Phấn đấu hằng năm giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số

Chiều 18-9, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS&MN) và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.

Lực lượng BĐBP có nhiều mô hình phát triển kinh tế, giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: Viết Hà

Lực lượng BĐBP có nhiều mô hình phát triển kinh tế, giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: Viết Hà

Báo cáo trước UBTVQH, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 3,04 triệu hộ, 13,38 triệu người, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định vùng đồng bào DTTS&MN khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung là những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Nguyên nhân của tình trạng này là do vùng đồng bào DTTS&MN chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường…. Nguồn lực đầu tư phân tán, dàn trải; chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN.

“Từ nguyên nhân trên, rất cần thiết phải xây dựng Đề án để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc” - Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Theo Đề án, mục tiêu đến năm 2025: Thu nhập bình quân của người DTTS tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 3% đến 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2020; trên 90% đường ở thôn, bản được cứng hóa; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu dạy và học; 100% các tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp học; trên 90% trạm y tế xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; trên 90% phụ nữ được khám thai ít nhất 3 lần trong kỳ mang thai, sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 8%...

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án để tập trung đầu tư nguồn lực, nhân lực xây dựng vùng DTTS và miền núi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái, đưa vùng DTTS&MN dần tiến kịp với vùng có điều kiện phát triển. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị: Chính phủ sớm thực hiện việc xây dựng bộ tiêu chí phân định khu vực miền núi vùng cao; phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển trình UBTVQH ban hành để làm căn cứ xác định phạm vi, địa bàn tác động của Đề án, theo hướng tập trung vào “vùng lõi” của vùng DTTS&MN để ưu tiên nguồn lực cho những xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ sở thiết yếu, đặc biệt là giao thông, điện, nước sinh hoạt, bảo đảm an sinh xã hội và tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phan-dau-hang-nam-giam-3-ty-le-ho-ngheo-vung-dan-toc-thieu-so/