OCOP Quảng Ngãi: Nhiều sản phẩm nhưng 'khuyết' 5 sao

Dù đã có hàng trăm sản phẩm OCOP được công nhận, thế nhưng hiện Quảng Ngãi vẫn 'khuyết' sản phẩm OCOP 5 sao.

Nhiều khó khăn để nâng hạng

Năm 2020, nấm linh chi của HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức) đạt 4 sao ngay trong đợt đầu tiên Quảng Ngãi công bố các sản phẩm OCOP. Đây cũng là sản phẩm đạt 4 sao duy nhất trong số 11 sản phẩm của đợt này.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, sau 3 năm, dù HTX nấm Đức Nhuận hiện sở hữu đến 8 sản phẩm OCOP mà nấm linh chi vẫn duy trì ở 4 sao và chưa thể đạt 5 sao như kỳ vọng.

Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong cho biết: “Khi được công nhận OCOP, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, việc nâng từ 4 sao lên 5 sao đối với nấm linh chi rất khó khăn, bởi lẽ ở mức này là sản phẩm cấp quốc gia nên có nhiều tiêu chí cao và khắt khe. Trong đó, khó nhất là xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, quy mô sản xuất cũng lớn hơn, phải có nhà máy chế biến, phát triển hệ thống phân phối quy mô trên toàn quốc…”.

Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong.

Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong.

Ông Phong nhận định, với thực tế hiện nay, HTX không thuận lợi trong việc mở rộng vùng nguyên liệu vì chi phí đầu tư vào nấm linh chi khá cao. Do đó, trước mắt vẫn tập trung duy trì 4 sao đối với sản phẩm này và nâng hạng một số sản phẩm tiềm năng khác của HTX như trà linh chi thảo mộc, trà linh chi hạt sen…từ 3 sao lên 4 sao.

Cũng đạt OCOP 4 sao, bò khô Thu Ba- Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thu Ba (TP Quảng Ngãi) là một trong số ít sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi có tiềm năng nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao, hướng đến xuất khẩu.

Sản phẩm có lợi thế là chiếm lĩnh thị trường nội địa và được tập trung nguồn lực đầu tư. Hiện bò khô Thu Ba đã có mặt hầu hết các tỉnh, thành với 1.000 điểm bán hàng, 100 đại lý lớn nhỏ và hệ thống siêu thị Wimart, Big C, Go!, Co.opmart... trên toàn quốc.

Bò khô Thu Ba hiện đang là sản phẩm OCOP 4 sao.

Bò khô Thu Ba hiện đang là sản phẩm OCOP 4 sao.

Việc cải thiện quy trình sản xuất, cải tiến mẫu bao bì của sản phẩm đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường, tăng cường xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế cũng được chủ thể chú trọng.

Dù vậy, theo doanh nghiệp này, với những quy định hiện hành thì việc nâng hạng sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao rất khó. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có hỗ trợ và đồng hành của nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư máy móc, hoàn thiện quy trình sản xuất và quảng bá sản phẩm...

Sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ngoài việc buộc phải đánh giá, xếp hạng lại sau 36 tháng (kể từ ngày được công nhận), thì nâng hạng sao OCOP là cơ hội để chủ thể khẳng định thương hiệu và vị thế trên thị trường.

Thế nhưng, trong khi các chủ thể 4 sao gặp khó trong nâng hạng lên 5 sao vì chưa đủ lực, thì nhiều chủ thể OCOP 3 sao lại ngại đầu tư nâng hạng lên 4 sao vì các lý do khác nhau.

Một số chủ thể là cơ sở sản xuất nhỏ hay hộ kinh doanh cá thể cho rằng, lượng tiêu thụ giữa sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao cũng không chênh lệch nhiều nên chưa chú trọng thêm sao.

Tính đến tháng 9/2023, tỉnh Quảng Ngãi có 149 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao. Trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 140 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, trong số các sản phẩm OCOP được công nhận, có 2 sản phẩm du lịch là du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ - thị xã Đức Phổ đạt 3 sao và điểm du lịch Thành cổ - TP Quảng Ngãi đạt 4 sao.

Đồng thời, trong điều kiện hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự mặn mà với sản phẩm OCOP, nguồn lợi từ việc sở hữu sản phẩm OCOP chưa lớn, nên việc đầu tư dây chuyền cải tiến quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như hoàn thiện mẫu mã bao bì... để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn không thuận lợi.

Sau gần 4 năm thực hiện, chương trình OCOP ở Quảng Ngãi đã đạt được một số thành quả nhất định, được người tiêu dùng biết đến ngày càng rộng rãi. Thế nhưng, việc chưa có sản phẩm nào đạt 5 sao vẫn là trăn trở của ngành nông nghiệp tỉnh này.

Phấn đấu có sản phẩm OCOP 5 sao

Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, sao OCOP thể hiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường, cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu.

Đáng chú ý, để nâng hạng sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao thì việc đạt các tiêu chí không hề đơn giản vì phải có nguồn lực đầu tư lớn nâng cấp dây chuyền, quy mô sản xuất, đặc biệt đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Đó là lý do Quảng Ngãi vẫn chưa có sản phẩm OCOP 5 sao.

“Sắp tới, chúng tôi dự kiến tư vấn, hỗ trợ 3 sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao gồm tỏi Lý Sơn, các sản phẩm quế Trà Bồng và muối Sohu ở Sa Huỳnh. Đối với tỏi Lý Sơn và quế Trà Bồng có thuận lợi lớn là đã có chỉ dẫn địa lý”, ông Phương nói.

Tỏi Lý Sơn đã có chỉ dẫn địa lý.

Tỏi Lý Sơn đã có chỉ dẫn địa lý.

Đối với các sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh được người tiêu dùng và thị trường chấp nhận, có tiềm năng nâng hạng 4 sao, nhưng chưa đáp ứng các tiêu chí, như: tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, khả năng tiếp thị, khả năng xuất khẩu, ngoài việc hỗ trợ một phần kinh phí giúp chủ thể đầu tư cải tiến nhãn mác, bao bì, tem truy xuất... cho các sản phẩm OCOP, Sở NN&PTNT cũng sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, tạo cảm hứng cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP mạnh dạn, chủ động trong việc nâng sao OCOP.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ocop-quang-ngai-nhieu-san-pham-nhung-khuyet-5-sao.html