Ổn định nền nếp học tập tại các trường học
Quãng thời gian học sinh nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, sau khi đi học trở lại, các nhà trường đã khẩn trương ổn định tổ chức, duy trì nền nếp dạy học. Đồng thời, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh. Từ đó tổ chức ôn tập, dạy học cho phù hợp, đảm bảo kiến thức cho học sinh trong học kỳ II năm học 2019 - 2020.
Hằng năm, ở thời điểm này các trường học đã bắt đầu chuẩn bị cho công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập học kỳ II và cả năm học. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc dạy học bị ảnh hưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tinh giản chương trình dạy học và kéo dài thời gian kết thúc năm học 2019 - 2020. Theo đó, thời gian kết thúc năm học kéo dài đến tháng 7, thời gian thi tốt nghiệp THPT lùi lại đến tháng 8. Để đảm bảo kế hoạch dạy học và kiến thức “nền” của học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục khẩn trương ổn định nền nếp dạy và học sau khi học sinh đi học trở lại. Sở cũng căn cứ vào hướng dẫn của Bộ để ban hành bộ khung nội dung tinh giản chương trình dạy học cho phù hợp với tình hình địa phương. Đồng thời, yêu cầu các nhà trường tiếp tục duy trì song hành việc dạy học ở trường và dạy học trực tuyến, qua mạng xã hội tiện ích để nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh.
Đến nay, học sinh lớp 12 trường THPT Na Hang đã trở lại trường học tập được hơn 1 tuần. Thầy giáo Đỗ Phú Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực hiện theo kế hoạch, học sinh lớp 12 đã trở lại trường học tập từ ngày 27-4, học sinh lớp 10, 11 đi học từ ngày 4-5. Mọi hoạt động dạy và học đã ổn định, đi vào nền nếp. Ngoài tổ chức dạy học chính khóa, nhà trường đã tổ chức các hoạt động, sinh hoạt ngoại khóa tại các lớp với chủ đề nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh, chia sẻ kinh nghiệm ôn tập cho học sinh 12...
Trong thời gian học sinh nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, hầu hết các trường đều thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học qua các ứng dụng, phần mềm dạy học nên sau khi học sinh trở lại trường, việc dạy học được thực hiện nối tiếp vào chương trình đã dạy trực tuyến. Cùng với đó, các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh để từ đó phân loại, có phương pháp dạy học, ôn tập đối với những học sinh yếu, bổ sung, đảm bảo kiến thức cơ bản cho học sinh.
Thầy giáo Chẩu Văn Giai, Hiệu trưởng trường THCS Thổ Bình (Lâm Bình) nói, trong hơn 1 tuần học sinh lớp 9 đi học trở lại và đón học sinh lớp 6, 7, 8 đến trường từ ngày 4-5, việc dạy và học được thực hiện theo chương trình đã được tinh giản. Đến nay, nhà trường đã tiến hành kiểm tra chất lượng học sinh để phân loại, cử giáo viên ôn tập, bồi dưỡng miễn phí cho các em học sinh có lực học trung bình, học sinh yếu. Năm học này, trường phấn đấu nâng tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh khá lên hơn 40%, tăng 3% so với năm học trước.
Học sinh các trường THCS, THPT do đã được tuyên truyền đầy đủ về kế hoạch năm học, việc tinh giản chương trình học tập cũng như các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khi đến trường nên rất yên tâm, phấn khởi khi quay trở lại trường học. Em Bùi Trung Kiên, lớp 10A1, trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang) chia sẻ, trong quá trình nghỉ học và đi học trở lại, các thầy cô thường xuyên nhắc nhở chúng em thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Mỗi bạn đều ý thức được rằng, việc phòng chống dịch trong trường học được thực hiện hiệu quả sẽ tạo môi trường học tập an toàn cho học sinh trong toàn trường.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học đã duy trì nền nếp, kỷ cương học đường ngay từ buổi học đầu tiên học sinh đi học trở lại. Tỷ lệ chuyên cần của học sinh, học viên đi học trở lại đối với lớp 9 THCS và lớp 12 THPT trên 98%, giáo dục thường xuyên đạt trên 93%; những học sinh, học viên vắng mặt đều có lý do như ốm thông thường, gia đình xin nghỉ có việc riêng. Qua theo dõi hằng ngày, một số học sinh, học viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở, đau họng tính từ ngày 27/4 đến hết ngày 29/4/2020 là 24 trường hợp, hiện đang nghỉ học để được thăm khám, theo dõi sức khỏe tại nhà và ở các cơ sở y tế.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo), để nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới, các trường cần tổ chức ôn tập lại nội dung kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian vừa qua; rà soát, phân loại học sinh để có kế hoạch dạy bù kiến thức còn thiếu cho học sinh. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh một cách chính xác, phản ánh đúng trình độ nhận thức của học sinh. Từ đó có biện pháp dạy học phù hợp, đảm bảo kiến thức cho học sinh.