Phân biệt chứng sa sút trí tuệ và bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi

Khi người già mắc bệnh trầm cảm, nhu cầu tương tác xã hội sẽ giảm. Họ có thể lẫn lộn giữa các mốc thời gian và sự việc, điều này có thể bị nhầm lẫn với chứng sa sút trí tuệ.

 Cần phân biệt giữa chứng sa sút trí tuệ và bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi. Ảnh: Một cảnh trong phim Curtain call.

Cần phân biệt giữa chứng sa sút trí tuệ và bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi. Ảnh: Một cảnh trong phim Curtain call.

Chúng ta cần phải phân biệt chứng sa sút trí tuệ với chứng trầm cảm, hay được gọi với cái tên đặc biệt ‘chứng sa sút trí tuệ giả’. Trong chứng sa sút trí tuệ, sự suy giảm chức năng trí tuệ bắt đầu trước các triệu chứng trầm cảm và thời điểm không rõ ràng.

Thêm nữa, bệnh nhân không bận tâm tới triệu chứng của bản thân, và trong tình huống căng thẳng họ sẽ dễ rơi vào trạng thái bị kích động khi nhận ra mình có khả năng suy giảm về mặt nhận thức. Họ cũng thường né tránh, tỏ ra tức giận hoặc càu nhàu khi bị người khác hỏi. Đôi khi họ cố gắng để đưa ra câu trả lời phù hợp với câu hỏi nhất, nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Tiền sử gia đình mắc các bệnh về tâm thần không nhiều.

Mặt khác, chứng trầm cảm, hay còn được gọi với cái tên "sa sút trí tuệ giả", có các triệu chứng trầm cảm xuất hiện trước sự suy giảm chức năng trí tuệ, và có thời điểm khởi phát rõ ràng. Người bệnh thường than vãn cảm thấy khó chịu với triệu chứng của mình và chỉ trích bản thân một cách gay gắt.

Họ thường có dáng vẻ đờ đẫn, nét mặt u sầu, thể hiện sự bất an và lo lắng. Khác với chứng sa sút trí tuệ, người bị trầm cảm gần như không bao giờ bị rơi vào trạng thái hưng phấn, và thường trả lời "Tôi không biết" với những câu hỏi nhận được.

Tùy từng thời điểm sẽ xuất hiện những biến động trong khả năng ghi nhớ của họ. Khi họ không cố gắng để trả lời câu hỏi của người khác trông họ khá giống với người bệnh mắc chứng sa sút trí tuệ. Tiền sử gia đình mắc các bệnh về tâm thần khá phổ biến.

Bạn cần phải phân biệt giữa chứng sa sút trí tuệ với suy giảm nhận thức thông thường do tuổi già. Lão hóa bình thường có các triệu chứng nhẹ và hầu như không có trở ngại nào đối với cuộc sống hàng ngày hoặc đời sống xã hội.

Suy giảm nhận thức bình thường, mức độ nhẹ (tiền sa sút trí tuệ) và sa sút trí tuệ sớm không dễ phân biệt với nhau nên cần phân biệt chúng thông qua các kiểm tra nhận thức thần kinh và kiểm tra hình ảnh não.

Cần phân biệt giữa chứng sa sút trí tuệ và chứng trầm cảm, được gọi với tên đặc biệt "chứng sa sút trí tuệ giả". Với "chứng sa sút trí tuệ giả" các triệu chứng trầm cảm sẽ xuất hiện trước sự suy giảm chức năng trí tuệ, và có thời điểm khởi phát rõ ràng. Người bệnh thường hay tự trách móc bản thân, nét mặt u buồn, tỏ ra lo lắng và bất an. Hãy cố gắng phân biệt chứng sa sút trí tuệ với suy giảm nhận thức thông thường và suy giảm nhận thức ở mức độ nhẹ.

Khi phải đến bệnh viện để khám vì lúc nhớ lúc quên, tùy vào từng bệnh viện bạn sẽ nhận được kết quả có chút khác biệt, nhưng nhìn chung sau khi được bác sĩ tư vấn, bạn sẽ tiến hành ba xét nghiệm thông thường.

Đầu tiên là xét nghiệm chức năng nhận thức thần kinh để đánh giá khả năng nhận thức thông thường, khả năng tập trung, khả năng ghi nhớ, chức năng ngôn ngữ, khả năng phân biệt không gian - thời gian, chức năng điều hành thùy trán. Bác sĩ sẽ kiểm tra chỉ số xem cao hơn hay thấp hơn bình thường để xác định xem đó là chứng sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức ở mức độ nhẹ hay trạng thái bình thường. Và làm kiểm tra hình ảnh não bộ.

Phương pháp phổ biến nhất là chụp cộng hưởng từ (MRI), và tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành chụp cắt lớp vi tính não (CT), chụp cắt lớp vi tính phát xạ photon đơn (SPECT) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET). Cuối cùng, là tiến hành xét nghiệm máu.

Ngoài các xét nghiệm máu thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm cả các yếu tố nguy cơ gây ra chứng sa sút trí tuệ như vitamin, axit folic, chức năng tuyến giáp và phân biệt với các bệnh lý khác. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ làm thêm cả xét nghiệm di truyền.

Sau khi trao đổi với bác sĩ về bệnh sử, tiền sử bệnh án và tiến hành tất cả các xét nghiệm trên, chẩn đoán chính xác sẽ được đưa ra. Ngày nay, mỗi khu vực đều có một trung tâm hỗ trợ chứng sa sút trí tuệ cung cấp miễn phí các bài kiểm tra chức năng nhận thức thần kinh cơ bản hàng năm, bạn nên đến những nơi như vậy và sử dụng dịch vụ của họ. Nếu có bất thường xuất hiện, trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ liên kết để bạn đến bệnh viện.

Nếu nhận được chẩn đoán bị mắc chứng sa sút trí tuệ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp và trong một số trường hợp, họ sẽ khuyến nghị bạn điều trị bổ sung như rèn luyện nhận thức. Bệnh sa sút trí tuệ có mức độ nghiêm trọng khác nhau từ nhẹ đến nặng, nên khi nhận được kết quả bị mắc chứng sa sút trí tuệ bạn không cần phải sợ.

Có nhiều bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ thời kỳ đầu không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Bạn chỉ cần quản lý tốt để ngăn chặn các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

Gần đây, các kết quả phát triển thuốc mới đang lần lượt xuất hiện, nên chờ thêm một thời gian nữa, tôi mong đợi chúng ta sẽ được nghe tin vui. Cùng với điều trị bằng thuốc, bạn nên tiến hành điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc như liệu pháp can thiệp nhận thức.

Lee Kang Joon/ Light books & NXB Thanh niên

Nguồn Znews: https://znews.vn/phan-biet-chung-sa-sut-tri-tue-va-benh-tram-cam-o-nguoi-lon-tuoi-post1506387.html