'Ông Trump từ chối cử Vệ binh vì đám đông bạo loạn ủng hộ mình'
Giáo sư Aubrey Jewett nói với Zing rằng ông Trump đã hành động mang tính chính trị khi không điều Vệ binh Quốc gia bảo vệ Quốc hội, khác hẳn phản ứng với người biểu tình da đen.
“Tổng thống Trump chịu trách nhiệm về vụ bạo loạn vì đã kêu gọi người ủng hộ diễu hành về Điện Capitol, và liên tục nói sai sự thật rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp”, Aubrey Jewett, giáo sư thuộc khoa chính trị, an ninh, quan hệ quốc tế của Đại học Central Florida, nói với Zing.
Một ngày sau vụ bạo loạn, cơn địa chấn ở Washington vẫn chưa nguôi.
Cổ vũ sự cực đoan của người ủng hộ
Vẫn còn nhiều dấu hỏi về thất bại hoàn toàn trong việc đảm bảo an ninh, dù đã có các lời kêu gọi kéo về Washington biểu tình từ nhiều tuần này. Người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Capitol, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ Quốc hội, ông Steve Sund, vừa từ chức sau vụ bạo loạn.
Chiều ngày 6/1, không lâu sau khi Tổng thống Trump phát biểu kêu gọi hàng nghìn người ủng hộ diễu hành về Quốc hội, đám đông mang cờ “Trump” đã kéo tới, trèo tường, đập vỡ cửa, và vượt qua cảnh sát để xông vào trong Điện Capitol.
Theo sau là cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có tại tòa nhà vốn là trái tim của nền dân chủ Mỹ. Người ủng hộ ông Trump giằng co quyết liệt với số lượng cảnh sát ít ỏi, xông vào phòng họp các nghị sĩ, phá hoại các văn phòng, đập và lấy đi biển tên của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, rồi chụp ảnh selfie.
Các nghị sĩ, phải sơ tán trong vài giờ, sau cùng vẫn tiếp tục họp, và phải đến giữa đêm mới hoàn tất chứng nhận kết quả bầu cử hợp pháp, công nhận ông Joe Biden là tổng thống kế nhiệm. Bất chấp mọi ồn ào từ ông Trump, chưa hề có bằng chứng nào về gian lận bầu cử.
“Những người tham gia vào bạo loạn cũng có trách nhiệm. Sau cùng thì lựa chọn và hành động là trách nhiệm của mỗi cá nhân”, ông Jewett nói.
Giáo sư Jewett cho rằng video và tweet của ông Trump về vụ bạo loạn không có nhiều tác động làm giảm căng thẳng, vì phản ứng của ông là quá muộn. Ông Trump cũng luôn khuyến khích người ủng hộ từ sau cuộc bầu cử, kèm theo sự cực đoan, thuyết âm mưu và thù ghét của họ.
Theo New York Times, vụ bạo loạn ngày 6/1 không phải bất ngờ trên những trang mạng cực đoan ủng hộ ông Trump. Nhiều người đã công khai kế hoạch tới Washington, thậm chí còn khoe những thứ vũ khí họ sẽ mang.
“Biểu tình lớn ở D.C. ngày 6/1”, ông Trump từng tweet ngày 19/12, một trong nhiều tweet cổ vũ người biểu tình. “Hãy đến đây, sẽ ghê lắm!”
Ngày 7/1, ông Trump xuất hiện trong một video mới, cam kết đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách trật tự, và nói “những ai có hành động bạo lực, phá hoại không đại diện cho nước Mỹ”.
Một ngày trước đó, khi ông ca ngợi đám đông bạo loạn qua video và tweet là “Hãy về nhà một cách mãn nguyện, với sự yêu mến của tôi”.
Ông Trump “làm tổn hại nền dân chủ Mỹ”
“Việc ông Trump cứ khăng khăng không thừa nhận thất bại bầu cử đã làm tổn hại nền dân chủ của Mỹ và lịch sử lâu đời chuyển giao quyền lực trong hòa bình của nước Mỹ”, giáo sư Jewett bình luận.
Một số nghị sĩ Cộng hòa và quan chức chủ chốt gần với ông Trump thảo luận riêng về khả năng kích hoạt Tu chính án 25 của Hiến pháp, nhằm phế truất ông Trump vì lo ngại các hành động liều lĩnh, bốc đồng, nguy hiểm cho nước Mỹ.
Nhiều người phía Dân chủ, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cũng kêu gọi kích hoạt Tu chính án 25. Nếu điều đó không xảy ra, đang có nhiều lời kêu gọi luận tội tổng thống.
John Kelly, cựu chánh văn phòng của ông Trump, nói nếu đang đương chức, ông sẽ bỏ phiếu phế truất tổng thống. “Tôi nghĩ nội các nên họp và thảo luận (Tu chính án 25)... Những gì xảy ra ở Điện Capitol hôm qua là hệ quả trực tiếp của việc ông ta đầu độc tâm trí người dân với lời nói dối, sự gian xảo”, ông Kelly nói với CNN.
Một số quan chức cao cấp đã từ chức vì cách ông Trump cổ vũ bạo loạn, bao gồm hai thành viên nội các, là Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos và Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao (vợ của Lãnh đạo Phe đa số Thượng viện Mitch McConnell).
Vụ bạo loạn “làm tôi lo ngại một cách sâu sắc, theo cách mà tôi không thể làm ngơ”, bà Chao nói.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr, từng là đồng minh trung thành của tổng thống cho tới khi rời chức vụ hai tuần trước, nói: “Giật dây để đám đông bạo loạn kéo đến gây sức ép lên Quốc hội là không thể tha thứ. Hành xử của tổng thống hôm qua là sự phản bội lại chính cương vị và cử tri của mình”.
Nhưng giáo sư Jewett vẫn lạc quan về thể chế dân chủ của Mỹ, khi nhiệm kỳ ông Trump chỉ còn gần hai tuần.
“Mỹ sẽ vượt qua và trở lại. Tôi không nghĩ các chính khách tương lai có thể hành xử tương tự mà vẫn giữ được mức ủng hộ như ông Trump. Về mặt này, ông Trump là ngoại lệ”, ông nói.
‘Hành động một cách chính trị’ khi không cử Vệ binh
Sau một ngày, các nhìn nhận đang dần trở nên rõ hơn về cách xử lý vụ bạo loạn. ABC News và New York Times dẫn nhiều nguồn tin khẳng định rằng Tổng thống Trump ban đầu từ chối cử Vệ binh Quốc gia tới bảo vệ trụ sở Quốc hội.
Điều này trái với thông điệp mới của ông Trump ngày 7/1 nói ông đã cử Vệ binh Quốc gia tới Điện Capitol ngay lập tức.
“Mọi thứ mà chúng tôi đưa tin về Tổng thống Trump những năm qua đều phải kiểm chứng lại”, John Santucci, biên tập viên của ABC News nói trên kênh này.
“Những gì ông ta nói ngay đầu thông điệp (ngày 7/1), về việc cử Vệ binh Quốc gia tới ngay lập tức, là không đúng... Ông đã phản đối, và phải mất hai giờ sau... ông Mike Pence mới là người điều Vệ binh tới Điện Capitol”.
Dư luận Mỹ bất bình khi so sánh phản ứng trên với phản ứng của chính Tổng thống Trump đối với phong trào biểu tình Black Lives Matter (Người da đen đáng sống).
Nhiều ý kiến chỉ ra Vệ binh Quốc gia được điều động nhanh chóng để đối phó người biểu tình ôn hòa hồi hè năm ngoái - trong đó có nhiều người da đen - và nhắc lại vụ việc Tổng thống Trump ra lệnh mạnh tay dẹp người biểu tình ôn hòa trước nhà thờ, chỉ để ông đứng cầm cuốn Kinh thánh và chụp ảnh.
Giáo sư Jewett cho rằng Tổng thống Trump đã nhìn nhận, phản ứng với vụ bạo loạn một cách chính trị.
“Hành động của ông Trump không quá bất ngờ, vì ông coi phong trào ‘Black Lives Matter’ là đối thủ chính trị, còn đám đông ủng hộ mình thì ông coi là yêu nước”, ông nói.
Giới phân tích chỉ ra rằng vấn đề rộng hơn sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol là mối nguy từ chủ nghĩa cực đoan ở Mỹ - mà Tổng thống Trump giống như “một que diêm ném vào kho thuốc súng”, như bình luận của Hạ nghị sĩ Adam Smith (đảng Dân chủ).
Jonathan Greenblatt, CEO của Anti-Defamation League, tổ chức đấu tranh chống lại cực đoan và thù ghét, viết một bài bình luận trên tạp chí TIME cho rằng chủ nghĩa cực đoan, da trắng thượng đẳng “là mối đe dọa khủng bố nội địa sẽ còn kéo dài sau thời Trump”.
“Tổng thống Trump đã khuếch đại, để mặc các tư tưởng đó lan truyền, cổ vũ những cá nhân cực đoan, da trắng thượng đẳng, thuyết âm mưu QAnon”, ông Greenblatt nói trên ABC News. “Chúng tôi đã thấy các hội da trắng tượng đẳng bàn cách phá hoại lễ nhậm chức ngày 20/1 tới”.
“Chủ nghĩa cực đoan là một vấn đề trong hệ thống chính trị Mỹ. Ông Trump là một vấn đề, nhưng chắc chắn không phải nguyên nhân duy nhất”, giáo sư Jewett bình luận.
Ông cho rằng một số lãnh đạo chính trị đã chọn cho mình lập trường cực đoan, nhằm lợi dụng sự thù ghét âm ỉ trong lòng cử tri.
“Ted Cruz và Josh Hawley đang nghĩ tới việc tranh cử tổng thống trong bốn năm nữa, và muốn thể hiện mình để lấy lòng hàng triệu người ủng hộ Trump”, ông Jewett nói về hai thượng nghị sĩ Cộng hòa đã đi theo nỗ lực chống lại kết quả bầu cử, dù không có bằng chứng, của nhóm nghị sĩ Hạ viện.