Ông Biden sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc?
Tổng thống Trump tái định hình chính sách Mỹ-Trung Quốc bằng mọi giá. Nhưng ứng viên Biden, được cho là đắc cử tổng thống Mỹ, sẽ giữ lại chính sách đó nhưng tăng hiệu quả triển khai.
Biden không hẳn “yếu ớt” hơn Trump trước Trung Quốc
Nhiều quan chức ở Nhật Bản, Ấn Độ, và một số nước Đông Nam Á được cho là lo lắng về khả năng một “chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden” sẽ quá mềm yếu trong việc xử sự với Trung Quốc. Các quan chức này ưa thích cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump đối với Bắc Kinh.
Ông Biden khiến các quan chức trên lo sợ sự trở lại của cái mà họ xem là chính sách của kỷ nguyên Barack Obama (cựu tổng thống Mỹ) - người đã xem nhẹ các động thái lấn lướt của Trung Quốc trong khu vực chỉ cốt đổi lại sự hợp tác của họ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ông Biden từng làm phó tổng thống cho ông Obama giai đoạn 2009 tới 2017.
Thế nhưng ý tưởng cho rằng chính quyền Mỹ do Biden lãnh đạo sẽ “yếu ớt” hơn chính quyền Trump trong vấn đề Trung Quốc có lẽ là vội vàng và đơn giản hóa quá mức. Về một số phương diện quan trọng, đội ngũ của ông Biden có thể giúp Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc hiệu quả hơn.
Biden thực sự khởi đầu chậm chạp trong việc nhận ra thách thức từ Trung Quốc đối với trật tự khu vực do Mỹ bảo trợ. Vào năm 2019, ông này nói rằng Trung Quốc quá bận tâm vào các vấn đề nội bộ nên khó có thể cạnh tranh nghiêm túc với Mỹ.
Tuy nhiên gần đây, quan điểm của Biden đối với Trung Quốc đã trở nên cứng rắn, phản ánh sự thay đổi lớn hơn trong cộng đồng hoạch định chính sách nói chung của Mỹ.
Năm 2020, Biden viết: “Mỹ thực sự cần cứng rắn với Trung Quốc” và Mỹ nên hợp tác với các đối tác “nhằm đối diện với các hành vi lạm dụng của Trung Quốc, trong lúc chúng ta hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề có lợi ích song trùng”.
Các thành viên trong đội ngũ chính sách đối ngoại của “Tổng thống đắc cử” Joe Biden (những người này dự kiến sẽ nắm giữ các vị trí cấp cao trong “chính quyền Biden”) không tỏ ra mềm yếu với Trung Quốc.
Một người trong số đó, Ely Ratner, mới đây tuyên bố: “Nếu Mỹ không vươn lên được trước thách thức Trung Quốc, thế giới sẽ thấy sự nổi lên của một trật tự do Trung Quốc dẫn dắt trái ngược hoàn toàn với các giá trị và lợi ích của Mỹ”.
Một nhân vật khác, Michèle Flournoy, thậm chí mạnh miệng nói rằng Mỹ nên duy trì năng lực đánh đắm toàn bộ các tàu Trung Quốc ở Biển Đông, kể cả dân sự lẫn quân sự, trong vòng 72 tiếng đồng hồ.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden – Jake Sullivan, và cựu quan chức của ông Obama, Jennifer Harris thì lý lẽ rằng cần có một chiến lược kinh tế quốc gia Mỹ có tính mục đích hơn để thắng lợi trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, tức là chuyển từ tư tưởng “bàn tay vô hình” sang chủ nghĩa trọng thương.
Biden lựa chọn con đường hiệu quả hơn
Trái với ông Trump, ông Biden chấp nhận các thỏa thuận thương mại song phương.
Nhiều nhà phân tích đã chỉ trích chính quyền Trump đã vứt bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), xem đó như việc từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu. TPP đặt ra một tiêu chuẩn mới cho việc xây dựng luật lệ về hệ thống thương mại toàn cầu.
Cơ hội tăng cường uy tín và ảnh hưởng của Mỹ lớn hơn lợi ích kinh tế tiềm năng đối với Mỹ. Bỏ lại nước Mỹ phía sau, 11 nước khác đã xúc tiến Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vào năm 2018 và Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để tài trợ cho một hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Ông Biden nói rằng ông sẽ đàm phán lại TPP nhưng ủng hộ việc Mỹ gia nhập vì ông nhận ra rằng “hoặc chúng tôi hoặc Trung Quốc sẽ viết nên các quy tắc cho con đường thế kỷ 21 của thương mại”.
Việc Mỹ quay trở lại với TPP không mang tính tự động, khi mà nhiều người trong đảng Dân chủ của Biden sợ người Mỹ mất việc làm, mất lương do thương mại quốc tế mở rộng.
Tuy nhiên khả năng cao Biden sẽ ngồi vào ghế tổng thống Mỹ tạo ra khả năng Mỹ sẽ tái cam kết thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, tăng cường thêm phương án thay thế cho mô hình chủ nghĩa dân tộc kinh tế ưa thích của Trung Quốc.
Việc Biden chỉ trích chiến tranh thương mại do ông Trump phát động nhằm vào Trung Quốc phản ánh sự thông minh khéo léo hơn là sự mềm yếu. Ông Biden đã đúng khi nói rằng thuế quan làm tổn hại chính bản thân giới lao động Mỹ.
Hơn nữa, ông Biden ghi nhận rằng tập trung quá hẹp vào thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là điều lầm lẫn. Vấn đề thật nằm ở chỗ, như lưu ý của ông Biden, sự thiếu công bằng về cơ cấu bao gồm việc Trung Quốc được cho là đánh cắp tài sản trí tuệ có hệ thống và việc họ ép chuyển giao công nghệ. Và cách thích hợp để đối phó với cách hành xử kinh tế của Trung Quốc, theo Biden, là Mỹ phải đoàn kết với các nước có tư tưởng ứng phó tương tự.
Chú trọng lôi kéo đồng minh rộng rãi, bài bản để ứng phó với Trung Quốc
Trump gần như cho qua Trung Quốc về chuyện quyền dân sự và quyền chính trị. Trái lại, Biden coi nhân quyền là một ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Biden đã công khai ủng hộ Đạt Lai Lạt Ma, kêu gọi truy tố vụ “diệt chủng” đối với người Duy Ngô Nhĩ, và chỉ trích Trump về phản ứng “yếu ớt” trước chính sách của Bắc Kinh đối với Hong Kong. Gần đây ông Biden còn dùng những từ nặng nề để gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chính quyền Trump đã làm tổn thương các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương – các lực lượng chủ chốt trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Thái độ tích cực của công luận đối với Mỹ đã giảm mạnh ở Australia, Nhật Bản, và Hàn Quốc trong thời gian ông Trump làm tổng thống Mỹ.
Hồi đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, người Australia bắt đầu không ưa ông Trump kể từ khi có thông tin về cuộc điện đàm thiếu tôn trọng của ông này với thủ tướng của Australia. Cuối cùng họ bị sốc trước hành vi của ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ.
Nhà Trắng thời ông Trump đã yêu cầu Nhật Bản tăng gấp 4 lần mức chi phí cho việc duy trì quân Mỹ ở Nhật Bản. Đối với Hàn Quốc, Nhà Trắng yêu cầu tăng gấp 5 lần.
Tổng thống Trump thường xuyên phàn nàn về việc Tokyo và Seoul chẳng phải trả đồng nào cho chiếc ô an ninh do Mỹ cung cấp. Điều này khiến người ta nghi ngờ liệu ông Trump có ý định phá hoại liên minh với hai nước này hay không.
Ngược lại, ông Biden thường xuyên nhấn mạnh giá trị của các mối liên minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và nhu cầu làm việc với các đối tác để đạt được các kết quả mà Mỹ mong muốn. Ông cũng cam kết “làm sâu sắc quan hệ của chúng ta với Đài Loan”.
Tất nhiên ở đây việc ông Biden công bố ý định đối đầu với Trung Quốc trên nhiều mặt trận có thể là chiêu thức tuyên truyền giúp ông giành phiếu cử tri trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhưng thành tích của chính quyền ông Trump trong việc đối đầu với Trung Quốc có lẽ cũng cần được nhìn nhận theo cả hướng này.
Tổng thống Trump vừa qua tỏ ra là rất cứng rắn với Trung Quốc. Ông cho phép các cố vấn cao cấp của mình tái định hình quan hệ song phương bằng những thuật ngữ thù địch tương phản mạnh và gia tăng các nỗ lực chiến lược chống lại Trung Quốc thông qua các phương thức như đưa hải quân Mỹ vào tuần tra thường xuyên ở Biển Đông để thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại đây và nâng cấp giao lưu giữa Mỹ và Đài Loan.
Nhưng đồng thời ông Trump lại tỏ ra sẵn lòng vứt bỏ một phần cách tiếp cận đối đầu này nếu ông thu được sự nhượng bộ nào đó trong quan hệ thương mại song phương. Một thí dụ là việc Trump đột ngột đảo ngược việc cắt cung ứng các linh kiện Mỹ cho hàng viễn thông Trung Quốc ZTE vào năm 2018.
Việc ngừng cung cấp này bắt nguồn từ các quan ngại về an ninh quốc gia nhưng ông Trump nói rằng ông hành động do mối quan ngại về việc làm ở Trung Quốc và do “quan hệ cá nhân giữa ông và Chủ tịch Tập”.
Dường như bản thân ông Trump thiếu một nền tảng ý thức hệ hoặc một đại chiến lược nhìn nhận Trung Quốc như một đối thủ dài hạn của Mỹ. Việc quan hệ Mỹ-Trung Quốc xấu đi vào năm 2020 có mối liên hệ chặt chẽ với sự kết hợp giữa đại dịch Covid-19 và cuộc bầu cử Mỹ mới kết thúc: Ông Trump xem việc chỉ trích Trung Quốc là một chiến lược bầu cử hữu ích.
Thậm chí vào năm 2020, ông Trump cũng đã kiềm chế xúc phạm ông Tập - người mà ông Trump đã ca ngợi là “bạn bè” trong thời gian qua. Ông Trump nếu đắc cử có thể sẽ quay trở lại với mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc vào năm 2021 khi theo đuổi một thỏa thuận thương mại./.