Ðộc đáo gối thảo dược của đồng bào Dao

Nà Ít là thôn còn nhiều khó khăn của xã Vi Hương, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Từ bài thuốc cổ truyền của dân tộc, kết hợp sử dụng vật liệu vải chàm, vẽ họa tiết, đồng bào Dao đỏ nơi đây đã làm ra sản phẩm gối thảo dược được đông đảo người tiêu dùng đánh giá cao.

Sản phẩm gối thảo dược của HTX Thiên An.

Sản phẩm gối thảo dược của HTX Thiên An.

Nà Ít là thôn còn nhiều khó khăn của xã Vi Hương, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Từ bài thuốc cổ truyền của dân tộc, kết hợp sử dụng vật liệu vải chàm, vẽ họa tiết, đồng bào Dao đỏ nơi đây đã làm ra sản phẩm gối thảo dược được đông đảo người tiêu dùng đánh giá cao.

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thiên An, Lý Thị Quyên, xuất phát từ vùng nguyên liệu sẵn có và các bài thuốc cổ truyền của đồng bào Dao đỏ, các thành viên HTX đã mày mò, nghiên cứu và sản phẩm truyền thống gối thảo dược đã ra đời theo cách như vậy. Cầm trên tay chiếc gối thảo dược của HTX Thiên An, người dùng nhanh chóng cảm nhận được sự khác biệt. Ngoài 30 loại thuốc gia truyền có trong lõi gối, HTX Thiên An đã thiết kế những mẫu mã mới mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc Dao đỏ đang sinh sống trên địa bàn. Sản phẩm được thêu tay tỉ mỉ với những họa tiết đa dạng, bắt mắt. Hoa văn trang trí mang đặc trưng của người Dao đỏ, như: in sáp ong; hình vẽ mặt trời, mặt trăng, cây cối, núi rừng... Ðặc biệt, chất liệu vỏ gối là vải thô, vải nhuộm chàm, thổ cẩm, bên trong có lớp bông mềm và gói thảo dược. Chiếc gối có tác dụng xua tan mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ cho người dùng. Mặt khác, chúng cũng rất tiện dụng khi có thể tháo ra để giặt, phơi. Túi thảo dược trong lõi gối đã qua xử lý chống ẩm, mốc cho nên chỉ cần phơi ngoài nắng, gió là có thể tái sử dụng nhiều lần.

Ðến nay, HTX Thiên An đã sản xuất được gối thảo dược với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, như: gối ngủ, gối dựa, gối cổ, gối ôm, với giá bán mỗi chiếc từ 120 nghìn đến 600 nghìn đồng/chiếc. Sản phẩm gối của HTX chủ yếu tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các sản phẩm dược liệu của HTX nói chung và gối dược liệu nói riêng đã được ngành chức năng tỉnh thẩm định xong và công nhận đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt). Ðây là cơ sở giúp cho các sản phẩm của HTX khẳng định chất lượng, an toàn và hiệu quả. HTX đã tạo việc làm cho 15 thành viên là người dân tộc thiểu số với mức thu nhập từ ba đến năm triệu đồng/người/tháng.

Vừa qua, HTX Thiên An đã đem sản phẩm gối dược liệu của mình tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020, do Trung ương Ðoàn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. Sản phẩm gối dược liệu của HTX vinh dự là một trong 10 sản phẩm khu vực phía bắc lọt vào vòng chung kết. Hiện nay, HTX đã được huyện Bạch Thông hỗ trợ trồng khoảng 5 ha cây dược liệu tại các thôn Cốc Thốc, Thủy Ðiện, Ðịa Cát. Thời gian tới, HTX sẽ tập trung mở rộng lên khoảng hơn 20 ha vùng nguyên liệu cây thảo dược để sản xuất được số lượng lớn gối thảo dược bền vững, tạo công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc trong xã.

Sản phẩm gối thảo dược của HTX Thiên An đang dần khẳng định được hướng đi đúng, không chỉ tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương mà còn góp phần quảng bá, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc mình.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-toc-mien-nui/oc-dao-goi-thao-duoc-cua-dong-bao-dao-628290/