô chú đi trước, cùng với NSND Tống Năm Ngũ và NSƯT Trần Vinh đã giúp tôi thể hiện thành công vai diễn.

Một chi tiết có lẽ suốt cả cuộc đời làm nghề tôi chẳng thể nào quên được, đó là khi tôi diễn đoạn nhân vật Quỷ cái, lúc tôi cất lời hát bài “Dạ Nam Phong” cảm xúc lúc ấy chân thật đến nỗi những diễn viên đóng vai quần chúng, đồng nghiệp và khán giả đều bị thu hút. Vai diễn để đời này đã giúp tôi được đánh giá là gương mặt tài năng trẻ khi mới 15 tuổi, bên cạnh đó nó đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả, có những người sau nhiều năm gặp lại vẫn còn nhớ vai diễn này và gọi tôi bằng tên trong vở “Trương Viên”. Tôi cảm động vô cùng bởi trong cuộc đời làm nghệ thuật mà có những vai diễn khắc sâu trong lòng khán giả thì đó là tấm huy chương danh giá nhất.

Cùng với đó còn có một số vai diễn như bà Sùng, mụ Kim, hay đào Huế, Hoạn Thư… Trước mỗi nhân vật, từ nhân vật lớn đến nhân vật nhỏ thì khi được đảm nhận tôi đều hết lòng cố gắng cùng với đạo diễn, với các thầy để tìm ra cách diễn sao cho đúng với nội tâm nhân vật nhất. Chính vì vậy tôi yêu và trân trọng từng vai diễn, nên mỗi một vai diễn đều có những dấu ấn riêng với bản thân tôi.

Phóng viên (PV): Trong thời gian tới chị và những nghệ sĩ tại Nhà hát Chèo Việt Nam dự định sẽ mang đến tác phẩm, vở diễn mới nào để phục vụ sự mong đợi của những nguời yêu chèo?

NSND Thanh Ngoan: Nhà hát chèo Việt Nam hằng năm đều dựng từ 2 đến 3 vở diễn và các chương trình nghệ thuật như xúc tiến du lịch, các chương trình về hát văn, hầu đồng… Điển hình như đầu năm nay, chúng tôi đã dàn dựng 2 vở diễn là vở “Bí mật Hạnh Phúc” và vở “Vân Dại”. Tại cuộc họp Đại hội Nghệ sĩ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ cũng nói rằng Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn là một nhà hát đầu ngành.

Đầu tiên là vở “Bí mật Hạnh Phúc”, đây là một trong những đề tài dân gian nhưng vẫn giữ nguyên vẹn cốt cách của chèo, vở thứ 2 là vở “Vân Dại” trong kịch bản cổ trước đây nó là “Kim Nham”.

 NSND Thanh Ngoan trong một tiết mục biểu diễn.

NSND Thanh Ngoan trong một tiết mục biểu diễn.

Năm nay Nhà hát Chèo Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch dàn dựng vở diễn mới và bây giờ chúng tôi vẫn đang tiếp tục duy trì chương trình xúc tiến du lịch tại số 71 Kim Mã-Ba Đình-Hà Nội. Đây là địa điểm biểu diễn hằng tuần của nhà hát, diễn ra vào tối thứ Sáu. Bên cạnh đó, hằng tháng chúng tôi cũng duy trì, giới thiệu các vở diễn lớn như Súy Vân, Vân Dại, Rồng Phượng, Bí mật hạnh phúc, Đường trường duyên phận …

Phóng viên (PV): Hiện nay nghệ thuật chèo đang dần bị mai một, đặc biệt là với đa số giới trẻ, chị đánh giá như thế nào về vấn đề này?

NSND Thanh Ngoan: Tôi không quan niệm như thế, nghệ thuật chèo mai một thì đúng, nhưng để có thể nói cụ thể hơn thì rất cần có những cuộc hội thảo. Những người người nghệ sĩ là người có trách nhiệm định hướng cho khán giả bởi vì vẫn còn có những người yêu chèo, những người làm chèo còn chưa nhận diện được thế nào là chèo một cách đúng nghĩa hay kịch cắm hát. Đối với tôi là một người làm nghề thì tôi không trách bởi vì mình cũng còn có những điều chưa hiểu hết. Do đó chúng ta mới cần những nhà nghiên cứu, những người tâm huyết để nhìn nhận cho đúng về chèo. Khán giả đến với Nhà hát Chèo Việt Nam từ nhiều năm nay không chỉ là trung niên mà còn có các bạn trẻ. Mà các bạn trẻ cũng có những sân chơi ví dụ như các dự án “Tôi xê dịch”, “Chèo 48”; hay khi đi đến các trường đại học, cũng có những bạn sinh viên rất đam mê với chèo.

Phóng viên (PV): Chị đã có hướng đi nào trong cách truyền nghề, truyền lửa cho thế hệ trẻ nối tiếp hiện nay?

NSND Thanh Ngoan: Không chỉ riêng mình tôi mà các thế hệ đi trước, các thế hệ vẫn đang cùng làm nghề, người trẻ, người tâm huyết vẫn luôn có những sự đào tạo, luôn luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết và đặc biệt là truyền thống của Nhà hát Chèo Việt Nam. Chúng tôi mở lớp để dạy về chèo, dẫn dắt bởi các nghệ sĩ đã thành danh qua nhiều vai diễn. Hằng năm cứ đến ngày truyền thống, chúng tôi mời tất cả các nghệ sĩ lão thành đến trao đổi kinh nghiệm với các thế hệ trẻ và đóng góp cho Ban Giám đốc, cho các nghệ sĩ để tiếp tục giữ nghiệp. Tôi vững tin sẽ có nhiều người hiểu cùng cất tiếng nói để đào tạo cho lớp trẻ Nhà hát Chèo Việt Nam nói riêng và các nhà hát chèo nói chung, để khán giả hiểu về nghệ thuật chèo, vì có hiểu thì mới thích, có thích thì mới đến và có yêu thì mới bỏ tiền ra mua vé…

PV: Trân trọng cảm ơn NSND Thanh Ngoan!

LAN ANH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nsnd-thanh-ngoan-voi-nghe-thuat-cheo-598422