Nụ cười trở lại trên bản người Mông Tà Cóm

Bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát là một trong những bản làng của người Mông, biệt lập, khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa. Từng bị xem là 'thủ phủ' ma túy của xứ Thanh, Tà Cóm một thời chìm trong đói nghèo, cùng quẫn... Thế nhưng, nhờ sự chung tay, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng chức năng, Tà Cóm hôm nay đang từng bước thay đổi,

“Bão” ma túy qua đi, người dân Tà Cóm tin tưởng vào cuộc sống mới.

“Bão” ma túy qua đi, người dân Tà Cóm tin tưởng vào cuộc sống mới.

Ám ảnh “bão trắng”...

Đứng phía bên tả ngạn của dòng sông Mã, thiếu tá Quản Đình Thao, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trung Lý cất tiếng gọi thuyền. Một lát sau, tiếng thuyền máy phành phạch cất lên, làm vang động cả khúc sông vắng vẻ.

Con thuyền nhỏ tròng trành đưa đoàn công tác vượt sông Mã vào Tà Cóm.

Từ xa nhìn lại, bản Tà Cóm giống như một ốc đảo nổi lên giữa bốn bề sông nước và rừng núi. Thiếu tá Quản Đình Thao chia sẻ: “Nhìn bình yên thế này thôi, nhưng một thời nơi đây bị gọi là "tam giác vàng thu nhỏ“, bởi tệ nạn ma túy diễn ra vô cùng phức tạp”.

Từ bến đò, anh Sùng A Sự, Tổ trưởng tổ an ninh cơ sở bản Tà Cóm đưa đoàn công tác lên thẳng nhà của Sùng A Lềnh, một hộ nghèo và đông con trong bản. Nhà Lềnh nằm trên đỉnh núi, muốn lên, cả đoàn phải băng xe máy qua một cung đường khấp khểnh, xa hun hút, một bên là vách núi, một bên là vực sâu.

Vợ chồng Sùng A Lềnh chăm sóc các con.

Vợ chồng Sùng A Lềnh chăm sóc các con.

Đến nơi, cũng vừa lúc vợ chồng Lềnh dắt theo đàn con nhỏ trở về nhà. Sùng A Lềnh và vợ - Hờ Thị Dua đều mới ngoài hai mươi tuổi nhưng đã có 3 mặt con. Căn nhà mà hai vợ chồng đang ở, là nhà của bố mẹ Lềnh.

Ông Sùng A Su A, bố của Lềnh, năm nay tròn 50 tuổi, đã có hơn chục năm nghiện ma túy nặng. Mỗi khi nghe nói có cán bộ ghé lên nhà, ông đều trốn vào rừng, vì sợ bị vận động đi cai nghiện. Bà Giàng Thị Dông, mẹ Lềnh, gần 50 tuổi, làm quần quật quanh năm, hết lên nương trồng ngô, trồng sắn, lại đi cày thuê cuốc mướn. Bao nhiêu tiền vợ làm ra, ông Su A đều nướng vào ma túy.

Nhà Sùng A Lềnh có tới 12 anh em. Bố nghiện ngập, cuộc sống túng bấn, khó nghèo, nên Lềnh và các anh chị em ruột của mình đều không được học hành tử tế. Cả nhà không có ai học qua tiểu học, bởi còn chưa kịp biết đọc, biết viết, đã phải nghỉ để lên nương, lên rẫy.

Hai người anh của Sùng A Lềnh đã lấy vợ, dọn ra ở riêng. Bây giờ, gia đình nhỏ của Lềnh chung sống cùng bố mẹ và 9 người em trong căn nhà trống huơ, trống hoác, không có nổi vật gì đáng giá. Không học vấn, không kiến thức, không va chạm xã hội, vợ chồng Lềnh không biết làm thế nào để thay đổi cuộc sống. Khi được hỏi về tương lai, Lềnh chỉ biết gãi đầu cười...

Cách nhà của Sùng A Lềnh một ngọn núi, vài quãng đường đèo, là nhà của chị em Giàng Thị Sông. Sông năm nay 16 tuổi, là chị của 3 đứa em nhỏ. Bố mẹ của Sông tảo hôn, năm nay đều mới trên dưới 30 tuổi. Cả hai đều nghiện ma túy. Bố Sông hiện đang thụ án 20 năm tù do phạm tội tàng trữ, vận chuyển chất ma túy. Còn người mẹ trẻ nghiện ngập của Sông đã bỏ nhà đi lang thang, bỏ mặc các con tự nuôi nhau. 4 đứa trẻ tội nghiệp đều thất học. Một mình Giàng Thị Sông ngày ngày lên nương, nuôi 3 em nhỏ. Hôm có gạo thì không sao, những hôm đói, mấy chị em chỉ biết dựa vào lòng thương của họ hàng và dân bản để sống qua ngày.

Ở Tà Cóm, hủ tục lạc hậu và những cơn bão ma túy đã quét qua bao nhiêu số phận, để lại một bản làng xác xơ, với nỗi ám ảnh khôn nguôi về sự túng quẫn, đói nghèo không lối thoát...

Cả bản có hơn 100 nóc nhà, với khoảng 600 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông. Trước đây, gần 1/10 số dân trong bản nghiện ma túy. Bản có tới 23 trường hợp đang thụ án tại các trại giam, vì phạm tội liên quan đến tàng trữ, vận chuyển, mua bán chất ma túy. Những “cơn bão trắng” đã khiến bao gia đình ly tán, bao đứa trẻ bơ vơ côi cút, và đói nghèo vây bủa năm này sang năm khác...

Bình yên trở lại vùng đất khó...

Nhà của bà Hạng Thị Sua ở cuối bản Tà Cóm. Con đường đến nhà Sua gập ghềnh sỏi đá, dốc lên dốc xuống khúc khuỷu. Thấy nhà báo và các chiến sĩ đồn biên phòng tới, bà Sua khoe đứa cháu nội kháu khỉnh mới sinh.

Bà Hạng Thị Sua đã cai nghiện thành công, chăm lo phát triển kinh tế.

Bà Hạng Thị Sua đã cai nghiện thành công, chăm lo phát triển kinh tế.

20 năm về trước, Hạng Thị Sua cùng chồng dính vào ma túy. Suốt 2 thập niên làm bạn với “cái chết trắng”, cơ thể Sua tàn tạ, cuộc sống luôn túng quẫn. Bố mẹ nghiện ngập, gia cảnh khó nghèo, nên 6, 7 đứa con không được học hành đến nơi đến chốn.

Bà Sua bần thần nhớ lại: "Hồi đó khổ lắm. Tiền làm ra đều mua ma túy hết. Con cái nheo nhóc nhưng không chăm sóc được. Lúc nghiện, thì chỉ nghĩ cách làm sao có tiền mua ma túy về chích thôi".

Được Chi bộ bản, tổ an ninh cơ sở, tổ công tác liên ngành và cán bộ đồn biên phòng vào vận động, bà Sua tình nguyện đi cai nghiện ma túy, và cai thành công. Theo chân vợ, chồng bà cũng đã vào trại cai nghiện, mong thay đổi cuộc đời.

"Cai được ma túy, mình thấy khỏe mạnh, người nhẹ nhõm, đi làm cũng không thấy mệt. Bây giờ không nghiện nữa, phải làm gương để bảo ban con cháu làm ăn, phát triển kinh tế", bà Hạng Thị Sua vừa bế cháu, vừa tươi cười trò chuyện với các cán bộ biên phòng.

Nụ cười của bà nhẹ nhõm, sáng bừng niềm hạnh phúc của người đã bước qua bóng tối ma túy, và đang hướng về ánh sáng của tương lai.

Phụ nữ bản Tà Cóm thêu váy áo.

Phụ nữ bản Tà Cóm thêu váy áo.

Thực hiện Đề án 5017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn các xã biên giới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện Mường Lát và các lực lượng chức năng đã nỗ lực phối hợp ngăn chặn tệ nạn ma túy tại bản Tà Cóm.

Từ năm 2023 đến nay, Đồn Biên phòng Trung Lý đã bắt giữ, khởi tố hàng chục vụ án và đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ lượng lớn ma túy tổng hợp, heroin và tang vật khác. Các lực lượng chức năng vận động được hơn 30 đối tượng đi cai nghiện. Số người nghiện ma túy trong bản giảm 2/3 so với năm 2021.

Người dân Tà Cóm phát triển có hiệu quả mô hình trồng sắn.

Người dân Tà Cóm phát triển có hiệu quả mô hình trồng sắn.

Bóng ma của ma túy dần được đẩy lùi, giờ đây, người dân Tà Cóm chăm lo phát triển kinh tế. Khi đoàn công tác ghé nhà Tổ trưởng tổ an ninh Sùng A Sự, chị Phàn Thị Dính, vợ anh, đang cùng các chị em trong bản chăm sóc nương sắn trước nhà.

Cả bản hiện có gần 50 ha sắn, mỗi ha cho thu hoạch 17-18 tấn sắn/vụ. Với giá thành 1,6 triệu đồng/tấn, mỗi ha sắn đem lại nguồn thu nhập gần 30 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, các hộ dân trong bản còn tích cực triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, với tổng đàn gia súc lên tới 400 con.

Đến nay, bản Tà Cóm đã có 7 hộ thoát nghèo, trong đó chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay, có 5 hộ thoát nghèo.

Bên bếp lửa, thiếu tá Quản Đình Thao và cán bộ trong tổ công tác liên ngành tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân trong bản hiểu hơn về tác hại của ma túy, tích cực chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức đấu tranh, triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.

Bởi chỉ khi nào người dân thực sự hiểu biết và tự giác trong phòng, chống ma túy, thì khi đó những “cơn bão trắng” mới thực sự được đẩy lùi.

Tà Cóm hôm nay vẫn đang phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức. Nhưng bóng ma của cái chết trắng đang dần rời xa bản làng. Nụ cười đang trở lại trên vùng đất khó.

Nam Phương (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nu-cuoi-tro-lai-tren-ban-nguoi-mong-ta-com-229537.htm