Ô tô chở lô hàng nghi sâm Ngọc Linh giả bị kiểm tra, nhóm nhận hàng bỏ chạy
Cơ quan công an và Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum phát hiện một lô cây, củ tam thất có ngoại hình rất giống sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh thật có gắn giấy tờ hợp lý và củ tam thất có ngoại hình giống sâm Ngọc Linh.
Ngày 1/3, Công an huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cho biết vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Kon Tum) phát hiện một lô tam thất (nghi sâm Ngọc Linh Kon Tum giả) tuồn vào địa phương lúc rạng sáng.
Lô hàng này do cơ quan chức năng phát hiện lúc 4h sáng cùng ngày, sau khi ô tô khác từ phía Bắc dừng chân trên địa bàn thị trấn Đăk Tô. Nhóm nhận lô hàng này đã lợi dụng đêm tối tẩu thoát.
Theo cơ quan chức năng, lô hàng này đựng trong 3 thùng xốp, tổng cộng có 2 kg củ và 12kg lá cây thuộc họ tam thất. Điều bất ngờ hơn là loại tam thất có hình dáng từ thân củ đến lá rất giống với cây sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết: Đây là lần đầu tiên phát hiện loại củ này tại địa bàn. "Loại tam thất này giống với cây sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, vào thời gian này ở Kon Tum, cây sâm Ngọc Linh thật đang trong chu kỳ ngủ đông. Cây đã rụng hết lá và bắt đầu nảy mầm nên có thể khẳng định loại củ này không phải sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Ông Phúc cho biết, "Sâm Ngọc Linh Kon Tum hiện nay là sản phẩm rất có giá trị. Vậy nên, không loại trừ việc kẻ xấu lợi dụng sâm Ngọc Linh để tuồn các loại tam thất có bề ngoài rất giống sâm Ngọc Linh này vào địa bàn Kon Tum để lừa đảo khách hàng", ông Phúc nói và cho biết tỉnh Kon Tum rất coi trọng giá trị, thương hiệu sâm Ngọc Linh vì giống sâm này được coi như "Quốc bảo" của Việt Nam. Việc thương lái nhập loại tam thất này về địa phương không loại trừ việc lợi dụng bề ngoài của loại cây này để lừa đảo người tiêu dùng".
Củ tam thất có ngoại hình rất khó phân biệt với sâm Ngọc Linh
Cũng theo ông Phúc, việc lừa đảo này là để trục lợi phi pháp và làm giảm sút uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh", ông Phúc nói và cho rằng "đây là hành động phá hoại thương hiệu sâm Ngọc Linh".
Cũng theo ông Phúc, hiện tại tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho 3 đơn vị có đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Cụ thể, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô (trồng gần 20 ha), Công ty cổ phần Vingin (trồng 200 ha) và Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum (600 ha).
Sâm Ngọc Linh Kon Tum được trồng và bảo vệ nghiêm ngặt, các loại củ sâm của các doanh nghiệp uy tín khi xuất ra thị trường đều có tem trích xuất nguồn gốc và giấy tờ hợp lệ.