Nữ nhân là 'chị cả' của Thái Bình Thiên Quốc, bị ra tay tàn nhẫn
Nói tới Hồng Tuyên Kiều là nói tới một nhân vật trứ danh. Trong lịch sử gần 20 năm, từ khi manh nha đến lúc bị tiêu diệt của Thái Bình Thiên Quốc, nữ nhân được đề danh cao nhất, e chính là vị Tây vương nương này.
Trong miêu tả từ sử sách liên quan đến Thái Bình Thiên Quốc thì Hồng Tuyên Kiều, em gái của Hồng Tú Toàn, không chỉ võ nghệ cao cường mà còn đại nghĩa sâu sắc, để đoàn kết tất cả những người cùng chí hướng, đã hạ mình lấy Tiêu Triều Quý, sau lại còn vì sự ổn định hài hòa giữa Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh và Thạch Đạt Khai mà hết lòng hết sức. Có miêu tả nói nàng sở trường sử dụng song đao, thậm chí tinh thông thần thuật, không chỉ đã từng cứu Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn, còn từng 1 giáo đâm mãnh tướng quân Thanh, 1 đao chém đại binh Tây dương...
Nhưng dưới ngòi bút của những văn nhân xem Thái Bình Thiên Quốc là tà giáo, là phản nghịch, coi vương triều đại Thanh là chính thống thì Hồng Tuyên Kiều là nhân vật yêu mị lẳng lơ, trước thì dựa vào khuôn mặt xinh đẹp kéo rất nhiều sơn dân nhập giáo, sau lại dùng mỹ sắc lượn quanh Hồng, Dương, Vi, Thạch, Hồng Tú Toàn...
Còn có một số người, như nhà viết kịch nổi tiếng Dương Hàn Sinh, xây dựng nhân vật Hồng Tuyên Kiều với tính cách phụ nữ đầy phức tạp: có lúc vì tranh giành ghen tuông mà mất đi lí trí, có lúc lại vì bản tính giác ngộ mà đầu óc minh mẫn.
Khen cũng tốt, chê cũng xong, tóm lại Hồng Tuyên Kiều dưới ngòi bút của mọi người là nữ lưu sổ một của Thái Bình Thiên Quốc chẳng chút hổ thẹn.
Điều khiến người ta lấy làm lạ là hầu hết những ghi chép về Hồng Tuyên Kiều đều vào lúc Thanh mạt – Dân quốc sơ – cũng chính là sau khi Thái Bình Thiên Quốc diệt vong hơn 30 năm – mới xuất hiện. Xây dựng nàng thành nữ tướng, nữ anh hùng sớm nhất là “Hồng Tú Toàn diễn nghĩa” của Hoàng Tiểu Phối được đăng nhiều kỳ trên “báo thiếu niên” ở Quảng Đông; còn sớm nhất miêu tả nàng thành hồ li tinh thì muộn hơn, làn hững chương tiết liên quan trong “Thanh sử diễn nghĩa”của Sái Đông Phiên. Những miêu tả, thêm thắt sau này dù chính hay phản dường như đều sao chép lặp lại từ hai bộ sách này.
Ngay khi đó, một số nhà sử học tiền bối đã chỉ ra, trong các tư liệu về Thái Bình Thiên Quốc được phía nhà Thanh ghi chép lại, không tìm thấy chút dấu tích nào của người mang tên “Hồng Tuyên Kiều” này, vì thế thậm chí có người cả quyết, Hồng Tuyên Kiều 100% là nhân vật hư cấu.
Vậy rốt cuộc có nhân vật Hồng Tuyên Kiều đó hay không?
Đáp án là: có mà cũng không có. Kỳ thực, Hồng Tuyên Kiều căn bản không phải là em ruột của Hồng Tú Toàn. Hồng có hai người chị gái và một cô em gái cùng cha khác mẹ, nhưng bọn họ mãi tới năm 1850, trước khi cuộc khởi nghĩa Kim Điền nổ ra mới có thể theo mẹ và vợ con Hồng Tú Toàn tới Quảng Tây (cũng có khả năng là không tới). Còn Hồng Tuyên Kiều lại là người địa phương Quảng Tây, có thuyết nói là người Tử Kinh Sơn, Quế Bình, Quảng Tây, thuyết khác nói là người thôn Tứ Cốc, huyện Quý, Quảng Tây, cha tên là Vương Quyền Chính, hình như là hậu nhân của nhà họ Vương ở thôn Tứ Cốc, người họ hàng của Hồng Tú Toàn, nói theo nghĩa này thì nàng và Hồng Tú Toàn có lẽ chỉ có quan hệ anh em họ.
Theo cách nói này, Hồng Tuyên Kiều nên gọi là “Vương Tuyên Kiều” mới đúng, sao lại đổi sang họ Hồng?
Kỳ thực, lúc đầu nàng không phải là đổi sang họ Hồng, mà là đổi sang họ Dương. Vốn là, Dương Tú Thanh, cùng là dân đốt than như Tiêu Triều Quý đều là thủ lĩnh một phương, để liên kết thế lực đôi bên bèn kết nghĩa, phương pháp là Dương Tú Thanh nhận Vương Tuyên Kiều - vợ của Tiêu Triều Quý làm em gái, Vương Tuyên Kiều đổi tên là “Dương Tuyên Kiều”. Về sau Hồng Tú Toàn muốn tạo phản, Dương Tuyên Kiều có công bịa đặt những thần thoại về Hồng Tú Toàn, được cơ cấu vào làm con gái của Thượng đế, là em gái của Jesu, Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh, dường như chính vào lúc này, nàng đã từ Dương Tuyên Kiều trở thành Hồng Tuyên Kiều mà Tiêu Triều Quý cũng trở thành “con rể Thượng đế”.
Nói “dường như” là vì tất cả những tư liệu đáng tin cậy nhất đều không viết đầy đủ ba chữ “Hồng Tuyên Kiều”; Cái gọi là “Tuyên Kiều họ Hồng” vẫn là từ thân phận “em gái Thiên Vương” của nàng mà suy đoán ra. Nhưng theo cách nói của Thượng đế giáo, Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy, Phùng Vân Sơn, Thạch Đạt Khai cũng đều là “Thiên đệ” của Hồng Tú Toàn, đã không thấy bọn họ đổi sang họ Hồng, dường như cũng chẳng có đạo lý chỉ đổi họ cho mỗi Tuyên Kiều. Nghi vấn này chỉ đành chờ nghiên cứu thêm.
Nếu như Hồng Tuyên Kiều không đổi sang họ Hồng, họ Dương thì khẳng định nàng cũng không thể tiếp tục mang tên “Vương Tuyên Kiều” vì Hồng Tú Toàn không cho phép mọi người mang họ Vương, cha của Hồng Tuyên Kiều thì đổi sang họ Hoàng, Hồng Tuyên Kiều nếu gả cho người khác, có lẽ cũng chỉ có thể gọi là “Hoàng Tuyên Kiều”.
Trong sử liệu thật sự không tìm thấy “Hồng Tuyên Kiều” ư?
Thực ra, vẫn là tìm thấy
Trong “Lý Tú Thành tự thuật” khi nhắc đến Tiêu Triều Quý có nói “lấy em gái Thiên Vương làm vợ”, tuy không đề cập đến tên Hồng Tuyên Kiều nhưng sự việc là có nhắc tới. Có điều, ghi chép mơ hồ này không chỉ không thể coi là sự thật đảm bảo, chưa biết chừng rất nhiều truyền thuyết nói rằng Hồng Tuyên Kiều là em gái ruột của Hồng Tú Toàn còn là từ đây mà ra.
Trương Nhữ Nam, người đã từng sống ở Thiên Kinh, trong cuốn “Kim lăng tỉnh nạn ký lược” có nhắc tới Tiêu Triều Quý là “con rể Thượng đế”, vợ ông ta “ngụy xưng lục nữ của Thiên phụ”, vẫn là không họ không tên, sắp xếp theo thứ bậc thì cũng nên coi là em gái hoặc em nuôi Thiên Vương.
Năm 1853, em họ Hồng Tú Toàn là Hồng Nhân Can ở Hương Cảng có kể cho giáo sĩ Thụy Điển Theore Hamberg không ít về quân Thái Bình, trong đó đề cập tới “nam học Phùng Vân Sơn, nữ học Dương Vân Kiều”, và nói rõ “Dương Vân Kiều” là vợ Tiêu Triều Quý, cũng chính là Hồng Tuyên Kiều.
Năm 1932, Tiêu Nhất Sơn tiên sinh tìm được ở London nước Anh cuốn “Thiên phụ thi” do chính quyền Thái Bình Thiên Quốc xuất bản năm 1857, trong đó lấy vào một bài thơ “Thiên phụ hạ phàm dạy dỗ Tiên Kiều Cô”, “Tiên Kiều Cô“ này có lẽ là Hồng Tuyên Kiều.
Gần đây phát hiện thêm cuốn “Thiên huynh thánh chỉ”, trong đó nhiều chỗ nói tới Tiêu Triều Quý mượn Thiên huynh hạ phàm giáo huấn, áp chế “Tây Vương nương”, thậm chí “nhục phụ” của “Tây Vương nương” Hoàng Quyền Chính. Tây Vương nương này đương nhiên là Hồng Tuyên Kiều vì chỉ có “con gái Thiên phụ” mới có được cái gọi là “nhục phụ” (cũng tức là người cha trần gian, cha trên trời tất nhiên là Thượng đế).
Như đã trình bày ở trên, hầu như các sử liệu đáng tin cậy đều có ghi chép về Hồng Tuyên Kiều và trong những ghi chép này đều không có chỗ nào trực tiếp viết ra ba chữ “Hồng Tuyên Kiều”.
Vì sao lại xuất hiện cách gọi “Dương Vân Kiều”? Có chuyên gia cho rằng, là vì để tránh phạm húy tên của Phùng Vân Sơn, nên đem tên gốc là “Vân Kiều” đổi sang thành Tuyên Kiều. Cách giải thích này e là không đáng tin, vì khi Hồng Nhân Can kể chuyện này thì ông ta đang ở Hương Cảng, đã không cần thiết cũng căn bản không biết những điều kị húy của Thái Bình Thiên Quốc, “Vân Kiều” là do Hamberg chú âm ra, rất có thể là do dịch âm nên bị sai.
Về “Tiên Kiều”, thì có ba khả năng: Thứ nhất, Hồng Tuyên Kiều kỳ thực vốn tên là “Hồng Tiên Kiều”, chỉ là hậu nhân gọi nhầm là Tuyên Kiều; Thứ hai, do sách in sai (sách, văn kiện do Thái Bình Thiên Quốc in rất nhiều chỗ sai có thể thấy); Thứ ba, Hồng Tuyên Kiều lúc này đã chết, gọi “Tiên Kiều Cô” là cách bày tỏ sự tôn trọng dành cho người đã mất.
Hồng Tuyên Kiều rốt cuộc có sự tích gì?
Về những sự tích của Hồng Tuyên Kiều, theo ghi chép của Hamberg, chủ yếu là vào năm 1847, năm mà Hồng Tú Toàn tới Tử Kinh Sơn, Hồng Tuyên Kiều xưng là 10 năm trước mơ thấy Thượng đế nói với nàng “10 năm sau sẽ có người tới đây dạy mọi người thờ Thượng đế, ngươi nên tuân theo”, mà Hồng Tú Toàn cũng vừa khéo tự xưng năm đó nằm mơ, bắt đầu lấy thân phận thứ tử của Thượng đế và sứ giả để “cứu độ thế nhân”, hai lời nói mê hợp nhau tức thì, có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao uy vọng của Hồng Tú Toàn. Hồng Tuyên Kiều đã là thân thích của Hồng Tú Toàn, lại có quan hệ mật thiết với Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý, trong thời gian ngắn trở thành hạt nhân của hội Thượng đế, không chỉ là “lục nữ của Thượng đế”, mà còn có ảnh hưởng rất lớn trong nữ hội chúng, vì thế Hồng Tú Toàn đã hiệu triệu “nam học Phùng Vân Sơn, nữ học Dương Vân Kiều”, đưa nàng ra làm tấm gương.
Ngày tháng tốt đẹp chẳng kéo dài, Hồng Tuyên Kiều nhanh chóng vì mắc tội “vô cớ sính phô trương, “loạn ngôn” bị Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý liên tiếp áp chế. Dương Tú Thanh mượn Thiên phụ hạ phàm, trao quyền cho Tiêu Triều Quý đánh Hồng Tuyên Kiều 60 gậy; Tiêu Triều Quý cũng mượn Thiên huynh hạ phàm, đem đổi “nữ học Dương Vân Kiều” thành “nữ học Hồ Cửu Muội”, từ đó dường như Hồng Tuyên Kiều không còn công khai lộ diện trên vũ đài Thái Bình Thiên Quốc. Cũng tức là nói, từ đây về sau những việc như nàng ra chiến trường làm nữ tướng, mây mưa tráo trở bàn tay ở các vương phủ đều là những điều bịa đặt. Nói thêm một câu bên lề, quân Thái Bình Thiên Quốc không có nữ binh chính thức, mà Hồng Tuyên Kiều có biết đánh trận hay không, chúng ta đâu có biết, một người phụ nữ của gia đình như vậy thì làm thế nào có thể lãnh vài trăm nữ binh ra chiến trường giết địch cho được?
Rốt cuộc thì vì nguyên nhân gì đã khiến Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý lại lần lượt ra tay tàn nhẫn với em nuôi và vợ đến như vậy?
Có lẽ, nhà họ Vương thôn Tứ Cốc của Hồng Tuyên Kiều có quan hệ thân thích với Hồng Tú Toàn, mà Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý luôn lo sợ người họ hàng này của Thiên Vương đoạt quyền nên dùng trăm phương nghìn kế đả kích họ Vương, Hồng Tuyên Kiều đương nhiên là không tránh khỏi cảnh trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.
Có lẽ, Hồng Tuyên Kiều dựa vào việc “mơ gặp Thượng đế” đạt được địa vị cao đến mức nghiện, sau đó lại nhiều lần giở chiêu cũ, điều này đương nhiên là đại kỵ đối với những người cùng dựa vào đó để kiếm cơm như Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý. Trong những tài liệu lịch sử còn lưu giữ cũng đều chép, trước khi cuộc khởi nghĩa Kim Điền nổ ra, Dương, Tiêu đã đấu tranh kịch liệt với những “yêu ma” giả thác Thiên phụ truyền lời khác, Hồng Tuyên Kiều nếu giở trò này, bị đánh 60 gậy thì coi như Dương, Tiêu đã nương tay rồi.
Có lẽ, Hồng Tuyên Kiều chỉ là mắc lỗi mà phụ nữ thường mắc phải – ghen tuông. Tiêu Triều Quý lúc đó đã có không ít vợ, mà trong sử liệu còn bảo lưu có ghi chép Tiêu Triều Quý, Dương Tú Thanh giúp Hồng Tú Toàn, thậm chí Vi Xương Huy quản giáo những bà vợ mới thu nạp, là “thiên chi kiều nữ”, Hồng Tuyên Kiều e rằng cũng không tránh khỏi nóng giận, mà vấn đề này không thể nói với người ngoài, nên cũng chỉ có thể lấy tội danh “loạn ngôn” để xử lý, chuyện hàm hồ vậy thôi.
Người tình của Hồng Tuyên Kiều
100 năm nay, mọi người đã tìm cho Hồng Tuyên Kiều không ít người tình: Dương Tú Thanh, Thạch Đạt Khai, Lâm Phượng Tường… nhưng tất cả đều không có bất cứ sử liệu nào có thể chứng thực.
Nhìn từ sử liệu, Tiêu Triều Quý là một nông dân mang tư tưởng phu quyền phong kiến rất nặng. Khi ông ta còn tại thế, Hồng Tuyên Kiều muốn “đi lệch quỹ đạo” e là không có cửa. Tiêu Triều Quý chết rồi, Hồng Tú Toàn thực thi quy định “nam về hàng nam, nữ về hàng nữ”, nam nữ cách biệt đến mấy năm, Hồng Tuyên Kiều muốn gặp mặt đàn ông cũng khó, nói gì đến tìm người tình?
Tung tích của Hồng Tuyên Kiều
Về tung tích của Hồng Tuyên Kiều, truyền thuyết cũng đủ loại, có thuyết nói nàng và quốc cữu Lại Hán Anh sau khi Thiên Quốc diệt vong chạy thoát đến Hương Cảng, sống yên ổn đến cuối đời, cũng có thuyết nói khi Thiên Kinh thất thủ đã anh dũng hi sinh hoặc tự sát. E rằng đây đều là những lời vô căn cứ, Lại Hán Anh cuối năm 1853 đã chết rồi, đương nhiên không thể cùng nàng đi Hương Cảng vào năm 1864. Khi thành Thiên Kinh bị phá, Ấu Thiên Vương Hồng Thiên Quý Phúc phá vây chạy đi Hồ Châu, trên đường không mang theo nữ quyến nào; mà con trai của Hồng Tuyên Kiều là Tiêu Hữu Hòa cùng đi Hồ Châu với Hồng Thiên Quý Phúc, mấy ngày sau thì ốm chết ở nơi này, cũng không một chữ nhắc đến tung tích của mẹ.
Nếu như Hồng Tuyên Kiều sống đến năm 1864, khi thành Thiên Kinh thất thủ, nàng rất có khả năng chết trong thành, hoặc bị Tương quân bắt làm chiến lợi phẩm mang đi. Nhưng cũng rất có thể nàng cơ bản đã không còn sống tới ngày đó – như ở trên đã đề cập, năm 1857 nàng đã được sách vở của Thái Bình Thiên Quốc gọi là “Tiên Kiều Cô”, có lẽ trước đó, nàng đã rời khỏi dương thế rồi.