'Ở nhà mùa dịch, tôi chưa bao giờ được vào bếp nhiều đến thế'

Thực hiện cách ly toàn xã hội, nhiều người phải ở nhà suốt thời gian dài. Song thay vì kêu ca, chán nản, người dân tự tìm những thú vui cho riêng mình.

Dịch Covid-19 bùng phát, cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội nhằm ngăn chặn virus lây lan. "Ai ở chỗ nào, ở yên chỗ đó", "Hãy ở yên khi tổ quốc cần" là những khẩu hiệu được người dân tích cực lan tỏa.

Từ ngày 1/4, các cửa hàng ăn uống, khu vui chơi, các địa điểm tập trung đông người đóng cửa, người dân được yêu cầu ở nhà, hạn chế ra ngoài trừ trường hợp cần thiết. Nhiều ngày liên ở nhà khiến mọi người không tránh khỏi cảm giác chán nản, bí bách.

Tuy nhiên, thay vì kêu ca hay cố tìm cách "lách luật" đi chơi, nhiều người tự tìm thú vui cho mình những ngày này. Zing thực hiện phỏng vấn một số người để hiểu hơn "bí quyết sống sót qua mùa cách ly xã hội".

 Nhiều người tự tìm niềm vui để bớt cảm giác nhàm chán khi ở nhà lâu ngày. Ảnh: Phương Lâm.

Nhiều người tự tìm niềm vui để bớt cảm giác nhàm chán khi ở nhà lâu ngày. Ảnh: Phương Lâm.

Nguyễn Phương, 24 tuổi, nhân viên kỹ thuật

"Thời gian này tôi vẫn phải đến công ty vì đặc thù công việc không thể làm từ xa, nhưng không còn mệt mỏi vì tắc đường cả tiếng. Những tuần gần đây, đường phố còn thông thoáng hơn hẳn.

Mọi người kêu chán. Ừ thì có chán thật, không có quán cà phê để ngồi lê la, công viên cũng không mở cửa để đi dạo cuối tuần. Những ngày cách ly toàn xã hội, tôi không quá sợ hãi, ngược lại cảm thấy khá hào hứng. Ở nhà cách ly giúp tôi phát hiện ra sở trường mới của mình, đó là nấu ăn - điều trước giờ tôi ít khi nghĩ tới.

Trước khi dịch bùng phát, tôi thường phải tăng ca. 21h30 mới về đến phòng trọ, tôi chỉ kịp tắm rửa, nói chuyện một chút với cô bạn cùng phòng rồi đi ngủ. Sáng hôm sau lại lặp lại chuỗi hoạt động ấy. Những hôm không tăng ca, được về sớm thì cũng chỉ đi ăn tạm bên ngoài rồi về nhà nghỉ ngơi bù lại những ngày vất vả.

Những bữa cơm tự nấu giúp Nguyễn Phương không cảm thấy ở nhà là nhàm chán, bí bách. Ảnh: NVCC.

Những bữa cơm tự nấu giúp Nguyễn Phương không cảm thấy ở nhà là nhàm chán, bí bách. Ảnh: NVCC.

Gần một tuần rồi, chiều nào tôi cũng nghĩ xem tối nay ăn gì. Hôm làm nem cuốn, hôm hầm súp rau củ, bữa thử mày mò làm bánh. Tôi thấy cuộc sống có màu sắc và vui vẻ hơn.

Mỗi lần nấu xong tôi đều chụp ảnh gửi cho mẹ ở quê xem, nói đùa 'con sắp lấy được chồng rồi'. Với một đứa cá tính và vụng về như tôi, bạn bè và cả nhà ai cũng bất ngờ, không tin tôi lại đảm đang đến vậy. Được khen tôi cũng 'nở mũi', thấy vui vui. Thời gian nghỉ dịch, tôi chưa bao giờ được vào bếp nhiều đến thế".

Minh Tuyến (23 tuổi, du học sinh)

"Nhân dịp cả nước chống đại dịch ở thế kỷ 21, mình biết mọi người đều đang rất chán, bức bí khi phải ở trong nhà không được ra ngoài.

Tuy nhiên, nếu nhìn theo hướng tích cực, chúng ta có thêm thời gian ở nhà ăn cơm tự nấu thay vì đặt mãi cơm ăn liền, đặt mục tiêu tập thể dục, học một kỹ năng mới nào đó thì chính khoảng thời gian cách ly xã hội này sẽ được tận dụng rất tốt".

Với những ai phải ra ngoài đường, mọi người nhớ giữ gìn sức khỏe, còn với các y bác sĩ cùng bộ phận chống dịch, thì người dân sẽ luôn ủng hộ và tin tưởng hết mình".

Hào Quang, kinh doanh

"Từ trước khi công bố cách ly xã hội, tôi đã đóng cửa hàng trà sữa để tránh tụ tập đông người. Buôn bán ngưng trệ, với một người làm kinh doanh mà nói không phải điều dễ chấp nhận khi còn phải trả tiền mặt bằng, còn tiền sinh hoạt cho cả gia đình.

Tuy nhiên chúng ta đều hiểu đó là quy định mà ai cũng cần có trách nhiệm thực hiện, mình không thể làm khác được.

Từ ngày chịu cảnh 'ăn không ngồi rồi', tôi lôi máy ảnh ra, bắt đầu làm một 'tour' chụp hình khắp nhà, hết chụp cho hai cậu con trai, chụp vợ, tôi chụp đến cây cỏ, hoa lá. Hóa ra, có nhiều thứ đẹp và thơ đến thế mà giờ mới nhận ra.

Tôi tự thấy mình may mắn khi sống ở vùng quê, trước mặt là đồng ruộng, gần nhà còn có đồi núi, không cảm thấy bí bách, phải chôn chân một chỗ như ở thành phố.

Buổi chiều, tôi có thể một mình đi ra cánh đồng trước mặt, hít thở không khí. Tất nhiên là mang theo cả chiếc máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đẹp mà ngày thường ít có dịp ngắm nhìn. Thời gian này, làng quê đã vắng lại càng vắng vì mọi người ít ra ngoài, tôi có cơ hội yên tĩnh ngắm nghía, 'làm trò con bò' mà không sợ bị ai soi.

Không biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc, thế nên tôi nghĩ nên tranh thủ thời gian này. Dù sao cũng rất mong dịch sẽ sớm qua đi và mọi người đều bình an, vui vẻ".

Lê Hiền, giáo viên

"Hơn 6 năm rồi tôi mới thực sự có thời gian dành cho gia đình của mình. Du học nước ngoài 3 năm, về nước lập tức tìm việc làm tại một trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội, tôi rất ít có dịp về quê. Đây có lẽ cũng sẽ là dịp nghỉ bên gia đình lâu nhất mà tôi có được.

 Với nhiều người, cách ly lại trở thành cơ hội gắn kết gia đình. Ảnh: Duy Hiệu.

Với nhiều người, cách ly lại trở thành cơ hội gắn kết gia đình. Ảnh: Duy Hiệu.

Được ở nhà cùng cha mẹ và các em, tôi thấy mình sống chậm, tĩnh tâm hơn, không còn mệt mỏi như khi phải dạy học triền miên. Nghỉ dạy, đồng nghĩa với lương bị cắt giảm. Song bù lại, tôi có thời gian tĩnh tại".

Không thể đi đó đây vì dịch, tôi ở nhà cùng mẹ làm vườn, trồng rau. Ở quê, ăn uống cũng dễ, không khói bụi, không kẹt đường - đó có lẽ là điều khiến tôi cảm thấy vui, nhất là khi bản thân lại dễ dị ứng và hay stress vì công việc".

Triệu Yến, 54 tuổi, nội trợ

"Khi nghe tin có lệnh hạn chế tụ tập và đóng cửa các hàng quán, trung tâm giải trí không cần thiết, ban đầu tôi cũng lo lắm, còn tính đi ngay tới siêu thị tích trữ đồ ăn cùng mấy bà hàng xóm".

Tuy nhiên, nghe con gái giải thích các cửa hàng bán thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn được mở cửa và cam kết bình ổn giá, tôi cũng dần bình tĩnh lại và nhận ra mình vừa suy nghĩ nông cạn thế nào.

Thời gian này, gia đình tôi lâu lắm mới lại rộn rã tiếng cười nói của các thành viên khi con gái làm việc ở nhà, con trai học đại học cũng học online do dịch. Những bữa cơm thường ngày chỉ có 2 ông bà già gần đây cũng bớt vắng lặng hơn, tôi cũng tranh thủ bồi bổ cho 2 đứa những món ngon thường ngày xa nhà không được ăn.

Là một bà nội trợ, biết mình không thể ra tuyến đầu chống dịch như các nhân viên y tế hay góp sức tình nguyện như các cháu sinh viên, tôi nghĩ việc đúng đắn và đơn giản nhất mọi người cùng có thể làm lúc này là 'đang ở đâu, ở yên chỗ đó'".

Quỳnh Anh, 25 tuổi, nghiên cứu sinh

"Là một du học sinh tại Trung Quốc, tình hình dịch khiến mình và nhiều bạn khác đều gặp khó khăn trong việc học tập, kể cả trường học cũng cực khổ tìm biện pháp cho du học sinh vì không thể học online như các bạn ở trong nước.

Gia đình mình cũng chỉ buôn bán nhỏ, em trai mình năm nay học lớp 12, chuẩn bị thi đại học. Có thể nói đại dịch này ảnh hưởng đối với nhà mình không ít. Tuy nhiên, nhìn thấy và hiểu được sự cực khổ của những người ở tiền tuyến trực tiếp chống chọi với dịch, bản thân mình cảm thấy rất xót xa, cảm phục và cũng vô cùng biết ơn họ.

 Dù không tránh khỏi khó khăn, rắc rối vì mùa dịch song mỗi gia đình đều cố gắng tuân thủ quy định, vì an toàn chung của xã hội.

Dù không tránh khỏi khó khăn, rắc rối vì mùa dịch song mỗi gia đình đều cố gắng tuân thủ quy định, vì an toàn chung của xã hội.

Đồng thời, mình cực kỳ bức xúc khi biết tin về những người ý thức kém, trốn cách ly hay thậm chí tìm đủ mọi cách chống đối lại, phí phạm bao nhiêu sức lực và tiền của.

Việc duy nhất mình có thể giúp đỡ cho những người đang gồng mình chiến đấu chính là tự bảo vệ chính mình, gia đình và bạn bè. Mỗi sáng ngủ dậy, thấy số liệu người mắc giảm đi hay thậm chí không có người nhiễm mới, em thấy tinh thần vui vẻ và lạc quan hơn rất nhiều. Mong từng người trong xã hội đều nâng cao ý thức, dịch bệnh chắc chắn sẽ nhanh chóng kết thúc".

Thu Trang, 20 tuổi, tình nguyện viên

"Mọi người hay gọi chúng mình - những người tham gia hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19 và các nhân viên y tế là 'người hùng'.

Nhưng không phải riêng chúng mình mới đáng được tuyên dương như vậy, theo mình, mỗi người dân đều là một chiến sĩ chống dịch. Mình tin chắc rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta sẽ đầy tự hào mà tuyên bố Việt Nam chính thức chiến thắng dịch bệnh.

Cảm ơn mọi người vì đã cùng đồng lòng chống dịch, chúng ta cùng quyết tâm nhé!".

Ánh Hoàng - Đào Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-nha-mua-dich-toi-chua-bao-gio-duoc-vao-bep-nhieu-den-the-post1069613.html