Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi: Sớm tháo gỡ những bất cập

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa hoàn thành đợt giám sát về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố về 'Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020'. Qua giám sát, nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đã được làm rõ, là cơ sở để sớm xây dựng giải pháp ổn định ngân sách giai đoạn 2021-2025.

Huyện Hoài Đức được định hướng phát triển thành quận đến năm 2025, nhưng hiện còn khoảng cách khá xa so với tiêu chí tự cân đối thu, chi ngân sách. Ảnh: Mạnh Hà

Bất cập từ thực tiễn

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết, qua giám sát tại địa phương, bên cạnh những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 5-12-2016 thì vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Bởi hiện nay, 20/30 đơn vị hành chính cấp huyện và hầu hết đơn vị hành chính cấp xã chưa tự cân đối được thu, chi ngân sách. Đặc biệt, các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì dù đã được định hướng phát triển thành quận đến năm 2025, nhưng cũng còn khoảng cách khá xa với tiêu chí tự cân đối thu, chi ngân sách và không đủ nguồn lực để hoàn thành tiêu chí lên quận. Cùng với đó, nhiều địa phương phụ thuộc nhiều từ khoản thu tiền sử dụng đất, nên nguồn thu bấp bênh, dẫn đến nhiệm vụ chi cũng không ổn định.

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân, quá trình tổ chức thực hiện quy định về phân cấp nhiệm vụ chi gắn với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội trong một số lĩnh vực còn bất cập. Ví dụ, công trình thủy lợi, đường bộ, công viên cây xanh, chiếu sáng công cộng, thoát nước đô thị thuộc địa bàn các quận, huyện, thị xã, nhưng nhiệm vụ chi của cấp thành phố. Vì thế, khi xảy ra hỏng hóc muốn sửa chữa, thay thế mất rất nhiều thời gian.

Bà Ngô Thị Xuyến (phường La Khê, quận Hà Đông) cho biết, bóng đèn điện ở trục đường chính của phường hỏng, người dân phản ánh đến chính quyền để thay thế, sửa chữa, nhưng phải đợi rất lâu. Bởi, từ phản ánh của người dân, chính quyền phường phải thông tin đến UBND quận, sau đó quận tổng hợp gửi cấp thành phố để thực hiện.

Ngoài ra, theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân, bất cập nhất hiện nay là lĩnh vực thủy lợi. Khi xảy ra mưa úng ngập các kênh mương nội đồng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, người dân kiến nghị, muốn nhanh chóng giải quyết thì huyện chi kinh phí nạo vét, khơi thông hệ thống tưới tiêu. Khi thực hiện xong, huyện báo cáo thành phố, thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, nhưng Sở lại “kêu” thiếu kinh phí.

Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, nguyên nhân của bất cập trên là việc ban hành Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố về phân cấp quản lý kinh tế - xã hội còn có một số nội dung chưa cụ thể. Nghị quyết 08/2016/NQ-HĐND về phân cấp một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, ngoài các nội dung ban hành theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND, một số lĩnh vực khác giao UBND thành phố tiếp tục rà soát, trình HĐND thành phố, song đến nay tiến độ thực hiện các nội dung này chưa như mong muốn. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện phân cấp, một số địa phương chưa chủ động cân đối ngân sách để bố trí dự toán cho nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm của cấp mình, trong khi còn số kết dư lớn vẫn đề nghị ngân sách cấp trên hỗ trợ, dễ dẫn đến cơ chế “xin - cho”.

Nhiều cách tháo gỡ

Từ thực tế quản lý ở cơ sở, lãnh đạo các quận, huyện đã kiến nghị một số biện pháp để thay đổi thực tế. Trong đó, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng đề xuất, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cần theo nhóm để tập trung nguồn lực, trong đó 5 huyện đang thực hiện đề án lên quận cần đưa vào một nhóm để thành phố có chính sách hỗ trợ chung. Cùng với đó, trong phân cấp nhiệm vụ chi thì thành phố cũng cần phân cấp cả về thủ tục hành chính, vì hiện nay lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy dù đã có nhiệm vụ chi nhưng thủ tục lại do thành phố phê duyệt.

Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải, thành viên Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố nêu quan điểm, thông thường cấp quận, huyện đều muốn thành phố phân cấp hơn. Ngược lại sở, ngành thì muốn “kéo” lên thành phố với lý do cấp quận, huyện chưa “đủ tầm”. Vì thế, việc kiến nghị của cấp quận, huyện phải trong khung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phép ra sao...

Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà, trên cơ sở những bất cập, khó khăn của các địa phương, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu UBND thành phố phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp. Theo đó, về phân chia định mức tài chính, sẽ kế thừa định mức chi cũ do vẫn bảo đảm phù hợp; tính toán tỷ lệ trượt giá hằng năm và cập nhật, bổ sung định mức phân bổ ngân sách đối với các phát sinh thêm trong thời kỳ ngân sách 2021-2025.

Ông Nguyễn Việt Hà cũng khẳng định: “Sở Tài chính sẽ tham mưu cho thành phố chia 3 nhóm để phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho sát thực tiễn, tránh bất cập như hiện nay. Trong đó, nhóm 12 quận sẽ tự cân đối ngân sách; nhóm 5 huyện đang thực hiện đề án lên quận sẽ có cơ chế đặc thù. Nhóm các huyện, thị xã còn lại sẽ giao mức thu, chi tối đa, nếu không cân đối được thì thành phố cấp bổ sung”.

“Việc chia nhóm để phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giai đoạn 2021-2025 là cần thiết, để không tạo khoảng cách quá xa trong cùng một nhóm, bảo đảm tính đồng bộ chính sách. Vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận để đi đến sự thống nhất, tạo đà cho các địa phương phát triển trong giai đoạn tới”, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/965880/phan-cap-nguon-thu-nhiem-vu-chi-som-thao-go-nhung-bat-cap