Ông Nguyễn Túc: Mừng vì phòng, chống tham nhũng đã 'trên nóng, dưới ấm dần lên'
Sau 1 năm Ban Chỉ đạo phòng, chống TN, TC cấp tỉnh hoạt động, công tác phòng, chống TN, TC chuyển từ 'trên nóng, dưới lạnh' sang 'trên nóng, dưới ấm'.
Chuyển từ “trên nóng, dưới lạnh” sang “trên nóng, dưới ấm”
Ngày 19/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Tại Hội nghị, ông Võ Văn Dũng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo đã trình bày tóm tắt Báo cáo sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Hội nghị thảo luận đánh giá toàn diện 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Qua đó, cho thấy: Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tập trung chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; các vụ án, vụ việc kéo dài, dư luận xã hội quan tâm ở từng địa phương. Đó là đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can.
Xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm chủ trương xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: “Qua theo dõi báo cáo chung và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cảm thấy đấy là tín hiệu rất đáng mừng.
Từ ngày thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có sự chuyển biến rõ rệt: Chuyển từ trạng thái trước đây là “trên nóng, dưới lạnh” sang trạng thái “trên nóng, dưới ấm”. Như vậy tức là đã có sự chuyển động, chuyển từ “lạnh” thành “ấm”.
Thứ hai, những con số cụ thể như trên cho chúng ta thấy rằng, phần lớn các tỉnh, thành phố sau khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tuy hoạt động chỉ mới một năm, nhưng đã có những kết quả rất cụ thể, làm chuyển biến nhận thức của nhân dân ở các địa phương, khiến nhân dân rất tin tưởng vào sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Thứ ba, tuy mới thành lập và hoạt động được một năm, nhưng nhiều vụ án trọng điểm ở nhiều tỉnh, thành phố đã được xét xử. Qua đó, đã cảnh tỉnh cho cán bộ có chức, có quyền ở tỉnh thành đó, cũng như ở các tỉnh thành khác, phải thận trọng hơn trong việc tránh tình trạng “dây máu ăn phần” như đã tồn tại trước đây”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Túc cũng chỉ ra: “Tuy nhiên, qua báo cáo, có thể thấy, còn có sự vào cuộc chưa đồng đều tại các địa phương. Có địa phương làm rất tốt, song, cũng có những địa phương mới chỉ nhúc nhích.
Vì vậy, tôi rất tâm đắc với ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một là tránh “đầu voi, đuôi chuột”, đã làm một năm rồi nhưng phải tiếp tục làm... Ở những nơi đã làm và có kết quả thì phải làm tiếp, làm mạnh hơn nữa; còn ở những nơi còn chưa nhúc nhích hoặc chưa nhúc nhích nhiều, càng cần phải triển khai mạnh hơn nữa.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương cũng cần phải có sự nhắc nhở kịp thời. Đúng như ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đề nghị những ai không làm được tránh sang một bên để người khác làm”.
Vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phải là công tác thường xuyên của mọi cấp ủy, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Cần nhấn mạnh hơn nữa đến công tác thường xuyên, liên tục với phương châm kiên trì, kiên quyết để chống tham nhũng, để hạn chế và đẩy lùi, chứ không nói rằng “xóa sạch trơn”, vì có thể sẽ không có được, chỉ là “tiệm cận” đến mức triệt tiêu”.
Phải khơi được sức mạnh của nhân dân
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong một năm hoạt động của các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cũng quan tâm đến những yếu tố “then chốt” để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương cho rằng: “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có sự thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Những con số về những vụ án, vụ việc nhức nhối vừa qua chắc chắn cũng phải nhờ đến “cánh tay nối dài” là các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Những thành tích nổi bật so với các thời kỳ trước đây, hơn cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, theo tôi, vẫn cần phải chú ý hơn nữa và giải thật tốt hai “bài toán”:
Thứ nhất là vai trò, năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Thứ hai là tổ chức, thể chế, trách nhiệm và quyền lực của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương: Phải có quyền lực nhất định thì mới có thể làm được”.
Cùng với đó, ông Nguyễn Túc cũng nhấn mạnh đến ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về một trong những nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới: “Lãnh đạo, chỉ đạo phát huy mạnh hơn nữa vai trò của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Theo đó, ông dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng công an: “Vấn đề dựa vào dân, công an phải có thiên la địa võng như trong chiến tranh du kích có thiên la địa võng quân sự”.
“Chính vì vậy, chúng ta phải khơi được sức mạnh của nhân dân tham gia vào cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Dân dám nói, dám tố cáo thì mới làm được... Thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Nếu chúng ta làm một cách mạnh mẽ hơn nữa khơi dậy được mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì nhất định sẽ thu được nhiều kết quả tích cực.
Đồng thời, các cấp ủy đảng cần phải vận động, chỉ đạo để Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt hơn nữa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” - ông nhấn mạnh.