Pantsir-SMD-E: Hệ thống phòng không đáng gờm của Nga

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã giới thiệu một phát triển mới của vũ khí phòng không: Tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-SMD-E.

Đây là phiên bản cải tiến của một sản phẩm đã rất nổi tiếng: Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm thấp Pantsir-S1, được phát triển bởi Phòng thiết kế máy - công cụ Tula, thuộc Tập đoàn Công nghệ cao Rostec. Pantsir-SMD-E được tối ưu hóa để giải quyết các vấn đề cụ thể và sẽ trở nên hiệu quả hơn trong việc chống lại máy bay không người lái.

Giống như các phiên bản trước đây của dòng Pantsir, tổ hợp Pantsir-SMD-E là hệ thống phòng không tự hành tầm ngắn, có khả năng bảo vệ các mục tiêu quân sự, dân sự hoặc khu vực cố định quan trọng chống lại các phương tiện tấn công từ trên không, mặt đất, mặt nước trong hiện tại và tương lai. Đồng thời, Pantsir-SMD-E tập trung vào việc chống lại các UAV, trong đó có tính đến các đặc điểm của cuộc tấn công quy mô lớn.

Nguyên mẫu tổ hợp Pantsir-SMD-E tại gian trưng bày trong triển lãm ARMY 2024 ở Moskva, Nga. Ảnh: Rostec.

Nguyên mẫu tổ hợp Pantsir-SMD-E tại gian trưng bày trong triển lãm ARMY 2024 ở Moskva, Nga. Ảnh: Rostec.

Yêu cầu nhiệm vụ mới đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể về cấu hình của tổ hợp. Pháo phòng không 30 mm 2 nòng 2А38М đã bị loại bỏ, thay vào đó là sự thay đổi về chủng loại và số lượng tên lửa. Ngoài ra, các hệ thống thiết bị vô tuyến điện tử, máy tính của tổ hợp cũng được thiết kế lại theo hướng tự động hóa và tăng đáng kể năng lực nhận biết và xử lý tình huống trên không. Do đó, tổ hợp Pantsir-SMD-E có khả năng chiến đấu tự động hoàn toàn, nó cũng có thể tương tác với các tổ hợp khác trong đội hình chiến đấu cấp Tiểu đoàn thông qua Sở chỉ huy tự động.

Pantsir-SMD-E được chế tạo dưới dạng mô-đun chiến đấu riêng biệt, do đó nó có thể được lắp đặt trên các khung gầm khác nhau (xe cơ sở bánh xích hoặc bánh hơi). Nó cũng có thể lắp đặt trên đế cố định để bảo vệ một khu vực hoặc mục tiêu cụ thể (ví dụ như đặt trên nóc các công trình cao tầng, trên tàu nổi…). Radar bám sát mục tiêu và dẫn bắn được lắp đặt cố định ở phía trước tháp pháo. Trên nóc ở phía sau tháp là radar trinh sát phát hiện mục tiêu. Hai bên tháp là các bệ phóng tên lửa.

Radar trinh sát phát hiện mục tiêu (СОЦ) là loại radar mảng pha chủ động, cung cấp khả năng quan sát 360 độ theo phương vị, 0 – 85 độ theo góc tà. Nó có khả năng phát hiện và quản lý đồng thời 60 mục tiêu trên không khác nhau ở cự ly xa nhất đến 80 km. Đối với mục tiêu có diện tích phản xạ hiệu dụng (EPR) là 0,05 m², cự ly phát hiện là 30 km.

Radar bám sát mục tiêu và dẫn bắn có phạm vi hoạt động ngắn hơn so với radar cảnh giới, nhưng vẫn vượt xa tầm bắn của tên lửa. Nó sẽ nhận chỉ thị mục tiêu từ ra-đa cảnh giới, tìm kiếm bổ sung, tự động bắt, bám sát tối đa 18 mục tiêu, ưu tiên khóa tối đa 6 mục tiêu quan trọng được chỉ định bởi máy tính trung tâm, tự động bám sát và điều khiển tối đa 6 tên lửa bắn vào các mục tiêu chỉ định.

Thiết kế của Pantsir-SMD-E.

Thiết kế của Pantsir-SMD-E.

Giống như phiên bản Pantsir-S1, Pantsir-SMD-E cũng được trang bị tên lửa nhiên liệu rắn hai tầng 57E6-E, có tầm bắn hiệu quả 20 km, độ cao hiệu quả 15 km. Ngoài ra, Pantsir-SMD-E còn được trang bị tên lửa TKB-1055 có kích thước, trọng lượng nhỏ hơn rất nhiều, chuyên dùng để đánh chặn các mục tiêu cỡ nhỏ như UAV, đạn tên lửa.

Tầm bắn hiệu quả của tên lửa TKB-1055 là 8 km, độ cao hiệu quả là 5 km. Trên các bệ phóng của Pantsir-SMD-E có 12 ống phóng tên lửa. Mỗi ống phóng như vậy có thể lắp một tên lửa 57E6-E hoặc bốn tên lửa TKB-1055. Tổ hợp Pantsir-SMD-E cho phép bất cứ tùy chọn lắp đặt kết hợp nào, tùy thuộc vào phương án chiến đấu ban đầu hoặc các mối đe dọa được nhận biết. Như vậy, một xe chiến đấu Pantsir-SMD-E có thể chứa tối đa 12 tên lửa 57E6-E hoặc tối đa 48 tên lửa TKB-1055.

Hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 đã được đưa vào sử dụng trong thời gian khá dài. Trong các trận chiến tại Syria và đặc biệt là trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nó đã thể hiện rất tốt hiệu suất chiến đấu với tất cả các loại mục tiêu bay thấp, từ các loại máy bay không người lái, máy bay chiến đấu chiến thuật và các loại đạn phóng loạt từ Himars. Sự xuất hiện của mối đe dọa mới dưới dạng UAV thuộc nhiều loại khác nhau đã dẫn đến việc phát triển các phiên bản cải tiến của hệ thống phòng không này như Pantsir-SM và bây giờ là Pantsir-SMD-E chuyên dùng để chống lại UAV.

Ưu điểm chính của Pantsir-SMD-E là việc sử dụng tên lửa cỡ nhỏ kết hợp với tên lửa 57E6-E cho phép nó có thể phản ứng cực nhanh với các mối đe dọa từ các loại máy bay có người lái và không người lái, cũng như tất cả các loại mục tiêu cỡ nhỏ khác. Ngoài ra, kích thước nhỏ của tên lửa TKB-1055 giúp nó có thể mang theo số lượng tên lửa rất lớn, cho phép nó đẩy lùi các cuộc tấn công quy mô lớn bằng UAV. Trong quá trình chiến đấu, tùy thuộc vào kiểu loại mục tiêu xuất hiện trong khu vực sát thương của tổ hợp, máy tính trung tâm sẽ đưa ra quyết định sử dụng loại tên lửa phù hợp để đánh chặn mục tiêu.

Nhìn chung, hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-SMD-E là kết quả của sự phát triển có hệ thống các dòng thiết bị hiện có trong môi trường chiến đấu luôn thay đổi và xuất hiện các mối đe dọa mới. Thực tế chiến đấu đã cho thấy tiềm năng kỹ thuật của dòng Pantsir vẫn chưa được phát huy hết. Nó vẫn có thể được tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để tạo ra các phiên bản mới hơn trong tương lai nhằm cải thiện khả năng chiến đấu phù hợp với mọi không gian và tình huống chiến đấu khác nhau.

Nếu bạn quan tâm tới thông tin về các loại vũ khí quân sự, hãy theo dõi thêm các bài viết phân tích chuyên sâu của Đài Hà Nội bằng cách bấm VÀO ĐÂY

Huy Thành

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/pantsir-smd-e-he-thong-phong-khong-dang-gom-cua-nga-270529.htm