Nữ tướng Nguyễn Thị Định - một huyền thoại
Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc trong thế kỷ XX, ở Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều người phụ nữ anh hùng, quả cảm ở các lĩnh vực khác nhau, một trong những người phụ nữ đặc biệt ấy là bà Nguyễn Thị Định. Cuộc đời bà là một huyền thoại.
* Gắn với phong trào Đồng khởi và Đội quân tóc dài
Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920, tại xã Lương Hòa, H.Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre). 16 tuổi, dưới sự dìu dắt của người anh trai, bà tham gia hoạt động cách mạng. Trong cuộc giành chính quyền năm 1945, bà chính là người đi đầu dẫn hàng ngàn người dân tiến vào giành chính quyền ở TX.Bến Tre. Năm 1946, bà Nguyễn Thị Định cùng nhiều người kháng chiến ở miền Nam đã vượt biển ra Bắc xin vũ khí để kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Con đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập ngày 23-10-1961. Tuy nhiên, chính những con người Nam bộ quả cảm trong đoàn quân năm ấy của bà Nguyễn Thị Định là những người đã “khai sơn, phá thạch” cho con đường huyền thoại này về sau.
Nói tới nữ tướng Nguyễn Thị Định là nghĩ ngay tới phong trào Đồng khởi Bến Tre đúng 60 năm trước, năm 1960. Cuộc Đồng khởi diễn ra từ nhận định tình hình chính xác cùng sự lãnh đạo tài ba của nhà cách mạng đầy mẫn cảm và dũng cảm Nguyễn Thị Định. Cuộc đấu tranh này đã hình thành một đạo quân rất mới, có tổ chức của quần chúng, đông đảo nhất là phụ nữ. Sau này chúng ta gọi bằng một cái tên trìu mến “Đội quân tóc dài”.
“Đội quân tóc dài” là một binh chủng độc đáo của cách mạng Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Định là linh hồn, là người lãnh đạo và sáng tạo nên cách đánh ba mũi giáp công. Đội quân tóc dài ấy không một tấc sắt trong tay nhưng đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù, làm lung lay thành trì cai trị. Đội quân tóc dài chính là tên gọi mà Bác Hồ đã dùng để gọi tên đội quân đặc biệt này.
* Một vị tướng tài ba, nhân hậu
Năm 1965, khi bà Nguyễn Thị Định đang là Hội trưởng Hội LHPN giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã mời bà sang Bộ Tư lệnh miền để truyền đạt ý kiến của Bác Hồ giao nhiệm vụ cho bà làm Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Lý do thật đơn giản bởi “cuộc chiến tranh nhân dân của ta là cuộc chiến tranh không có trận tuyến, phải đánh giặc bằng quân sự và bằng chính trị. Do nhu cầu của chiến lược, Bộ Tư lệnh miền phải có một đồng chí biết rành về chỉ huy lực lượng đấu tranh chính trị trực diện”.
Từ năm 1968, bà Nguyễn Thị Định đã được nhà nước Liên Xô trao giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin. Ngày 30-8-1995, bà Nguyễn Thị Định được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Định đã giữ cương vị này trong suốt 10 năm. Đó là 10 năm khốc liệt của cuộc chiến đấu ở miền Nam. Tất cả các tướng lĩnh đương thời vẫn còn nhớ, vẫn viết những hồi ức về những ngày khói lửa ấy, đặc biệt là những quyết định sáng suốt trên chiến trường của vị Phó tư lệnh đã giúp giảm thiểu tối đa mất mát, hy sinh. Ngày 17-4-1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1965, khi đánh giá về bà Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
Sau ngày đất nước thống nhất, nữ tướng Nguyễn Thị Định lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trên cương vị nào, bà Ba Định - Nguyễn Thị Định cũng có nhiều đóng góp, nhất là trong công tác thương binh, liệt sĩ, đền ơn áp nghĩa...
Ngày 26-8-1992, trái tim của vị nữ tướng huyền thoại Nguyễn Thị Định ngừng đập. Nhà văn Trầm Hương trong cuốn Sen hồng trong bão táp viết về đám tang bà: “Tiễn bà đi không chỉ là những bậc lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước mà còn có quần chúng nông dân từ những miền đất nước xa xôi năm nào đã từng cưu mang, che chở bà; những người nông dân từng được bà cởi trói từ ngọn triều Đồng khởi, những cô cấp dưỡng trong rừng sâu, anh bộ đội từ miền Bắc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” có mặt ở cánh rừng miền Đông, từng được bà vá áo, được bà chia sẻ viên thuốc sốt rét, miếng tê giác chống sốt, những cặp vợ chồng cán bộ đưa con cháu đến viếng bà Ba vì cuộc sống hạnh phúc của họ ngày hôm nay là do bà tác hợp, có cả những người được minh oan, cứu sống sinh mệnh chính trị…”.