Ông Putin thay đổi thế nào sau 20 năm nắm quyền?
Các nhà phân tích chính trị Nga nói về sự thay đổi của ông Putin trong cách nhìn thế giới, quan hệ với phương Tây trong 20 năm cầm quyền.
Ngày 9/8/1999, Tổng thống Boris Yeltsin tuyên bố bãi nhiệm chính phủ của ông Sergei Stepashin, và ông Putin được giao nhiệm vụ thay thế tạm thời. Vai trò ứng viên Thủ tướng được Duma Quốc gia phê chuẩn. Cùng ngày, trong bài phát biểu trên sóng truyền hình, ông Yeltsin gọi ông Putin là người kế nhiệm.
Từ "người mới" đến "ứng viên số một"
Theo ông Sergei Bespalov, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Khoa học Xã hội thuộc RANEPA (Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga), việc bổ nhiệm ông Putin làm quyền Thủ tướng Chính phủ và tuyên bố của ông Yeltsin về người kế nhiệm là một điều hoàn toàn bất ngờ.
“Ông Putin không phải là người hoàn toàn mới. Trước đó ông là Thư ký Hội đồng An ninh và người đứng đầu của FSB. Đối với ông Yeltsin, người đặc biệt chú ý đến việc duy trì sự cân bằng giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức quyền lực, để không cho phép bất kỳ lực lượng nào có thể nổi trội hơn hẳn, thì việc ông bổ nhiệm 1 người vào 2 chức vụ cao như vậy cùng một lúc là biểu hiện của sự tin tưởng cao nhất vào Putin” - chuyên gia cho biết.
Ông Bespalov nhấn mạnh rằng, vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo tương lai của đất nước gần như không được công chúng biết đến, và ít người tin rằng ông sẽ có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2000.
Tuy nhiên, sau 4 tháng ít ỏi, ông Putin đã có thể tăng tỷ lệ tín nhiệm của mình và giành chiến thắng ngay trong vòng bầu cử đầu tiên.
Thành công đó, theo chuyên gia, được thực hiện nhờ một số yếu tố: sự mệt mỏi của người dân Nga với Yeltsin, mà trong bối cảnh đó, ông Putin trông hoàn toàn trái ngược; sự am hiểu của các nhà chiến lược chính trị; sự kết thúc cuộc chiến ở Bắc Kavkaz.
“Sự kết hợp của các yếu tố này dẫn đến việc tỷ lệ tín nhiệm của ông ấy tăng nhanh chóng và đến tháng 12/1999 – thời điểm ông Yeltsin từ chức – ông Putin được coi là ứng cử viên số một trong cuộc bầu cử sắp tới”.
Tổng thống của sự kỳ vọng
Nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Putin, như tất cả các chuyên gia lưu ý, là một trong những nhiệm kỳ thành công nhất. Ông thành công trong việc đáp ứng mọi kỳ vọng đặt ra cho ông: đoàn kết đất nước và đưa nền kinh tế đi lên.
Người đứng đầu “Nhóm chuyên gia chính trị” Konstantin Kalachev lưu ý rằng, nhiệm vụ chính của Tổng thống là cuộc đấu tranh chống khuynh hướng ly khai, duy trì sự thống nhất đất nước và đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
“Ông Putin khi đó được coi là người quan tấm đến việc đưa nước Nga trở thành quốc gia dân chủ, phát triển, hiện đại... Nhiệm kỳ đầu tiên – đó là Tổng thống của sự kỳ vọng mà ông phải đáp ứng” - nhà khoa học chính trị nói.
Nhiệm kỳ thứ hai, theo chuyên gia, là “nhiệm kỳ của thành quả”. Ông Putin đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tách rời chính trị và kinh doanh, đẩy các trùm sỏ ra khỏi quyền lực.
“Mọi người bắt đầu có cuộc sống tốt hơn, và trước cuộc khủng hoảng năm 2008, đất nước đã trải qua sự phát triển và tăng trưởng kinh tế” - ông Kalachev cho biết thêm.
Theo ông Bespalov, trong những năm đầu tiên ông Putin nắm quyền, những người thuộc hàng ngũ Yeltsin – người đứng đầu chính phủ Mikhail Kasyanov và người đứng đầu văn phòng Tổng thống Alexander Voloshin – đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành đất nước.
“Những người này, bất kể những gì chúng ta nói về họ bây giờ, đã tỏ ra khá hiệu quả trong giai đoạn đó: ví dụ, những thành công về chính trị trong nước phần nhiều được gắn với cái tên Voloshin” - ông Bespalov nói.
Chuyên gia cho biết thêm rằng, chính phủ của ông Yevgeny Primakov cũng đóng một vai trò lớn trong việc hình thành nền kinh tế.
“Nếu không có đóng góp cá nhân của ông Putin, tất cả những điều này sẽ không có tác dụng, và một bước đột phá như vậy sẽ không xảy ra vào đầu những năm 2000. Nếu như cuối năm 1999, thành công vẫn có thể được quy cho các nhà công nghệ chính trị, thì sau đó, chính là nhờ sự phục vụ của chính Putin” - ông Bespalov khẳng định.
Tự do và yêu nước
Ở giai đoạn đầu, như ông Kalachev lưu ý, ông Putin đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về một người theo đuổi những ý tưởng tự do.
“Mặc dù đến bây giờ ông vẫn đang theo đuổi những ý tưởng tự do, nhưng chỉ là trong nền kinh tế” - nhà khoa học chính trị giải thích.
Theo chuyên gia, ông Putin kết hợp giữa tự do và yêu nước.
“Nếu nhớ lại chủ nghĩa tự do Nga, như Pavel Milyukov, thì những người theo chủ nghĩa tự do Nga là những người yêu nước, thậm chí là những người yêu nước dân tộc chủ nghĩa” - ông nói thêm.
Ông Bespalov cũng nhấn mạnh tới mong muốn của ông Putin làm sao để kết hợp chủ nghĩa yêu nước với quan điểm kinh tế tự do.
Ông Yevgeny Minchenko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ công chúng Nga, cũng lưu ý rằng, ông Putin tham gia chính trường lớn với tư cách là một nhà cải cách tự do.
“Một mặt, ông duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, sắp xếp mọi thứ theo trật tự, hạn chế ảnh hưởng của các doanh nghiệp lớn, mặt khác, ông nỗ lực xây dựng quan hệ với phương Tây và tiến hành các cuộc cải cách mang lại sự phát triển kinh tế ở trong nước” - chuyên gia nói.
Tổng thống đã thành công trong việc triển khai các dự án kinh tế, còn việc xây dựng mối quan hệ với phương Tây và biến Nga thành một phần của phương Tây lớn thì không - ông Minchenko lưu ý.
“Trong việc này không phải ỗi của Putin, mà lỗi, thuộc về các đối tác. Nhưng nói chung, sự thất vọng của Vladimir Putin là điều có thể định trước, bởi về mặt tư tưởng, ông vẫn là người phương Tây” - chuyên gia Minchenko nhận định.
Quan điểm mới
Nếu như quan điểm tự do trong nền kinh tế được ông Putin duy trì trong suốt 20 năm nắm quyền, thì mối quan hệ với phương Tây đã được Tổng thống xem xét lại một cách triệt để - các nhà phân tích chính trị cho biết.
Theo Kalachev, Putin cho rằng, nước Nga sẽ trở thành đối tác bình đẳng, toàn diện với các nước phương Tây.
“Ông Putin đã đưa tay ra, nhưng cánh tay đó, như ông ấy nói, vẫn đang trơ trọi trong không khí” - chuyên gia nói.
Theo ông Kalachev, bài phát biểu nổi tiếng tại Munich của ông Putin chính là điểm tham chiếu và đánh giá lại nhiều ý tưởng của Tổng thống.
Về phần mình, ông Bespalov nói rằng, ngoài vectơ chính sách đối ngoại của ông Putin, trong 20 năm qua cũng chứng kiến những thay đổi trong chính sách nhân sự của ông.
“Cả khi đó và bây giờ, ông ấy trông cậy vào những người đã được tôi luyện, thường là những người từ các cơ quan thực thi pháp luật, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy rằng, ông ấy còn trông cậy vào các nhà hoạt định trẻ” - chuyên gia nói.
Làn sóng “thay máu” các thống đốc mới đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự khẳng định này - ông Bespalov kết luận.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tu-lieu/ong-putin-thay-doi-the-nao-sau-20-nam-nam-quyen-ar518366.html