Nữ nghệ nhân 'giữ hồn' cho nghề đúc đồng Ngũ Xã

Với niềm say mê bất tận nghề truyền thống, gần 50 năm nay, nghệ nhân Bùi Thị Minh (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) cùng gia đình quyết tâm lưu giữ và phát triển nghề đúc đồng – tinh hoa của mảnh đất Thăng Long hơn 400 năm lịch sử. Bà luôn đau đáu là làm sao gìn giữ được nghề của cha ông để lại trước nguy cơ nghề đúc đồng truyền thống đang bị thất truyền.

Làng đúc đồng truyền thống Ngũ Xã (Ba Đình, Hà Nội) được hình thành từ thế kỷ 17. Nơi đây là trường đúc lớn nhất kinh thành và lưu giữ tinh hoa của 1 trong 4 làng nghề truyền thống gồm: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”.

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã đã đóng góp cho di sản nước ta những kiệt tác hoành tráng, nhiều công trình, tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Tượng Trấn Vũ được đặt tại đền Quán Thánh một trong Tứ trấn của đất Thăng Long - Hà Nội; Pho tượng Đức Phật A Di Đà nặng 14 tấn tại chùa Ngũ Xã được Nhà nước công nhận là tác phẩm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam...

Nghệ nhân Bùi Thị Minh (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội)

Nghệ nhân Bùi Thị Minh (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội)

Trải qua hơn 400 năm thăng trầm của lịch sử, cái tên Ngũ Xã vẫn còn đó, các tác phẩm nghệ thuật của những người thợ đúc đồng vẫn đang được lưu giữ tại các đền, chùa nhưng sự phồn vinh, vàng son của một làng nghề ngày nào chỉ còn vang vọng trong quá khứ và ký ức của lớp người cao tuổi trong làng. Hiện, nghề đúc đồng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và có nguy cơ bị mai một. Nơi đây chỉ còn lại duy nhất xưởng đúc đồng của một gia đình còn đang hoạt động.

Người đang “giữ hồn” của làng nghề là bà Bùi Thị Minh - một trong số những nghệ nhân cuối cùng ở làng Ngũ Xã, bà vừa là nhà thiết kế vừa là nhà kinh doanh của làng đúc đồng Ngũ Xã. Ở tuổi 75, nghệ nhân Bùi Thị Minh đảm trách vai trò Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã và cùng các thế hệ gia đình xây dựng, phát triển, gìn giữ nghề đúc đồng truyền thống mà cha ông đã để lại.

Đau đáu giữ nghề tổ

Năm 1975, sau khi kết hôn, được tiếp xúc với nghề đúc đồng, được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn những sản phẩm đồng Ngũ Xã hàng ngày, nghệ nhân Bùi Thị Minh đã “bén duyên” với nghề từ lúc nào không hay. Nhờ niềm yêu thích nghề đúc đồng truyền thống của Cụ Tổ nghề Thiền Sư Minh Không và sự nỗ lực không ngừng học hỏi, bà được bố chồng (nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng) trực tiếp dạy, truyền nghề, gần 50 năm gắn bó với nghề đúc đồng, bà đã góp phần tiếp nối thương hiệu của làng nghề đúc đồng truyền thống tồn tại hơn 400 năm nay.

Nghệ nhân Bùi Thị Minh chia sẻ: “Càng học được từ bố chồng tôi bao nhiêu, tôi càng cảm thấy yêu nghề bấy nhiêu. Tôi tâm huyết với nghề và mong muốn sau này truyền lại nghề cho các con, cháu. Nếu chúng tôi không học, không lưu giữ được nghề truyền thống quý giá của tổ tiên thì đó là điều thật đáng tiếc. Rất may mắn là các con tôi cũng yêu nghề, say nghề và thật vinh dự khi cả gia đình tôi có 4 người đều theo nghề và được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” năm 2019. Đây là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm rất lớn, rất nặng nề, thôi thúc chúng tôi nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật, tinh hoa của dân tộc”.

Trải qua hơn 400 năm thăng trầm của lịch sử, các tác phẩm nghệ thuật của những người thợ đúc đồng vẫn đang được lưu giữ tại các đền, chùa, di tích lịch sử

Trải qua hơn 400 năm thăng trầm của lịch sử, các tác phẩm nghệ thuật của những người thợ đúc đồng vẫn đang được lưu giữ tại các đền, chùa, di tích lịch sử

Nhiều năm trong nghề, gia đình và dòng họ nghệ nhân Bùi Thị Minh đã để lại rất nhiều tác phẩm giá trị, tinh xảo trên khắp mọi miền đất nước như: Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại Hội trường Ba Đình, Văn phòng Chủ tịch nước, Nhà sàn Bác Hồ, Đài tưởng niệm Định Hóa - Thái Nguyên; Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ - đặt tại Đền Quán Thánh; Tượng Phật A Di Đà nặng 14 tấn tọa lạc tại Chùa Thần Quang - Ngũ Xã; Cửu đỉnh Huế; Yên Tử; Chùa Hương...

Đến nay, tuổi đã cao, sức khỏe không cho phép bà trực tiếp sản xuất các sản phẩm đồng Ngũ Xã nhưng kỹ thuật đúc đồng và các công đoạn chế tác vẫn in sâu trong ký ức bà. Nghệ nhân Bùi Thị Minh cho hay, làm một sản phẩm đúc đồng có 5 kỹ thuật cơ bản, gồm: Đắp mô hình chi tiết cần đúc, tạo khuôn, pha trộn nguyên liệu, nấu và đổ nguyên liệu vào khuôn, tiếp đó là công đoạn sửa nguội và cuối cùng là đánh bóng sản phẩm. Với những sản phẩm kích thước lớn, có những công đoạn phải mất tới vài tháng mới hoàn thành. Một sản phẩm có kích cỡ trung bình cũng phải mất ít nhất từ 15 ngày đến 1 tháng mới xong.

50 năm gắn bó với nghề đúc đồng, nghệ nhân Bùi Thị Minh đã góp phần tiếp nối thương hiệu của làng nghề truyền thống tồn tại hơn 400 năm nay

50 năm gắn bó với nghề đúc đồng, nghệ nhân Bùi Thị Minh đã góp phần tiếp nối thương hiệu của làng nghề truyền thống tồn tại hơn 400 năm nay

Trong bối cảnh nhiều ngành nghề, sản phẩm truyền thống không còn được ưa chuộng như trước, gia đình nghệ nhân Bùi Thị Minh đã vượt qua những “cơn bão” của nền kinh tế thị trường để gìn giữ tinh hoa của làng nghề. Trong gần 5 thập kỷ gắn bó với nghề, bà đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và sản xuất ra nhiều sản phẩm đẹp, tinh tế, chất lượng để bảo tồn nghề truyền thống được truyền lại từ tổ tiên, cha ông và luôn đau đáu tìm cách gìn giữ “nghề tổ”.

“Kinh tế thị trường rất khó khăn và đang có nguy cơ thất truyền vì nhiều người không còn yêu thích các đồ cổ truyền thống này. Tâm nguyện của tôi là văn hóa của Thăng Long còn thì đất nước mình sẽ còn, do đó chúng tôi quyết tâm theo đuổi nghề và giữ nghề bằng được. Tôi miệt mài học nghề, làm nghề vì nghĩ rằng, đây là nghề đáng quý, đã đi vào thi ca của Thủ đô Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến thì tại sao mình lại không trân trọng, không giữ gìn mà lại để mất đi nghề truyền thống ý nghĩa này. Như vậy là có tội với ông cha, có tội với các cụ tổ đã dày công vun đắp nên thương hiệu Ngũ xã”, nghệ nhân Bùi Thị Minh bộc bạch.

Theo nghệ nhân Bùi Thị Minh, một pho tượng Phật đúc chuẩn khối sẽ có thần thái, làm tâm con người thay đổi, biết hướng thiện, làm điều thiện và tránh xa điều ác, đó cũng là giá trị của văn hóa tâm linh người Việt

Theo nghệ nhân Bùi Thị Minh, một pho tượng Phật đúc chuẩn khối sẽ có thần thái, làm tâm con người thay đổi, biết hướng thiện, làm điều thiện và tránh xa điều ác, đó cũng là giá trị của văn hóa tâm linh người Việt

Bà Minh xác định, mỗi sản phẩm của mình làm ra phải là một tác phẩm nghệ thuật và trường tồn mãi với thời gian, nhờ đó mới tạo nên thương hiệu và dấu ấn của làng nghề Đúc đồng truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay. Một pho tượng Phật đúc chuẩn khối sẽ có thần thái, làm tâm con người thay đổi, biết hướng thiện, làm điều thiện và tránh xa điều ác, đó cũng là giá trị của văn hóa tâm linh của người Việt.

Với sự cống hiến và nỗ lực không ngừng nghỉ, trong những năm qua, nghệ nhân Bùi Thị Minh đã được nhận nhiều bằng khen của các cấp lãnh đạo thành phố; được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” năm 2019. Năm 2021, bà có 2 tác phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao là đôi đèn tứ linh và lọ song ngư. Bên cạnh đó, còn rất nhiều sản phẩm đoạt giải cao trong kỳ thi kỹ năng thủ công tinh xảo…

Với những thành quả đạt được, gia đình bà đã thành công trong việc tiếp nối và thúc đẩy sự phát triển của làng nghề đúc đồng truyền thống. Ngày ngày, xưởng đúc đồng của gia đình bà vẫn luôn hối hả với các đơn đặt hàng. Tuy nhiên, bà vẫn luôn lo lắng về nguy cơ thất truyền của nghệ thuật đúc đồng cổ điển, khi mà lao động trẻ theo nghề trở nên ngày càng hiếm hoi còn những nghệ nhân cao tuổi thì già đi theo năm tháng. Bên cạnh nỗi bấp bênh của làng nghề thì nỗi lo lắng lớn nhất của bà cũng như các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã hiện nay là thiếu các nghệ nhân trẻ có sáng tạo, có tay nghề cao trong nghề đúc đồng.

“Nghề đúc đồng đang trên vực bị thất truyền. Dù chúng tôi yêu nghề đến mấy nhưng nếu không được các cấp chính quyền ủng hộ, giúp đỡ thì không thể tiếp tục làm được. Tôi luôn trăn trở, nghề đúc đồng sẽ tồn tại đến khi nào, rất mong nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ để chúng tôi giữ được nghề và nghề này sẽ trường tồn mãi với thời gian”, nghệ nhân Bùi Thị Minh chia sẻ.

Nghệ nhân Bùi Thị Minh luôn lo lắng về nguy cơ thất truyền của nghệ thuật đúc đồng cổ điển khi mà lao động trẻ theo nghề trở nên ngày càng hiếm hoi

Nghệ nhân Bùi Thị Minh luôn lo lắng về nguy cơ thất truyền của nghệ thuật đúc đồng cổ điển khi mà lao động trẻ theo nghề trở nên ngày càng hiếm hoi

Bên cạnh vai trò nữ doanh nhân tâm huyết, nghệ nhân Bùi Thị Minh còn là tấm gương hội viên phụ nữ tiêu biểu. Tham gia Chi hội phụ nữ số 3, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, nghệ nhân Bùi Thị Minh đã có nhiều đóng góp tích cực xây dựng phong trào hội vững mạnh.

Tham gia chương trình “Tết đoàn viên”, gói bánh chưng xanh tặng cán bộ, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ Tuần lễ “Tấm lòng vàng” hàng năm do Hội LHPN quận, phường phát động. Trong suốt 25 năm qua, bà Bùi Thị Minh và gia đình đã đồng hành với các ban, ngành của TP Hà Nội giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn do thiên tai lũ lụt trên khắp đất nước khi được kêu gọi; Ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa giúp đỡ gia đình thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc da cam.

Với những dấu ấn cá nhân, bà Bùi Thị Minh được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2019. Năm 2023 được Hội người cao tuổi TP Hà Nội tặng giấy chứng nhận người cao tuổi làm kinh tế giỏi; Hội Chữ Thập đỏ TP Hà Nội tặng giấy khen trong công tác Hội và phong trào Chữ Thập đỏ; UBND quận tặng giấy khen trong công tác Đền ơn đáp nghĩa. Năm 2024, nhận danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” do Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội trao tặng.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nu-nghe-nhan-giu-hon-cho-nghe-duc-dong-ngu-xa-post1129545.vov