Nữ du khách Australia kiện hãng bay vì bị khám cơ thể
Năm phụ nữ người Australia đã yêu cầu đền bù thiệt hại cho 'tiếp xúc không đúng luật' và tác động đến tinh thần.
Ngày 20/10, nhóm du khách đã đệ đơn lên Tòa án tối cao của tiểu bang New South Wales, Australia về một vụ việc năm 2020. Khi đó, họ bị dí súng và bắt rời khỏi máy bay tại sân bay Doha, Qatar, bị khám xét thân thể mà không có lời giải thích nào hay sự chấp thuận từ phía họ.
Những người phụ nữ này yêu cầu cả Qatar Airways và Cơ quan Hàng không Dân dụng Qatar đền bù thiệt hại thể chất và tổn thất tinh thần, trong đó có trầm cảm và rối loạn căng thẳng hậu sang chấn.
Cụ thể, vào ngày 2/10/2020, nhóm phụ nữ đang ở trên máy bay đỗ tại sân bay Doha, cùng phụ nữ trên 10 chuyến bay khác, bị ép xuống khỏi máy bay và lên xe cứu thương đỗ tại đường băng nhằm tìm kiếm mẹ của một trẻ sơ sinh bị bỏ trong túi nylon ở sảnh chờ. Đứa trẻ sống sót.
Một số được hướng dẫn cởi bỏ đồ lót và một số bị ép thực hiện việc khám phụ khoa để xem họ có vừa sinh con hay không. Những phụ nữ bị khám cho biết họ không hề được chính quyền thông báo lý do bị ép khám xét, và không có cơ hội cung cấp sự đồng thuận có hiểu biết.
Theo lời khai, ba trong năm phụ nữ chịu sự "tiếp xúc không đúng luật" và đã mắc các chứng như lo sợ, trầm cảm, rối loạn căng thẳng... Họ cũng phải chi trả chi phí y tế và chịu tổn thất kinh tế khi phải nghỉ ốm do tác động từ vụ việc lên sức khỏe tinh thần.
Tại Qatar, việc quan hệ tình dục và sinh con ngoài giá thú là tội bị phạt tù. Mẹ của đứa trẻ đã được xác định và đó không phải người mang quốc tịch Qatar.
Thủ tướng Qatar, ông Khalid bin Khalifa Al Thani, cho biết các quy trình an ninh thông thường đã bị vi phạm, và gửi "lời xin lỗi chân thành nhất cho những gì vài nữ du khách phải trải qua".
"Chúng tôi hối tiếc về việc đối xử không thể chấp nhận được với các nữ hành khách", ông cho biết.
Một nhân viên an ninh sân bay đã bị khởi tố và nhận án tù treo. Tuy nhiên, cả chính phủ Qatar và hãng Qatar Airways đều không đáp ứng yêu cầu của nhóm phụ nữ Australia về "có lời xin lỗi ý nghĩa vì những đau đớn và căng thẳng đã gây ra", cũng như "việc đảm bảo cho cả những người khiếu nại và cộng đồng quốc tế rằng hành vi này sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa".
Trước thềm World Cup diễn ra vào tháng tới, Qatar đang nỗ lực cam kết bảo vệ quyền phụ nữ tại đây. Đối mặt với những tổn hại về danh tiếng và thương mại từ vụ việc, quốc gia này khẳng định sẽ đảm bảo tương lai "an toàn và an ninh" cho hành khách, nhưng không làm rõ thêm chi tiết.