Phá băng dự án 'treo' nghìn tỷ

Dự án cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức, TPHCM) có tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng. Công trình này được khởi công từ tháng 6/2016 và hạn định thời gian hoàn thành vào năm 2018 nhưng đến nay đã 5 năm nằm 'phơi sương' với chỉ 39% khối lượng được thi công.

Lãnh đạo UBND TPHCM kiểm tra, đôn đốc các dự án “treo” vào giữa tháng 4/2023.

Lãnh đạo UBND TPHCM kiểm tra, đôn đốc các dự án “treo” vào giữa tháng 4/2023.

Ảnh hưởng đến đời sống người dân

Từ đầu năm 2023, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các đơn vị liên quan đã khảo sát 4 công trình/dự án “treo” trên địa bàn, trong đó có dự án cầu Nam Lý. Sau buổi khảo sát, lãnh đạo chính quyền thành phố đã nhìn nhận một thực tế khi việc chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các dự án “treo” đã làm giao thông đi lại ở những khu vực này khó khăn, hơn nữa cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của cả thành phố. Và ngay giữa tháng 4/2023, UBND TP Thủ Đức phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM đã tổ chức lễ bàn giao mặt bằng và tái khởi động xây dựng cầu Nam Lý sau 5 năm “đóng băng”.

Cùng với cầu Nam Lý, UBND TP Thủ Đức đã chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết vướng mắc tại 4 dự án giao thông đã thi công “treo” nhiều năm qua, gồm các công trình cầu Tăng Long, Ông Nhiêu và Ông Bồn, trong đó chủ yếu còn vướng về công tác đền bù GPMB.

Không chỉ riêng TP Thủ Đức, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa qua đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và UBND TPHCM tháo gỡ khó khăn cho hơn 100 dự án bất động sản trên địa bàn TPHCM. Các dự án này do vướng mắc và khó khăn khách quan, đã chậm triển khai so với dự kiến, nhất là vướng mắc tồn đọng về pháp lý.

Theo đại diện HoREA, các dự án khó khăn về pháp lý chiếm khoảng 70%, trong đó một phần do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là bề nổi của tảng băng chìm khi giám sát của Ban Đô thị - Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM về thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có Nghị quyết của HĐND TPHCM đã chỉ ra những con số đáng chú ý.

Cụ thể, trong số hơn 1.440 dự án được thông qua, hiện TPHCM mới chỉ có hơn 400 dự án đã hoàn thành và còn tới hơn 700 dự án đang triển khai. Có hơn 300 dự án được đưa vào diện rà soát để đưa ra khỏi Nghị quyết của HĐND TPHCM vì quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai. Cũng từ năm 2016 đến nay, HĐND TPHCM đã ban hành 11 nghị quyết thông qua về công tác thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM đã nêu kiến nghị tại HĐND thành phố về vấn đề người dân nhiều nơi trên địa bàn thành phố rất bức xúc về các dự án “treo” và đề nghị chính quyền phải mạnh tay xử lý các dự án này, nhất là các “siêu” dự án kéo dài trên 10 năm. Bởi vì, chính các dự án này do chậm được triển khai đã và đang gây ra sự lãng phí rất lớn, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân.

Tháo gỡ vướng mắc

Một trong các dự án “treo” đầu tiên được UBND TPHCM mạnh tay thu hồi là Dự án khu phức hợp, trung tâm thương mại rộng 6,8ha ở tứ giác Nguyễn Cư Trinh (thường gọi là Khu Mả Lạng), ở trung tâm quận 1. Dự án này bị quy hoạch “treo” hơn 16 năm qua đã chính thức được thu hồi.

Trong thông báo kết luận của Ban cán sự đảng UBND TPHCM tại cuộc họp mới nhất vào giữa tháng 4/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tư pháp được giao làm việc, từ chối nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco vì không có cơ sở xem xét đề xuất tiếp tục thực hiện dự án này. Như vậy, qua một thời gian dài, người dân quận 1 (TPHCM) đã được tháo gỡ và trả lại toàn bộ các quyền lợi về nhà, đất và bình thường trở lại các sinh hoạt, kinh doanh buôn bán thường nhật như trước đây.

Dự án trên không phải là dự án hiếm hoi đang được UBND TPHCM quyết tâm thu hồi, giải tỏa để đảm bảo quyền lợi của người dân. Hiện nay, hơn 300 dự án “treo” đang được HĐND TPHCM đưa vào diện rà soát để đưa ra khỏi Nghị quyết của HĐND thành phố do chậm thi công.

Liên quan đến kế hoạch này, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM nêu đề xuất, các dự án đã đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất thì phải có lộ trình điều chỉnh quy hoạch để người dân thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng.

Theo ông Thắng, nếu dự án đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất nhưng Nhà nước chưa điều chỉnh quy hoạch cũng sẽ khiến người dân tại các khu vực dự án vẫn bị “treo” quyền lợi về nhà, đất, do đó cũng chưa giải quyết được căn cơ bất cập.

Hiện nay, UBND TPHCM cũng đang chỉ đạo Sở TNMT rà soát kỹ các dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trước khi trình HĐND TPHCM thông qua.

Theo kế hoạch, UBND TPHCM sẽ thành lập Tổ công tác để phối hợp với TP Thủ Đức và các quận, huyện để chủ động rà soát các vấn đề tồn đọng của từng địa phương. Từ đó, xây dựng kế hoạch giải quyết, nâng cấp lên thành Ban chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan đến dự án “treo”.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/pha-bang-du-an-treo-nghin-ty-5715297.html