OCOP tạo 'sức bật' cho nông nghiệp, nông thôn
Sau ba năm triển khai, chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) đã thu hút được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp và mang lại những thành công bước đầu với nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao.
Chương trình đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ sang tập trung hàng hóa, từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản
Thực hiện chương trình OCOP, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) đã tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Đặc sản tỏi Ba Đồn đã và đang được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc HTX sản xuất tỏi sạch và kinh doanh dịch vụ (KDDV) Cồn Nâm cho biết, trước đây, đời sống của người dân thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh (TX. Ba Đồn) gặp nhiều khó khăn do cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, người dân trong thôn đã mạnh dạn bắt tay vào cải tạo đất để trồng tỏi. Sau khi được Phòng Kinh tế TX. Ba Đồn hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết và tham gia chương trình OCOP, sản phẩm tỏi sạch Quảng Minh không chỉ có mặt ở các đại lý, siêu thị trên địa bàn TX. Ba Đồn mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh thành lân cận.
Hiện tại, HTX sản xuất tỏi sạch và KDDV vụ Cồn Nâm có 45 thành viên tham gia trồng tỏi với diện tích gần 15ha. Sau khi người dân thu hoạch, HTX sẽ thu mua và tiến hành phơi khô, làm sạch và đóng thành sản phẩm. Mỗi năm, HTX thu mua và bán ra thị trường hơn 2 tấn tỏi khô, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Tham gia chương trình OCOP và chuỗi liên kết, HTX được hỗ trợ tư vấn các thủ tục, hồ sơ, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc; tham gia các hội nghị kết nối các sản phẩm OCOP; các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực miền Trung-Tây Nguyên; hội chợ các sản phẩm OCOP tiêu biểu…, qua đó, giúp kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm và học hỏi các điều kiện cải tiến bao bì, nhãn mác.
Tỏi sạch Quảng Minh cũng đã được Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng 2-9 thu mua chế biến thành tỏi đen và rượu tỏi đen. Đầu năm 2021, sản phẩm tỏi sạch Quảng Minh của HTX sản xuất tỏi sạch và KDDV Cồn Nâm đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây chính là cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết để sản phẩm từng bước mở rộng thương hiệu trên thị trường. Hiện tại, sản phẩm tỏi sạch Quảng Minh đã có mặt trong gian bếp của người dân tại các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) là một trong những xã miền núi triển khai chương trình OCOP một cách hiệu quả với sản phẩm măng khô Mã Liềng của tổ hợp tác (THT) lâm nghiệp cộng đồng Mã Liềng. Tháng 7-2020, THT lâm nghiệp cộng đồng Mã Liềng được thành lập với 40 thành viên là đồng bào Mã Liềng ở bản Kè. Anh Cao Văn Nam, quản lý THT măng khô Mã Liềng cho hay: “Từ khi THT được thành lập, người dân bản Kè đã có việc làm và thu nhập ổn định hơn. Hiện nay, 1kg măng tươi THT thu mua với giá từ 8.000-10.000 đồng, có thời điểm 12.000 đồng, cao hơn so với bán cho thương lái. Nhiều người có thu nhập ổn định 2-3 triệu đồng/vụ từ nghề hái măng”.
Sau khi được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, THT không ngừng đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước khẳng định thương hiệu và uy tín trên thị trường. Không chỉ gói gọn trong tỉnh mà thông qua kênh phân phối của Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây, sản phẩm măng khô Mã Liềng đã có mặt tại các đại lý, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh có 118 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh, trong đó có 57 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 3-4 sao.
“Chắp cánh” cho nông sản vươn xa
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT), Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, để hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, từ năm 2018-2020, tỉnh đã tổ chức 8 hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP. Tiêu biểu là các hoạt động: Triển lãm 10 năm chương trình nông thôn mới (NTM) khu vực Bắc Trung Bộ; triển lãm sản phẩm OCOP trong khuôn khổ tổng kết 10 năm chương trình NTM toàn quốc; hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc.
Năm 2020, các sở, ngành đã tích cực kết nối, tổ chức cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia quảng bá sản phẩm tại hội nghị toàn quốc văn phòng điều phối NTM các cấp; hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc; tham gia phiên chợ tuần nông sản an toàn thực phẩm và sản phẩm OCOP tại tỉnh Lâm Đồng; tham gia hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP vùng Tây Bắc-Hòa Bình… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai hỗ trợ tư vấn chứng nhận VietGAP, tem truy xuất nguồn gốc cho 33 cơ sở có sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình, hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP cho 13 cơ sở, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 14 sản phẩm.
Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, chương trình OCOP không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm mà còn giúp các địa phương giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó, ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống vùng nông thôn.
Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Bình tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 65-70 sản phẩm, trong đó phấn đấu từ 3-5 sản phẩm đạt 5 sao, 8-10 sản phẩm đạt 4 sao, 20-25 sản phẩm đạt 3 sao; thành lập mới ít nhất 25-30 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP…