Phấn đấu cuối năm 2020 tất cả các xã đều đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Ngành Tư pháp Hà Tĩnh và các địa phương hiện đang tích cực vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (tiêu chí 18.5 trong xây dựng NTM). Qua đó phấn đấu đến cuối năm nay sẽ cho thêm 20 xã đạt chuẩn và đến cuối năm 2020 tất cả các trên địa phương đều hoàn thành tiêu chí này.
Theo anh Trần Viết Lượng - cán bộ Tư pháp xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh) - đơn vị về đích NTM năm 2018 thì việc thực hiện tiêu chí 18.5 hiện nay ở cơ sở là khá khó bởi có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí nhỏ nên cần sự tập trung cao, làm thường xuyên, phối hợp đồng bộ. Cùng với đó, việc thực hiện phải liên tục và được công nhận theo từng năm (có thể năm này đạt, năm sau không đạt), nên phải có sự chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc thường xuyên của chính quyền.
Để đạt chuẩn tiêu chí 18.5, xã đã phải tổ chức 87 cuộc tuyên truyền PBGDPL cho 9.234 lượt người, 8 cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho 3.500 lượt người tham gia, thực hiện 657 lượt trên hệ thống truyền thanh xã về pháp luật; tổ chức 11 cuộc đối thoại với 480 người dân; giải quyết các thủ tục hành chính kịp thời, đầy đủ, chính xác, minh bạch; hòa giải 63 vụ tranh chấp, trong đó 57 vụ hòa giải thành...
Tương tự, để Đức Thọ thực hiện tiêu chí 18.5 đạt kết quả cao, Phòng Tư pháp huyện Đức Thọ đã chủ động vào cuộc và làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, nhất là trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, về cơ sở để đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, duy trì chế độ giao ban, nắm bắt tiến độ, xác định rõ các phần việc cần làm. Nhờ vậy, vai trò, ý nghĩa của tiêu chí 18.5 đã được nhận thức đầy đủ hơn, thực hiện có hiệu quả và bình quân hàng năm đều có trên 95% xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Ông Trần Cao Cường - Trưởng phòng Tư pháp huyện Đức Thọ thông tin thêm: “Để xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đúng thực chất và hiệu quả, hằng năm, huyện đã kịp thời ban hành các công văn, kế hoạch, chương trình hành động gắn với hướng dẫn, đôn đốc triển khai. Trong thực hiện luôn đặc biệt chú trọng đến mục tiêu, nguyên tắc, nội dung thực hiện, điều kiện công nhận, quy trình đánh giá, cách thức đánh giá...”
Thực tế cũng cho thấy, những năm qua, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã khá chủ động trong việc tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện tiêu chí do ngành đảm nhận và ban hành 18 văn bản có liên quan.
Các phòng tư pháp cấp huyện cũng căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, nhiệm vụ của ngành ban hành bình quân khoảng 15 văn bản tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, hàng năm các phòng tư pháp cũng đã tập huấn được gần 280 cuộc, mỗi cuộc trên 100 người tham dự về nội dung này...
Ông Nguyễn Thành Trung - Phó trưởng phòng Tuyên truyền PBGDPL (Sở Tư pháp) cho biết: “Mặc dù gặp những khó khăn nhất định nhưng đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 173 xã đạt 5 nội dung của xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là đảm bảo thi hành hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND xã; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Các địa phương có tỷ lệ đạt chuẩn cao như Nghi Xuân, Can Lộc, thành phố Hà Tĩnh, Vũ Quang, Đức Thọ.... Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có thêm 20 xã nữa đạt chuẩn tiêu chí 18.5 và phấn đấu đến cuối năm 2020, tất cả các xã trên địa bàn sẽ đạt chuẩn tiêu chí do ngành phụ trách.”
Cũng theo ông Trung, việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã có nhiều tác động tích cực đến tình hình phát triển KT-XH của địa phương và góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội của chính quyền, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, đảm bảo tốt hơn các quyền của người dân ở cơ sở, nhân dân được thông tin đầy đủ và kịp thời hơn các thông tin pháp luật...
Tiến Phúc