Nữ nhà giáo say nghề nơi 'rừng thiêng nước độc'
Thi trượt năm đầu tiên và đối mặt nhiều khó khăn, nhưng cô Khuất Thị Hoa (Vân Hồ, Sơn La) vẫn nỗ lực hoàn thành tâm nguyện trở thành giáo viên.
Vừa học vừa mưu sinh
Hành trình đến với nghề giáo thật lắm gian truân, song đó là niềm tự hào và hạnh phúc rất lớn đối với cô Hoa. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô thi vào một trường cao đẳng sư phạm và không đỗ. Bươn trải cuộc sống, rồi lập gia đình, sinh con nhưng hy vọng trở thành cô giáo chưa bao giờ tắt. Vừa nuôi con, vừa ôn thi vào ngành sư phạm. Và niềm hy vọng ấy đã trở thành hiện thực, cô thi đỗ vào Trường Trung cấp Sư phạm I (Hát Lót, Sơn La).
Con được 4 tuổi cũng là thời điểm hai mẹ con cùng đi học. Những ngày nghỉ, cô Hoa tranh thủ đi may thuê để có thêm tiền đóng học cho con. Tiền học bổng có được sau những nỗ lực trong học tập, cô chỉ dám tiêu một nửa, còn một nửa để đóng tiền ăn cho con và dành dụm tiền vé xe thỉnh thoảng đưa con về thăm ông bà.
“Trên giảng đường, tôi luôn cố gắng học thật chăm chỉ để có kết quả thật tốt. Mọi công sức của tôi đã được đền đáp! Năm học thứ hai, tôi đoạt giải Ba giáo sinh giỏi Toán, giải Khuyến khích giáo sinh giỏi Văn; giải Khuyến khích giáo sinh viết chữ đẹp trong Hội thi ‘Nghiệp vụ sư phạm’. Tôi tham gia viết đề tài kinh nghiệm tại trường và được nhà trường công nhận”, cô Hoa nhớ lại những ngày tháng vất vả.
Sau khi ra trường, cô nhận quyết định công tác tại Trường TH&THCS Tô Múa (Mộc Châu, Sơn La). Đây là một trường miền núi cách xa trung tâm huyện khoảng 50km, nơi mà trước đó ai cũng bảo là “rừng thiêng nước độc”, đường đất bụi mù, trơn trượt, phải đi bộ từ đường cái gần chục cây mới đến được trường. Hai bên đường là rừng núi ngút ngàn.
Có lẽ cho đến giờ, khi đã công tác trong ngành Giáo dục được hơn 24 năm, cô Hoa vẫn nhớ như in lần đầu tiên đặt chân đến đây với bao cảm xúc khó tả. Sân trường vắng tanh, với hai dãy nhà lớp học cũ kỹ nằm cheo leo trên sườn đồi. Một dãy nhà tập thể lợp ngói, vách liếp tre, nan cách nhau một đứa trẻ có thể chui vừa.
“Tôi chợt hiểu nỗi vất vả trước đây không là gì so với khó khăn trước mắt. Ở đây có 9 điểm trường, các điểm trường nằm rải rác cách xa nhau. Trường lớp tạm bợ, tranh tre, nứa lá. Thầy cô đa số là giáo viên sở tại, chỉ có vài người ở nơi khác đến”, cô Hoa kể lại.
Gắn bó với Trường TH&THCS Tô Múa 16 năm, đến năm 2015, với những cố gắng và nhiệt huyết trong công tác trồng người, cô Hoa được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng và được điều động về công tác tại Trường Tiểu học Vừ A Dính, huyện Vân Hồ. Ngôi trường có 100% học sinh dân tộc Mông. Trường đóng trên địa bàn xã Lóng Luông vô cùng phức tạp về tệ nạn ma túy, hủ tục tảo hôn. Cơ sở vật chất, trường lớp tạm bợ. Số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cha mẹ nghiện hút ma túy hoặc đang chấp hành án rất nhiều nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác duy trì sĩ số học sinh.
Song với trách nhiệm, say mê với công việc, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của tập thể cán bộ giáo viên, sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội cha mẹ học sinh, nhiều năm liền Trường Tiểu học Vừ A Dính đạt Trường Lao động tiên tiến. Từ thực tiễn kinh nghiệm công tác, cô Hoa tiến hành nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm về việc duy trì sĩ số học sinh dân tộc thiểu số và áp dụng hiệu quả tại đơn vị và được Hội đồng khoa học cấp huyện công nhận.
Dẫu chọn lại vẫn chọn nghề giáo!
Sau nhiều năm ra trường và đóng góp sức mình cho giáo dục miền núi, cô Hoa đang công tác tại Trường Tiểu học Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La). Trong sự nghiệp trồng người, trải qua nhiều vị trí khác nhau với bao khó khăn, vất vả, cô Hoa luôn nỗ lực vươn lên cùng nhiều kỷ niệm vui buồn.
Để vận động học sinh đến trường, cô tìm hiểu hoàn cảnh của từng em, vận động thầy cô trích một phần tiền lương mua nhu yếu phẩm, sách vở, quần áo vừa hỗ trợ gia đình, vừa động viên học trò trở lại trường. Mỗi lần vận động được một học sinh bỏ học ra lớp, tập thể giáo viên mừng rơi nước mắt.
Bằng tinh thần đoàn kết, sự tận tâm của đội ngũ giáo viên, nhiều năm qua Trường Tiểu học Lóng Luông không còn hiện tượng học sinh bỏ học. Chất lượng giáo dục đại trà ngày càng nâng cao và giữ vững; chất lượng mũi nhọn ngày càng được quan tâm. Cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp; đội ngũ cán bộ giáo viên đảm bảo trình độ, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, mến trẻ.
Với gần 25 năm công tác tại các xã miền núi vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn, hoàn cảnh gia đình trắc trở, đồng lương thấp, nhưng cô Hoa luôn cố gắng thu xếp công việc riêng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Với tôi, dẫu khó khăn, vất vả, nhưng niềm say mê với công việc, tình thương đối với học trò dường như bất tận. Nếu để chọn lại nghề cho mình, tôi vẫn chọn nghề nhà giáo”, cô Khuất Thị Hoa nhấn mạnh.
Với gần 25 năm công tác, 9 năm liền cô Khuất Thị Hoa được công nhận danh hiệu “Lao động giỏi”, “Lao động tiên tiến”, 13 năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; 1 năm được công nhận là “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” và được các cấp có thẩm quyền tặng nhiều giấy khen, bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong công tác. Liên đoàn Lao động tỉnh Sơn La, Công đoàn Giáo dục Việt Nam công nhận danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2020. Tháng 11/2023, cô Hoa được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Bộ GD&ĐT tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nu-nha-giao-say-nghe-noi-rung-thieng-nuoc-doc-post666701.html