Phản ứng của LHQ sau khi Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine

Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký quyết định sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine hôm 30/9, Mỹ và Albania đã trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, lên án các cuộc trưng cầu dân ý 'bất hợp pháp' và kêu gọi các nước không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với biên giới Ukraine.

Đại sứ Nga tại LHQ dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an hồi tháng 5. Ảnh: AFP.

Đại sứ Nga tại LHQ dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an hồi tháng 5. Ảnh: AFP.

Nga phủ quyết văn kiện LHQ lên án sáp nhập lãnh thổ Ukraine

Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi Nga rút quân lập tức khỏi Ukraine, chấm dứt chiến dịch quân sự bắt đầu từ cuối tháng 2. Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực, bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết này.

Đại sứ Nga Vassily Nebenzia cho rằng, việc Hội đồng Bảo an xem xét nghị quyết lên án một trong 5 thành viên thường trực, vốn có quyền phủ quyết, là chưa từng có tiền lệ.

Nga là thành viên duy nhất phủ quyết dự thảo nghị quyết, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Gabon bỏ phiếu trắng. Các thành viên còn lại bỏ phiếu thuận, trong đó có Mexico, bên đang thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình cho xung đột Ukraine, và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, quốc gia từng không ủng hộ các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Nga.

Dự thảo nghị quyết nhiều khả năng sẽ được đưa ra trước Đại hội đồng LHQ, nơi tất cả các thành viên đều có quyền bỏ phiếu.

Mỹ, Anh, Canada áp trừng phạt mới chống Nga vì sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, ngày 30/9, Mỹ đã áp đặt loạt lệnh trừng phạt lớn đối với Nga sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine. Các lệnh trừng phạt này nhắm vào hàng trăm cá nhân và thực thể Nga, bao gồm những công ty trong tổ hợp công nghiệp-quân sự và các nhà lập pháp Moscow.

Đại sứ quán Nga tại Mỹ chưa bình luận về vụ việc.

Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ cảnh báo rằng bất kỳ ai bên ngoài Nga, kể cả các công ty, cung cấp hỗ trợ chính trị, kinh tế hoặc vật chất cho Moscow đều phải đối mặt nguy cơ trừng phạt cao.

Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 57 thực thể Nga và Crimea vào danh sách đen xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ đóng băng tất cả tài sản của những nhóm đối tượng này ở Mỹ và cấm người Mỹ giao dịch với họ.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 cá nhân trong khu liên hợp công nghiệp-quân sự Nga, 2 lãnh đạo ngân hàng trung ương, người thân của các quan chức cấp cao, và 278 nghị sĩ Moscow "vì đã tạo điều kiện cho Nga tiến hành cuộc trưng cầu dân ý giả mạo và cố gắng sáp nhập lãnh thổ Ukraine".

Danh sách quan chức Nga chịu tác động từ lệnh trừng phạt mới của Mỹ có Phó Thủ tướng Alexander Novak; Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Washington kỳ vọng các biện pháp trừng phạt này sẽ làm giảm khả năng quân sự của Nga, “làm suy yếu các ngành quan trọng của Moscow như lĩnh vực công nghệ, công nghiệp và quốc phòng.

Cùng ngày, Canada cũng thông báo áp đặt lệnh trừng phạt mới chống Nga nhắm vào hàng chục nhà tài phiệt, giới tài chính. Bên cạnh đó, Canada cũng mở rộng danh sách trừng phạt với 35 đại diện của Donetsk và Lugansk, Zaporozhye và Kherson.

Chính phủ Anh hôm 30/9 cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, đồng thời áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Moscow.

Tổng hợp

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/phan-ung-cua-lhq-va-mot-so-nuoc-sau-dong-thai-cua-nga-d211571.html