Nữ cung thủ Hàn Quốc - 'mũi tên' thúc đẩy phong trào để tóc ngắn
Mặc dù Olympic 2020 đã diễn ra thành công, tốt đẹp nhưng câu chuyện về mái tóc ngắn của nữ cung thủ xinh đẹp Hàn Quốc An San giành 3 Huy chương Vàng vẫn chưa hết 'nóng' trong suốt thời gian qua.
Vấp phải nhiều chỉ trích
Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới và là cường quốc hàng đầu về công nghệ, nhưng vẫn là xã hội nam quyền, xếp hạng thấp trong chỉ số bình đẳng giới. Mới đây, An San đang trở thành hiện tượng ở Olympic 2020 khi thể hiện tài bắn cung vượt trội. Nữ cung thủ 20 tuổi này sở hữu khuôn mặt xinh đẹp và tài bắn bách phát bách trúng. Đến hôm nay, cô đã giành Huy chương Vàng ở 3 nội dung tham dự, cá nhân nữ, đồng đội nữ và đồng đội hỗn hợp. Tuy thi đấu thành công là vậy, An San vẫn vấp phải sự chỉ trích từ nhiều người đàn ông tại Hàn Quốc.
Cụ thể, trên mạng xã hội ở xứ Kim Chi, không ít người dùng là nam giới đã lên tiếng chỉ trích An San vì cô… cắt tóc ngắn. Theo những kẻ này, An San đang cố gắng “thể hiện nữ quyền”, một thuật ngữ nặng nề ở Hàn Quốc, thường được gắn với việc là một người ghét đàn ông. Điều này không chấp nhận trong xã hội Hàn Quốc.
Một người đàn ông lên mạng xã hội công kích, “Phụ nữ học trường nữ sinh và cắt tóc ngắn thì 90% là người theo chủ nghĩa nữ quyền”, người viết ám chỉ nữ cung thủ 20 tuổi vì cô học Trường Đại học nữ sinh Gwangjiu cùng mái tóc ngắn như con trai. “Đó là lý do tôi không cổ vũ cô ta. Tôi cực kỳ ghét những kẻ ủng hộ nữ quyền. Nếu đúng như vậy, tôi rút lại sự ủng hộ của mình. Tất cả người ủng hộ nữ quyền nên chết”, người này chia sẻ thêm.
Dưới phần bình luận, có nhiều ý kiến đồng tình. “Tất cả phụ nữ cắt tóc ngắn đều là ủng hộ phong trào nữ quyền”, một người chia sẻ. Hay theo một người đàn ông khác nói, “Tôi vô cùng ghét nữ quyền, các nhà đài đừng cho cô ta lên hình nữa”.
Những kẻ quá khích thậm chí vào cả trang Instagram cá nhân của An San để chỉ trích cô. Đàn ông tại nước này còn đệ đơn lên Chính phủ Hàn đòi tước 2 tấm Huy chương Vàng mà cô giành được tại Olympic 2021. “Chúng tôi không huấn luyện và nuôi cô bằng tiền thuế để cô thực hiện những hành động thể hiện nữ quyền như thế”, một người viết trên tài khoản Instagram của An San.
Tuy nhiên, An San cũng thẳng thắn đáp trả, “Khi anh đang ngồi trong phòng và đưa ra những bình luận với sự mặc cảm, tôi đã giành 2 Huy chương Vàng Olympic”.
Đây không phải lần đầu mái tóc của An San bị bình phẩm. Hồi tháng 3, khi cung thủ xứ Hàn đăng tải video đang tập luyện trên Instagram, một người hỏi tại sao cô lại cắt tóc ngắn cùng biểu tượng mặt buồn. An San chỉ đáp ngắn gọn: “Bởi vì nó khiến tôi thoải mái hơn”.
Quan niệm “Thà cắt đầu chứ không cắt tóc”
Trong tiếng Hàn cổ có câu: “Thà cắt đầu chứ không cắt tóc” để nói lên tầm quan trọng của mái tóc đối với người Hàn.
Hàn Quốc là một trong những nước Á Đông, vì vậy ít nhiều cũng ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc, nền nho giáo Khổng tử. Người Hàn tin vào quan niệm: “Những gì thuộc về thể xác, bao gồm cơ thể và mái tóc, không thuộc quyền sở hữu của bản thân mà là thuộc sở hữu của đấng sinh thành”. Điều này có nghĩa là ngày xưa, con cái không được tùy ý cắt tóc vì mái tóc không phải thuộc về bản thân họ mà là do bố mẹ cho, là sợi dây kết nối, nên không được tùy ý tự tiện cắt bỏ theo ý mình.
Vào thời vương triều Joseon, mái tóc còn thể hiện cho tầng lớp xã hội hay địa vị và mức độ giàu có, thậm chí là tình trạng hôn nhân. Bạn có thể dễ dàng đoán được người đó đã kết hôn hay chưa hoặc gia đình thuộc tầng lớp nào. Nếu bạn là cô gái chưa lấy chồng bạn sẽ được để tóc tết thả dài, còn nếu bạn đã kết hôn thì bạn phải quấn tóc lên cài trâm. Đối với trâm cài càng xa hoa thì địa vị gia đình càng lớn. Đặc biệt, người phụ nữ thuộc tầng lớp xã hội cao và quyền lực thì sử dụng các vật dụng trang trí trên tóc sang trọng và xa xỉ hơn rất nhiều so với thường dân. Phụ nữ quý tộc hoặc Vương phi, Vương hậu thì có bộ tóc riêng biệt và vật trang trí thượng cấp. Ngoài ra, đối với kỹ nữ thường đội mũ hoặc các loại vật trang trí mũ, tóc sặc sỡ, dễ nhận biết và rất nặng.
Mặt khác, bộ tóc còn được coi là có sức mạnh huyền bí như mối liên kết giữa âm - dương khó lý giải, cũng để thể hiện sức mạnh tâm linh. Một vài nơi còn coi tóc là duyên, là tơ trời. Với những người muốn rũ bỏ vướng bận thì thường cắt tóc.
Ở Hàn, việc cắt tóc và “sở hữu quyền kiểm soát” đối với mái tóc của người Hàn cho đến ngày nay vẫn mang ý nghĩa của sự răn đe và đàn áp về mặt tư tưởng. Việc cắt tóc để “bẻ” ý chí và sức mạnh tinh thần khá nghiêm trọng tại Trung Quốc (thời nhà Thanh), Nhật Bản (thời Minh Trị) và ở Hàn Quốc sau khi bị Nhật Bản tấn công chiếm đóng.
Theo đó, để gạt bỏ đi những giá trị về văn hóa, lịch sử và đức tin của người dân thì chuyện cắt tóc là cách thức rõ ràng nhất trong chuyện “thanh lọc văn hóa”. Chính vì chuyện này mà ở trường phổ thông trung học hay khi đi quân đội ngày nay tại Hàn, học sinh khi bị phạt thì có thể bị giáo viên cắt tóc. Tóc tượng trưng cho ý chí và giá trị tinh thần.
Đấu tranh đòi quyền bình bằng
Tuy nhiên, phụ nữ ở Hàn Quốc từ lâu đã phải chiến đấu với sự phân biệt giới tính và sự coi thường. Và trong thập kỷ qua, họ đã đạt được nhiều bước tiến trên con đường đấu tranh của mình, từ đấu tranh hợp pháp hóa phá thai, phát triển phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo, chống video quay lén nơi công cộng bằng nhiều cuộc biểu tình vì quyền phụ nữ lớn nhất trong lịch sử đất nước, cho đến lần này là phong trào cắt tóc ngắn.
Quay lại câu chuyện của nữ cung thủ An San,
Thành công vang dội của An San giúp cô nhận được nhiều sự ủng hộ và bảo vệ hơn.
Khi những lời chỉ trích đối với cô ngày càng nhiều, một chiến dịch ủng hộ cô cũng phát triển. Hàng nghìn phụ nữ trên khắp đất nước bắt đầu đăng tải hình ảnh của họ với mái tóc ngắn. Rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc nhân dịp này đã bày tỏ ý kiến của mình và yêu cầu sự tôn trọng của đàn ông dành cho nữ giới trong nước.
Theo Ryu Hyeong-rim, một nhà hoạt động xã hội về bình đẳng giới thuộc nhóm dân sự Womenlink chia sẻ: “Tôi thấy việc tranh cãi này thật lố bịch. Việc bạn nhận định tính cách hay hệ tư tưởng của ai đó dựa vào độ dài của mái tóc thật phi lý. Vấn đề lớn hơn là sự phân biệt này dẫn tới những lời nói công kích nhắm vào người bị coi là ủng hộ nữ quyền”.
Jang hye-yeong, một nhà lập pháp nữ, là người tiên phong chiến dịch ủng hộ phụ nữ cắt tóc ngắn trên Twitter. Cô đã tạo ra nó với hashtag #women_shortcut_campaign. Cô cho biết đã cảm thấy khó chịu khi đọc được “không phải một hoặc hai, mà là rất nhiều bình luận sai lầm về An San trên mọi cộng đồng trực tuyến chủ yếu dành cho nam giới”.
“Ngay cả khi giành Huy chương Vàng Olympic bằng thực lực bản thân, chừng nào nạn phân biệt giới tính còn tồn tại trong xã hội chúng ta, bạn vẫn bị xúc phạm, thậm chí bị người ta đòi tước Huy chương chỉ vì để tóc ngắn. Chúng ta đang trải qua một ngày vô cùng kỳ lạ, khi mà môn bắn cung của Hàn Quốc đứng số 1 thế giới, nhưng phẩm giá quốc gia lại bị ném xuống đất vì phân biệt giới tính”, Jang hye-yeong bày tỏ trên Twitter.
Những người chống nữ quyền này phần lớn là nam giới trẻ tuổi, nhưng cũng bao gồm cả đàn ông lớn tuổi và thậm chí một số phụ nữ. “Kiểu tấn công này thể hiện thông điệp rằng đàn ông có thể kiểm soát cơ thể phụ nữ và phụ nữ cần phải che giấu nếu họ ủng hộ nữ quyền”, Jang hye-yeong cho biết. “Tôi nghĩ rằng bắt đầu một chiến dịch để phụ nữ khoe mái tóc ngắn của họ và thể hiện sự ủng hộ với các nữ vận động viên Olympic sẽ có hiệu quả trong việc giải quyết cả hai vấn đề”.
Hàng chục nghìn bức ảnh được đăng tải sau đó - nhiều phụ nữ khoe ảnh trước và sau khi cắt tóc ngắn của mình. Nhiều người khác cho biết mái tóc của An San đã truyền cảm hứng cho họ đi cắt tóc. Trong số này có nữ diễn viên Koo Kye-sun và nhà lập pháp Ryu Ho-jeong, nghị sĩ trẻ nhất Hàn Quốc, người từng bị chỉ trích vì mặc váy ngắn tới Quốc hội.
Chính trị gia Hàn Quốc Sim Sang Jung cũng công khai bảo vệ An San. “Với sự cương nghị của mình, mong cô hãy vượt qua mọi định kiến trên thế giới. Chúng tôi luôn sát cánh bên mái tóc cắt ngắn của cô và ủng hộ cô đến cùng”, Sim Sang Jung viết trên Twitter.
Có thể thấy, phụ nữ Hàn Quốc đang cố gắng vạch ra những con đường mới cho cuộc sống của họ và tiến về phía trước. Việc bất chấp áp lực xã hội - phải có ngoại hình giống một “phụ nữ” thông thường - để có quyền tự do chọn bất kỳ kiểu tóc nào mà họ cảm thấy thoải mái nhất chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đấu tranh đó.