Phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút bảo hiểm xã hội một lần

Về bảo hiểm xã hội một lần, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút bảo hiểm một lần.

Cần có giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động

Ngày 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) nhận thấy, dự án Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã đặt ra nhiều vấn đề sâu sắc và tương đối toàn diện.

Bên cạnh đó, Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ hơn về chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội và tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn, trở thành trụ cột an sinh xã hội chính, đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội trước áp lực già hóa dân số, tác động của cách mạng, khoa học công nghệ đến thị trường lao động và những bất cập trong bảo hiểm xã hội hiện hành; đảm bảo kế thừa, ổn định và phát triển.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu.

Đồng thời, rà soát hệ thống pháp luật liên quan và đánh giá tác động kỹ hơn các chính sách mới như là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, giảm thời gian đóng bảo hiểm… để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, đặc biệt là các nguồn lực tài chính, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội, khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội. Rà soát kỹ về quyền, trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là vấn đề xử lý vi phạm các đối tượng trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Góp ý về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga băn khoăn là tính khả thi trong tổ chức thực hiện và đề nghị ngoài thủ tục hành chính đơn giản thì Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích bước đầu bù đắp một phần đối với các đối tượng này; có chính sách bảo hiểm bắt buộc linh hoạt theo nguyên tắc đóng ít - hưởng ít, đóng nhiều - hưởng nhiều để tạo sự lựa chọn và sự hấp dẫn cho người tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Về việc giảm các điều kiện tham gia tối thiểu để đóng hưởng lương hưu từ 25 năm xuống 15 năm, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị là cần tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp đồng bộ, tránh tình trạng làm nảy sinh các kẽ hở dẫn đến việc lợi dụng.

 Các đại biểu tại phiên họp.

Các đại biểu tại phiên họp.

Về bảo hiểm xã hội một lần, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút bảo hiểm một lần. Dự thảo Luật đề xuất 2 phương án, Đại biểu cho rằng phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên là phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, Luật có thể xem xét thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn.

Đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động

Cùng quan tâm đến dự án Luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) bày tỏ tán thành đối với tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội. Luật Bảo hiểm xã hội lần này được sửa đổi cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết 28 Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quan tâm tới Chương III quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, Đại biểu cho biết, Điều 20 dự thảo quy định đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028; 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) thảo luận.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) thảo luận.

Mặt khác, khoản 1 Điều 21 dự thảo quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác theo quy định của Chính phủ. Theo đó, độ tuổi quy định tại Điều 21 khác với độ tuổi mà người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng chế độ hưu trí quy định tại Điều 64 dự thảo và Điều 169 Bộ luật Lao động...

Nữ Đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định như vậy vừa mâu thuẫn giữa Điều 20 và Điều 21, vừa gây khó hiểu trong quá trình thực thi; mà thực chất đây là chính sách trợ cấp cho người cao tuổi chưa được hưởng bất kỳ một chế độ nào. Để dễ hiểu và thuận lợi cho quá trình thực hiện, Đại biểu đề nghị gộp quy định tại Điều 20 và Điều 21 thành một điều chung là đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sửa lại như sau “Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác theo quy định của Chính phủ”.

Đại biểu nhấn mạnh, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội là một chính sách hết sức nhân văn, được nhiều cử tri và nhân dân mong đợi. Với quy định như vậy đã thể chế hóa một bước chủ trương điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của Nghị quyết số 28 nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đối.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phai-quy-dinh-het-suc-chat-che-khat-khe-dieu-kien-duoc-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-post273652.html