Pháp hành Bát Chính đạo trong kinh Đại Bát Niết Bàn

Bát Chính đạo chính là phương pháp tu phổ biến cho tại gia lẫn xuất gia trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào cũng có thể thực hiện được. Tu tập Bát Chính đạo chính là tu tập thân – khẩu – ý của chúng ta

Tác giả: Thiên Di

Dẫn nhập

Đức Phật đã từ giã trần gian vào ngày trăng tròn của tháng Vesak dưới bóng mát của tàng cây sa-la song thọ trong rừng sa-la xứ Mallas. Hành trình cuối đời và những lời dạy của đức Phật được diễn tả trong kinh Đại Bát Niết Bàn, là bài kinh dài nhất trong Trường Bộ kinh. Như một người cha khi thấy mình không còn hiện hữu bao lâu nữa trên thế gian này, bao giờ cũng thiết tha nói lên những ước vọng chân thật nhất của mình. Cho dù tấm thân tứ đại này đang chịu sự chi phối của bệnh tật nhưng Ngài vẫn với lòng đại bi mẫn nói pháp, độ vị đệ tử cuối cùng là Subhadda. Trong bài pháp này nhấn mạnh tầm quan trọng của Bát Thánh đạo đối với việc thành tựu Tứ Thánh Quả.

Đức Phật giảng Bát Chính đạo trong hầu hết các bài giảng của Ngài. Toàn bộ sự thực hành giáo pháp của đức Phật đều dựa trên nền tảng Bát Chính đạo, chính là con đường trung đạo mà sa môn Gotama sau sáu năm khổ hạnh rừng già không đưa đến kết quả, đã dốc tâm thực hành và nhờ đó đạt đến giác ngộ tối thượng. Tìm hiểu về Bát Chính đạo, qua đó hiểu rõ hơn về con đường hành trì mà ba đời chư Phật đều bước đi và những ảnh hưởng sâu rộng của Bát Chính đạo trong đời sống tu tập.

Trên cơ sở đó, có thể khai thác những giá trị cao đẹp trong giáo lý Phật Đà về con đường chấm dứt khổ đau, đạt được giác ngộ giải thoát đang rất cần những nghiên cứu cơ bản và hệ thống. Nhất là với tư cách của một tu sĩ, với tâm nguyện tự độ, độ tha, cần cầu tu học, người viết rất thao thức, mong được tìm hiểu một cách rõ ràng pháp hành trì của Phật giáo mà hằng ngày mình tu học, ngõ hầu làm hành trang cho mình trên bước đường “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Do vậy, đề tài “Pháp hành Bát Chính đạo trong kinh Đại Bát Niết Bàn” được chọn để nghiên cứu.

Khi nói đến Bát Chính đạo là nói đến con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát. Tuy nhiên điều đó quả thật là khó đối với chúng ta, những người đang trong kiếp ngũ trược và trong thế giới đầy xa hoa cám dỗ của công nghệ hiện đại. Vì vậy người viết chỉ phân tích Bát Chính đạo Như một đời sống cao thượng mà mỗi người trong chúng ta ít nhiều vốn sẵn bản tính thiện, dễ dàng hành theo. Để hiểu rõ thêm những trọng yếu của vấn đề, người viết đã sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp để nghiên cứu và trình bày. Bên cạnh đó đưa ra phương pháp so sánh để làm rõ vấn đề.

Ảnh: St

Ảnh: St

Chương 1: Giới thiệu chung về Bát Chính đạo

Trong lời dạy độ vị đệ tử cuối cùng, đức Phật đã nhấn mạnh lại tầm quan trọng của Bát Chính đạo trong giáo pháp của Ngài:

“Này Subhadda, trong Pháp-Luật nào không có Bát Chính đạo, thời ở đây không có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng không có đệ nhị Sa-môn, ở đây cũng không có đệ tam Sa-môn, ở đây cũng không có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda trong Pháp-Luật nào có Bát Chính đạo, thời ở đây có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng có đệ nhị Sa-môn, ở đây cũng có đệ tam Sa-môn, ở đây cũng có đệ tứ Sa-môn.” (1)

1.1. Nguồn gốc của Bát Chính đạo

Đức Phật sau khi đạt đến giác ngộ hoàn toàn, Người đã đến hóa độ năm anh em Kiều Trần Như với bài Pháp Dhammacakka-ppavattanasutta tại Sānārth, Thế Tôn tuyên bố:

“Có hai cực đoan này, này các tỳ kheo, một người xuất gia không nên theo. Thế nào là hai? Một là đắm say trong các dục lạc, hạ liệt đê tiện, phàm phu, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các tỳ kheo, là con đường Trung Đạo do Như Lai Chính giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Và thế nào là con đường Trung đạo, này các tỳ kheo, do Như Lai Chính giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn? Chính là con đường Chính Đạo tám ngành, tức là: Chính tri kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định.” (2)

Lời tuyên bố đó là kết quả thực chứng của một quá trình sống và thực nghiệm lâu dài của đức Phật Gotama trải qua trước khi Ngài thành tựu giác ngộ viên mãn. Trước khi xuất gia Ngài được hưởng thụ tất cả dục lạc của thế gian. Trong kinh Māgandiya thuật câu chuyện Siddhattha từng sống hưởng thụ đầy đủ năm món dục lạc hàng tháng trời trong ba tòa lâu đài dành riêng cho Ngài (3). Lối sống ấy trong kinh Ariyapariyesanā Ngài gọi là lối sống bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm chi phối hay nếp sống phi thánh cầu (anariyā-pariyesanā):

“Này các tỳ kheo, trước khi giác ngộ, khi chưa chứng Chính Đẳng Chính Giác, khi còn là Bồ tát, ta tự mình bị sinh lại tìm cầu cái bị sinh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại đi tìm cầu cái bị bệnh, tự mình chết lại đi tìm cầu cái bị chết, tự mình bị ô nhiễm lại đi tìm cầu cái ô nhiễm.” (4)

Theo Ngài con người sống trong thế giới ấy khó thoát ra khỏi dục lạc. Kinh Cūladukkhakkhanda nêu lên sự kiện Ngài biết rõ mình khó thoát khỏi dục lạc khi mà vẫn chưa thoát khỏi sự trói buộc của gia đình để mà tìm thấy mục đích cao thượng hơn, dù Ngài hiểu rõ các dục vui ít khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn. Đức Phật nhận thức rằng dục lạc ấy chỉ có tính cách tạm thời và không đi vào chiều sâu của sự hài lòng.

Thực khó khi ở trong dục lạc mà có thể thực hành đời sống phạm hạnh thanh tịnh bởi vì dục lạc là những trải nghiệm đã bám chặt vào tâm chúng sinh nên Ngài đã từ bỏ ra đi tìm chân lý thực sự. Rồi sau khi xuất gia, Ngài trải qua quãng thời gian tu hành khổ hạnh. Ngài theo đuổi pháp môn bần cùng, cốt làm cho bản thân mình xấu đi, đọa đày thân xác, thực hành nếp sống viễn ly, xa rời tất cả các dục. Đại kinh Saccaka kể vì nhịn đói lâu ngày, thân thể của Ngài chỉ còn toàn da bọc xương, sức khỏe cạn kiệt đến nổi Ngài té xỉu nằm bất động bên thây ma hồi lâu mới tỉnh.

Lối sống khắc kỷ khổ hạnh bào mòn sức khỏe con người. Sa môn Gotama bắt đầu nhận ra sự vô ích của lối tu ép xác này. Cái sai lầm là thân xác làm nô lệ cho một tâm thức mà cội rễ của nó là dựa vào tham sân si. Việc nhận chân sự vô lý của lối sống hưởng thụ dục lạc và khắc kỷ khổ hạnh đồng nghĩa với việc tìm ra được con đường trung đạo, hướng đến mục tiêu hoàn thiện nhân sinh, chấm dứt khổ đau đạt được Niết bàn tịch tĩnh gọi là Bát Chính đạo. Như khi đánh một tiếng đàn, không quá cao cũng không quá thấp.

Chuyện đời con mắt trôi xuôi
Phủi tay giũ áo Phật ngồi Như sơn
Mấy tăng kì kiếp chẳng sờn
Trợ duyên chỉ một tiếng đờn đã xong.
(Toại Khanh)

Sự giác ngộ này mở đầu bằng việc nhận ra sự khổ đau của kiếp người và hướng đến con đường chấm dứt khổ đau thành tựu Niết Bàn.

Điều đó nằm trọn trong bài pháp đầu tiên mà Ngài giảng dạy cho năm người bạn đồng tu tại Sānārth, trong đó việc giải phóng con người ra khỏi khổ đau và con đường đưa đến đoạn tận khổ đau được nêu ra dưới dạng Tứ Đế. Nhận ra khổ đau (dukkha), khổ đau tập khởi, khổ đau đoạn diệt và thực hành con đường đưa đến khổ đau đoạn diệt. Đề cập phương thức chấm dứt khổ đau, xây dựng hạnh phúc cho con người thông qua việc thực hành Bát Chính đạo.

1.2. Vị trí của Bát Chính đạo trong Tứ Diệu Đế

Có thể thấy rằng trong Tứ Diệu Đế, Đạo Đế là giáo lý đóng vai trò hết sức quan trọng vì nó giải quyết mọi vấn đề mà đức Phật đã đưa ra. Như thấy khổ mà không có con đường đưa đến diệt khổ thì cái thấy ấy sẽ đưa đến sự tuyệt vọng, chán nản. Do đó sự có mặt của Đạo Đế trong Bát Chính đạo là để giải quyết khổ đau. Thấy rõ nguyên nhân của khổ mà không có con đường đưa đến chấm dứt nguyên nhân ấy thì thật là bế tắc, ngỏ cụt, bất lực, chưa phải là cái thấy tích cực.

Như vậy sự có mặt trong đạo đế là để tiêu diệt Tập đế. Tiếp đến, thấy Niết bàn hiển lộ, là nơi vắng mặt hoàn toàn khổ đau. Nhưng không có đường để đi đến, không có pháp để thực hành thì Niết bàn chỉ là ảo tưởng, xa xôi dịu vợi. Ví như người khi nghe nói Sa Pa đẹp, chỉ nghe nhưng không đi tới, chỉ nhìn Sa Pa trên ti vi hay sách báo thì không thể gọi là đã đến Sa Pa được. Giấc mơ chỉ là giấc mơ. Và như thế Đạo đế là để đi đến Niết bàn, để biến ước mơ thành sự thật. Do vậy Đạo đế đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện, truy tìm gốc rễ và giải quyết nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống.

Sở dĩ quan trọng vậy là do đạo đế có Ba mươi bảy Phẩm Trợ đạo. Và trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ đạo này Bát Chính đạo đóng vai trò chủ chốt. Tứ Niệm xứ sẽ hỗ trợ cho chính kiến, Tứ Chính cần hỗ trợ cho chính tinh tấn, trong Tứ Như Ý Túc thì yếu tố Dục Như Ý Túc hỗ trợ cho chính định...

Vì thế, khi thực hành Bát Chính đạo thì các yếu tố kia đều được thực hiện, đều có mặt. Cuộc sống muốn hướng đến giác ngộ giải thoát thì tất yếu phải thực hành Bát Chính đạo. Ta thấy rõ vai trò quan trọng của Đạo đế trong Tứ Diệu Đế, Nhưng Bát Chính đạo lại là tinh hoa cốt tủy của Đạo đế. Vì Bát Chính đạo là con đường duy nhất thoát ly khổ đau, đi đến Niết bàn: “Con đường yên ổn, an toàn đưa đến hoan hỉ, chỉ cho con đường Chính đạo tám yếu tố.” (5)

1.3. Khái niệm về Bát Chính đạo

Bát Chính đạo là dịch từ chữ Āriyā- Atthangika – Magga của Pālị và từ chữ Āryāshtāngamārga của Sanskrit. Nghĩa là con đường có tám thành phần, hay tám yếu tố. Tám yếu tố tạo nên con đường đi đến bậc Thánh rất hiện thực, rất chân thật. Nên bất cứ ai tu tập và thực hành đều có thể thành tựu được. Do thuộc tính hiện thực, chân thật ấy nên các học giả Trung Hoa phần nhiều dịch là Bát Chính đạo.

Về phương diện tục đế, lúc đang tu tập chưa nếm được hương vị giải thoát, nhưng biết rõ con đường để đi thì gọi là Bát Chính đạo. Chính đạo bao gồm cả phàm lẫn thánh. Còn đã tu tập vững chắc rồi, bắt đầu đi vào đạo lộ siêu thế thì gọi là Bát Thánh đạo. Con đường Bát Chính hay ba thành phần: Giới - Định - Tuệ. Ngắn gọn là thế nhưng thậm thâm vi diệu.

1.4. Ý nghĩa các chi phần Bát Chính đạo

1.4.1. Chính kiến (Sammā diṭṭhi)

Trong ý nghĩa cùng tột là hiểu biết thực tướng của cuộc sống. Muốn được vậy phải rõ ràng thông suốt Tứ đế. Thấu hiểu những chân lý này là thấu hiểu những uẩn khúc phức tạp của cuộc sống. Người thấu triệt trọn vẹn những chân lý này thật sự được gọi là sáng suốt chứng ngộ: “Khi nào vị Thánh đệ tử tuệ tri về khổ, tập khởi của khổ, đoạn diệt của khổ và con đường đưa đến đoạn diệt khổ, này chư Hiền, khi ấy vị Thánh đệ tử có chính kiến…”. (6)

Chính kiến quan trọng hơn tất cả, bởi vì nó hướng dẫn bảy chi phần còn lại của Bát Chính đạo. Chính kiến kiện toàn cho chính tư duy, làm cho những suy tư được đảm bảo và phối hợp với các ý nghĩ. Khi những suy tư và ý nghĩ đúng đắn, rõ ràng, thiện lương thì việc làm và lời nói cũng thuận xuôi theo đó. Hòa thượng Thiện Hoa trong Phật Học Phổ Thông định nghĩa rằng:

“Chính kiến là việc thấy, nghe, biết một cách ngay thẳng, công minh, đúng với sự thật khách quan. Sự nhận xét sự vật của người này không bị tập quán, thành kiến, dục vọng ngăn che hay làm sai lạc. Người có chính kiến biết phân biệt cái nào là giả, cái nào thật, không bị mọi vật che ám.” (7)

Để đạt được điều đó chúng ta phải trải qua một quá trình kiểm nghiệm thực tế và có sự nhận xét sâu sắc của trí tuệ. Chính kiến bao gồm cả sự hiểu biết và sự nhận thức của một quá trình kinh nghiệm. Nếu không thể nghiệm thực tế mà chỉ biết dùng suy nghĩ của mình để nhìn rõ bản chất của sự vật hiện tượng thì thật là khập khiểng.

Thượng tọa Nhật Từ có nhận định về chính tri kiến như sau:

“Kiến thức về Phật học chỉ là phương tiện dẫn đến chính tri kiến, không phải bản thân của chính tri kiến. Có áp dụng vào đạo đức, cách sống mới gọi là chính tri kiến thiết thực”. (8)

Nghĩa là người có học nhiều, có nghiên cứu giáo lý Phật thì có thể giảng dạy và phân tích, giải quyết các vấn đề một cách hợp lý. Tuy nhiên điều đó không thể nói lên rằng đây là người sống thuận hợp với đạo đức trong xã hội. Nên người có chính tri kiến là người hiểu đúng giáo lý Phật và áp dụng nó vào trong cuộc sống tu tập ứng xử hằng ngày. Nếu coi trang kinh là giấy trắng mực đen mà không mang trang kinh ấy vào lòng thì không thể gọi là người chính tri kiến. Người có chính tri kiến sẽ ý thức được nhân quả, sự tương quan trong nhân duyên để không bao giờ vi phạm vào giới luật. Hành vi và nhân cách của người đó luôn được củng cố, phát triển.

Câu chuyện về Vô Não có thể giúp ta nhìn rõ hơn về chính kiến. Ngài Vô Não vốn là một con người tài giỏi, đức hạnh. Nhưng rồi theo thầy tà xúi giục ông đi giết người nếu muốn đạt đến đỉnh cao của sự tu chứng. Tuy là người tài giỏi nhưng ông chưa đủ chính kiến để phân biệt được phải quấy thiện ác trong lời khuyên đó. Kết quả là ông trở thành một kẻ giết người khét tiếng bị đời xa lánh, ruồng bỏ. Do cái nhìn sai lệch, thiếu chính kiến ông đã gây ra nhiều ác nghiệp, phá hủy nhân cách của ông. Chỉ sau khi ông gặp đức Phật khai thông thì trở lại thiện lương, sống đời chân chính.

Kinh Pháp Cú nói rằng:

“Chân thật biết chân thật.
Ngoa ngụy biết là ngoa ngụy.
Đây gọi là Chính kiến.
Quyết được lợi chân thật.” (9)

Cái lợi ở đây được xem là sự nhận thức và đánh giá đúng về những sự kiện xung quanh do tu tập chính kiến mang lại. Nhờ vào chính kiến ta biết được việc nào sai quấy để tránh, biết việc nào thiện lương để hành trì, phát huy.

Như vậy, chính tri kiến giúp cho chúng ta chuẩn xác tầm nhìn về quy luật nhân quả, duyên khởi, đạo đức, hành trì, an vui, hạnh phúc. Thành tựu được chính tri kiến không phải nhất thời, không phải ngày sớm ngày muộn. Có khi phải mất nhiều kiếp tái sinh tu tập mới có thể hành trì được. Vai trò của chính tri kiến đi đầu trong Bát Chính đạo. Giá trị của chính tri kiến thấp nhất là đạt được hạnh phúc an lạc ngay trong cõi này, cao nhất là trở thành bậc Thánh vô lậu.

1.4.2. Chính tư duy (Sammā saṁkappa)

Suy tư chân chính, bao gồm những tư tưởng buông xả, thiện ý, không hận thù, không hung tợn và tư tưởng đầy bi mẫn.

Trong bản kinh Tất Cả Lậu Hoặc (Sabbāsava Sutta) thì chính tư duy được hiểu theo nghĩa Như lý tác ý hay chính tư niệm (Yoniso manasikāra) về Tứ đế. Còn trong Phật học Phổ thông thì định nghĩa:

“Chính tư duy là sự suy nghĩ chân chính, tư tưởng đúng lẽ phải. Người tu tập theo chính tư duy biết xét những hành vi lỗi lầm, những ý nghĩ xấu xa để sám hối.” (10)

Người luôn suy nghĩ về những lỗi lầm để sám hối là người đang tự chiến đấu với bản thân của mình, là phương pháp tối thiện để hoàn thành nhân cách của mình. Đức Phật đã dạy Ngài La Hầu La:

“Nếu khi suy luận con nhận định rằng, bây giờ hành động này mà ta đang làm là bất thiện, con phải sám hối và nói với bậc thầy tế độ hay bậc thiện tri thức hoặc đối với các đạo hữu trong đoàn thể. Đã sám hối thì con phải chừa, trong tương lai không được tái phạm. Như thế ấy con phải cố gắng luyện tập, luôn luôn suy nghĩ để giữ trong sạch mọi hành động bằng thân khẩu ý”. (11)

Người có chính tư duy luôn nghĩ về điều thiện để làm và tránh xa điều ác. Họ luôn cẩn thận trước lời nói hành động, luôn suy nghĩ đến lời Phật dạy rồi áp dụng vào cuộc sống. Khi còn là Thái Tử, đức Phật đã suy nghĩ đến những khổ đau của kiếp người rồi từ đó phát nguyện tìm ra con đường giải thoát khổ đau cho nhân sinh. Chúng ta hôm nay không bằng Phật thì ít nhất cũng suy nghĩ về những lỗi lầm mà ta đã gây ra cho người xung quanh, từ đó thành tâm sám hối và phát nguyện từ bỏ những sai quấy, những phiền não làm nhiễm ô tâm này thì đó cũng là chính tư duy.

Như vậy chúng ta cần tu tập chính tư duy để nhìn rõ sự vật, nhìn rõ cuộc đời mình rồi có hướng tích cực để cải thiện cuộc đời tốt đẹp hơn.

1.4.3. Chính ngữ (Sammavācā)

Là lời nói chân thực, lời nói đúng như sự hiểu biết, sự thấy và nghe. Như nói Tứ đế là sự thật cao quý ở đời. Trong kinh Phúng Tụng ghi lại rằng: “Bậc Thánh chỉ nói lên những gì có thấy, có biết, có nghe, có cảm thọ và không nên nói những gì không thấy, không nghe, không biết, không cảm thọ. Lời nói của bậc Thánh như vậy là lời nói chân thật”. (12)

Lời nói có một giá trị vô cùng lớn lao. Nhờ nó mà ta chuyển tải được những tư duy, tình cảm, ý kiến của mình đối với người khác. Nhưng nếu ta để cho “lưỡi không xương nhiều đường lắc léo”, tự do trở thành vô kỉ luật thì có thể trở thành một tai họa lớn lao. Chiến tranh, nhà tan cửa nát, gia đình li tán, huynh đệ thù hằn nhau chẳng phải do thiếu chính ngữ. Nếu con người có thể thuần hóa cái lưỡi của mình thì cuộc đời này tươi đẹp biết bao.

Ta vốn có sẵn một thứ tài sản quý báu, có thể làm cho những người sống bên cạnh bình an và hạnh phúc mà không phải tốn kém tiền bạc hay công sức. Không nên để cho những tư tưởng bất thiện chen lấn và ảnh hưởng đến lời nói. Người ta vẫn bảo: “đa ngôn đa quá”. Nói nhiều chắc chắn khó làm cho tâm lắng dịu và suy tư chân chính.

Đức Phật dạy: “Này chư Tỳ kheo, có năm điều bất lợi và năm điều hiểm họa trong lời nói dài dòng bất cẩn: người nói nhiều, không kiểm soát lời nói, sẽ thốt ra những lời giả dối, đâm thọc, thô lỗ, cục cằn và vô ích, và sau khi chết sẽ bị tái sinh vào cảnh xấu.” (13)

Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy rằng:

“Hãy đề phòng miệng lưỡi giận dữ.
Hãy thuần hóa lời tiếng của miệng.
Hãy từ bỏ điều ác của miệng lưỡi.
Hãy đem miệng lưỡi mà nói điều lành” (14)

Chính ngữ còn là lời nói hiện thực, không mơ hồ, là lời nói đưa đến thiết thực trong hiện tại. Chẳng hạn câu hỏi của Mālūnkya là lời nói không đưa đến lợi ích trong hiện tại khi ông hỏi đức Phật rằng: “Thế giới này là thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên… (15)” Đức Thế Tôn đã không trả lời ông những câu hỏi này vì nó không nhắm đến giải quyết khổ đau mà chỉ đưa đến tranh cãi hí luận.

Đức Phật cũng đã nói với Ngài Mục Kiền Liên: “Ta không nên nói điều tranh luận, vì sự bàn cãi chỉ khiến ta nói nhiều, khiến ta bị kích thích, khiến ta mất quân bình và khó ta khó định tâm trong thiền pháp.” (16)

Như vậy chính ngữ là lời nói chân thực, lời nói lợi ích, thiết thực, đúng như thật và nhằm hiển thị chân lý cho mọi người.

1.4.4. Chính nghiệp (Sammākammanta)

Chính nghiệp là sự hoạt động hợp lý, cách hoạt động hợp pháp. Người có hành động chân chính là người biết thận trọng mọi hành động, không vi phạm đạo đức, không tổn hại đến người khác. Đối với bổn phận trách nhiệm của mình mà thực hiện một cách nghiêm túc, hoàn thành công việc được giao thì cũng gọi là chính nghiệp. Khi nói về hành động chân chính đức Phật đã nhắc nhở như sau:

“Không vì bản thân, không vì tha nhân, không vì con, không vì của, không vì sự nghiệp, không vì ngai vàng mà làm điều ác; cũng không tìm thành công bằng phương tiện bất chính. Người như thế mới là người có đức hạnh, có trí tuệ, có theo giáo lý Phật dạy”. (17)

Nói tóm lại, bất cứ hành động nào của thân khẩu ý được điều động bởi tâm lý hữu ngã thì không phải là chính nghiệp. Sa di La Hầu La luôn được đức Phật nhắc nhở trước khi hành động thì phải dò xét và suy nghĩ kĩ càng rằng:

“Hành động này có hại cho ta hay có hại cho kẻ khác không. Hoặc có hại cho ta và cho kẻ khác. Vậy hành động này là bất thiện, hành động này đem lại phiền não và khổ đau. Hành động như vậy con phải suy tránh và không nên làm. Nếu mặt khác, khi suy luận, con nhận định rằng bây giờ chính là hành động mà ta muốn thực hiện sẽ không hại cho ta, cũng không hại cho kẻ khác, sẽ đem lại yên vui và hạnh phúc cho ta và cho kẻ khác, như vậy đó là hành động thiện, hành động như vậy con phải nên làm”. (18)

Những lời Phật dạy đã giúp con người nhận thức được việc làm của mình mà không lẫn lộn việc lành với việc ác, mọi hành vi đều hướng đến việc lành. Như vậy chính nghiệp khuyến khích các hành vi đạo đức dẫn đến khả năng mở rộng lòng từ bi hay tình thương đối với mọi hình thái của sự sống bằng cách từ bỏ sát sinh, trộm cắp tà hạnh.

1.4.5. Chính mạng (Sammājīva)

Chính mạng ngụ ý từ bỏ những nghề nghiệp bất lương trong xã hội, sinh sống bằng việc làm lương thiện. Người sống chính mạng tức là từ bỏ lối sống tà mạng và nuôi sống bằng chính mạng.

“Các nghề nghiệp như buôn bán người, vũ khí, thuốc độc, các chất say, sự lừa bịp hay tham lam đầu cơ tích trữ được xem là tà mạng theo quan điểm của Phật giáo.” (19)

Đối với hàng cư sĩ, người có nhân cách sống theo nghề nghiệp thiện lương, làm giàu bằng những phương tiện chân chính sẽ cảm thấy an ổn và hạnh phúc. Đức Phật đã nói về bốn loại hạnh phúc của hàng cư sĩ, trong đó có một loại hạnh phúc liên quan đến chính mạng, là hạnh phúc của người đã tạo nên tài sản do sự nỗ lực và cố gắng, khi nghĩ rằng tài sản này ta đã tạo nên nhờ sức lực của chân tay, mồ hôi và thọ lãnh một cách hợp pháp.

Còn đối với người xuất gia thì phải nuôi dưỡng sinh mạng bằng bốn thánh chủng. Đó là mặc y phấn tảo, thường khất thực, tĩnh tọa dưới gốc cây và thường dùng thảo dược để chữa bệnh. Tất cả đều trên cơ sở thiểu dục tri túc loại bỏ tham dục và phải luôn ý thức rằng tất cả những gì đang sử dụng chỉ là phương tiện thiện xảo để thực hiện một đời sống giác ngộ, giải thoát.

Đại đức Narada đã diễn tả công việc của đức Phật Như sau: “Trọn cả ngày đức Phật luôn bận rộn với công việc đạo pháp, ngoại trừ những lúc cần phải để ý đến vài nhu cầu vật chất. Chương trình hoạt động của Người được sắp xếp rất có quy củ và mực thước.” (20)

Đối với công việc đạo đức mà một Bậc Đại Chính Giác tận tâm, miên mật như vậy, thì chúng ta nên nguyện noi theo một điều nhỏ so với vô vàn công đức của Ngài.

Tóm lại, dù là người xuất gia hay tại gia hay bất cứ ai sống một đời sống đạo đức giả dối, lừa đảo thì không thể gọi là một đời sống chính mạng. Trái lại, sống một đời sống li tham, li các bất thiện pháp, sống bằng đạo đức chân thật thì gọi là chính mạng.

1.4.6. Chính tinh tấn (Sammāvāyāma)

Chính tinh tấn là sự nỗ lực hợp lý, sự cố gắng hợp lý. Nghĩa là thường xuyên đoạn trừ các phiền não đã sinh; thường xuyên phòng hộ tất cả các phiền não chưa sinh; sự nỗ lực thường xuyên làm sống dậy các thiện pháp. Người biết siêng năng sửa đổi bản thân mình, biết ngăn ngừa dứt trừ mọi việc làm ác, phát triển hạnh lành là người có chính tinh tấn.

Câu chuyện cảm động của sa di La Hầu La là một tấm gương cho ngàn đời sau học hỏi. Năm lên bảy tuổi, Ngài đã theo Phật xin gia tài và được Phật cho xuất gia làm sa di. Vào mỗi buổi sáng Ngài thức dậy thật sớm, ra ngoài hốt một mẫu cát tung lên và nguyện: “Mong hôm nay ta học được nhiều như bốc cát này.” (21)

Khi tinh tấn tu tập như vậy, dù tuổi nhỏ nhưng Ngài có cốt cách của bậc Đại trượng phu. Chúng ta có thể nghiền ngẫm những lời dạy trong câu Pháp cú sau, mà nếu cố gắng tu tập thì sẽ dẫn chúng ta tiến dần đến sự giác ngộ giải thoát:

“Ngày đêm mạng lần giảm. Nên tinh tấn kịp thời. Thế gian vô thường lắm. Đừng mê đọa tối tăm. Hãy thắp sáng ý thức. Huấn luyện mình, cần tuệ. Thanh tịnh lìa trần cấu. Cầm đuốc soi đường mê. Kẻ trí quý nhất thân. Luôn gắng học tinh cần. Siêng làm hạnh giáo hóa. Không mệt mỏi tu thân.” (22)

Vậy chính tinh tấn là động cơ then chốt đẩy mạnh sự tu tập tiến nhanh đến chính đạo vô lậu. Và đó cũng chính là yếu tố đánh tan mọi sự hèn nhát, phóng dật, thối thất.

1.4.7. Chính niệm (Sammāsati)

Chính niệm là sự nhớ nghĩ hợp lý đối với tự thân, đối với các cảm thọ, đối với các tâm lý, đối với các pháp và sắc pháp. Đây là phương pháp thực hành đặc biệt của Phật giáo nhằm dẫn đến việc từ bỏ tham ái và chấp thủ đối với các pháp sinh diệt hay hiện hữu. Hòa thượng Trí Quang giải thích chính niệm rằng:

“Chính niệm được dịch là nhớ nghĩ chính xác. Nó dẫn ra tự chế định tâm. Chính nó là sự tự ý thức, tự khẳng định, làm cho con Phật nhớ luôn luôn rằng mình là con Phật, rộng hơn, nó làm cho con người luôn luôn nhớ rằng mình là con người.” (23)

Khi chúng ta ý thức được mình là con người thì sẽ luôn hành động những điều tốt đẹp để lợi lạc cho mình và tha nhân. Những lời dạy cuối cùng của đức Phật còn nhắc nhở chúng ta không nên quên chính niệm, vì chính niệm là sức mạnh để ngăn ngừa những triền phược xâm nhập tâm trí và giúp chúng ta tự chiến đấu, tự tu tập với những ý niệm của riêng bản thân mình.

Khi trong tâm có chính niệm con người sẽ sáng suốt nhận ra được chân lý, có được nội tam an trú, tịch tĩnh. Từ nơi định tĩnh trí tuệ con người sẽ được phát triển, con người sẽ có ý thức biết kiểm soát những hành vi lời nói của chính mình. Tóm lại muốn được vậy, phải có chính niệm trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, động, tĩnh, thức, ngủ, thì mới là đang đi trên con đường trở thành bậc thánh.

1.4.8. Chính định (Sammasamādhi)

Chính định là sự thiền định đúng đắn, sự thiền định hợp lý do dựa trên nền tảng của giới, dẫn đến giác ngộ niết bàn. Thiền sư Nhất Hạnh giải thích Định như là một sự lắng tâm một cách tự nhiên, không gắng sức. Ví như một li nước táo không cần phải gạn lọc mà những cái xác táo nhỏ tuyệt đối vâng theo luật tự nhiên từ từ để mình rơi xuống đáy li. (24)

Đối với người xuất gia, chính định là yếu tố cần thiết đưa đến an định, giác ngộ giải thoát. Đối với người tại gia, chính định là yếu tố cần thiết cho tinh thần để giảm căng thẳng sau những giờ làm việc vất vả.

Định là một đặc tính của tâm, đưa tâm đến sự chú ý vào một đối tượng duy nhất để đối trị sự tán loạn, để đạt được sự quân bình cho tâm. Sự an ổn của tâm giúp cho con người phát triển trí tuệ. Đức Phật dạy chính định được tu tập cùng bảy chi phần khác của Bát Chính đạo dẫn đến chính trí, chính trí dẫn đến chính giải thoát.

Chương 2: Bát Chính đạo và các Pháp liên hệ

Ảnh: St

Ảnh: St

2.1. Bát Chính đạo với Tam Vô Lậu Học

Tam Vô Lậu Học là ba pháp học tập để dẫn đến đời vắng mặt lậu hoặc, tức là đời sống không rơi vào luân hồi. Tám chi phần của Bát Chính đạo cốt yếu khuyến khích và hoàn thành ba yếu tố đào luyện căn bản của Phật giáo gọi là Giới học (Sīla), Định học (Samādhi), và Tuệ học (Pañnã̄).

2.1.1. Nhóm Giới học

Các chi phần chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng liên hệ với giới học. Muốn thành tựu giới luật trọn vẹn thì phải sống chế ngự các căn với sự chế ngự của giới luật, thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, nhờ đó mà trang nghiêm thân khẩu ý, khiến giới được thành tựu.

2.1.2. Nhóm Định học

Định học liên hệ với chính tinh tấn, chính niệm và chính định. Định là kỉ luật tâm linh cần thiết đặt ra cho người tu tập. Định đối trị tán loạn, phóng dật lúc hành thiền. Muốn thành tựu định phải có một ý chí mạnh mẽ vượt qua sự giải đãi và tập khí của bản thân. Nhờ sự hỗ trợ của giới mà định dần dần phát sinh. Mặt khác nhờ vào quán Tứ Niệm xứ, sổ tức… sẽ giúp cho người tu dần dần nhận thấy được thực tướng của các pháp và đưa đến một trạng thái khoái lạc hoan hỉ.

2.1.3. Nhóm Tuệ học

Tuệ học liên hệ với chính kiến và chính tư duy. Tất cả mọi thành công trong cuộc đời đều bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn. Cũng chính vì tầm quan trọng đó mà người con Phật phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Muốn được thành tựu như vậy thì phải có cái thấy và tư duy như thật về chân tướng của vạn pháp là vô thường, khổ, vô ngã.

Tuy là cụ thể hóa từng chi phần liên hệ trong Bát Chính đạo với Tam Vô Lậu Học. Nhưng chúng ta cũng nên biết rằng giáo lý của Phật là trùng trùng duyên khởi: “Một là tất cả, tất cả là một” thì mỗi chi phần trong Bát Chính đạo đều có sự hiện diện của Tam Vô Lậu Học, cũng như trong mỗi nhóm của Tam Vô Lậu Học đều chứa đựng trọn vẹn tám chi phần của Bát Chính đạo. Giới - Định - Tuệ kết hợp chặt chẽ với Tam Vô Lậu Học chính là con đường Trung đạo tránh xa hai cực đoan.

Đó là con đường duy nhất làm thanh tịnh các loài hữu tình.

2.2. Bát Chính đạo với Tứ Vô Lượng tâm

Tứ Vô Lượng tâm là bốn tâm vô lượng, bốn tâm vượt ra khỏi giới hạn hữu ngã. Bao gồm Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỉ vô lượng và Xả vô lượng. Bốn thứ tâm vô lượng đó không liên hệ đến huyết thống, không liên hệ đến xác thịt hay dục nhiễm, không phải là tình đồng loại, đồng chí, hay đồng hương. Nó vượt ra hẳn tình thương nhân loại.

Tâm từ chính là lòng thương vô ngã bao trùm hết thảy mọi thứ tình thương. Tâm bi là tâm nguyện rộng lớn cứu độ khắp cả chúng sinh không phân biệt thân sơ, oán ghét. Tâm hỉ là tâm vui thích hoan hỉ tùy thuận trước tất cả những hạnh phúc, an lạc của mọi người mà không phân biệt kẻ oán người thân. Tâm xả là tâm bình thản trước những thịnh suy, hơn thua, được mất trong cuộc đời.

Và bốn thứ tâm vô thượng đó không thể phát sinh từ một hiểu biết tà vạy mà nó chỉ có thể phát sinh từ chính kiến; phải được phát sinh từ cái nhìn hợp lý; từ những lời nói đúng đắn, chân thật; từ một hành vi đạo đức tôn trọng sự sống của muôn loài; từ một đời sống thiện lương không tà vạy; tình thương ấy không thể phát sinh từ một tâm niệm điên đảo mà phải được nuôi dưỡng từ sự nhớ nghĩ chân chính…

Nói tóm lại, bốn Vô Lượng Tâm chỉ phát sinh từ sự thực hành Bát Chính đạo, và nếu không thực hành Bát Chính đạo thì không thể xuất hiện bốn tâm đó.

2.3. Bát Chính đạo với Tứ Hoằng Thệ nguyện

Tứ Hoằng Thệ nguyện là bốn sự nguyện rộng lớn của hành giả khi thực hành trọn vẹn Bát Chính đạo. Bốn Hoằng Thệ Nguyện là: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

Bốn hoằng thệ nguyện này được phát khởi là hoàn toàn dựa vào sự tu tập của Bát Chính đạo. Đơn cử một lý do rằng, nếu không có chính kiến thì sẽ không có được cách nhìn chân xác của cuộc đời, không có những tư duy hợp lý, sẽ không có lời nói việc làm ngay thẳng, không nhìn thấy những nỗi khổ đau triền miên của chính mình và của nhân loại, do đó không phát khởi được tâm trí rộng lớn là nỗ lực để cứu vớt chúng sinh muôn loài.

Nếu không có chính tri kiến hay nói tổng quát là không có Bát Chính đạo thì sẽ không có đạo đức trí lực như thật. Nếu không dựa vào Bát Chính đạo sẽ không có chính kiến. Không có chính kiến sao thấy được Tứ đế để phát khởi tâm vô thượng rộng độ khắp chúng sinh.

Bởi vậy Tứ hoằng thệ nguyện và Bát Chính đạo gắn liền và không thể tách biệt lẫn nhau. Chúng là hai mặt của một thực thể giác ngộ, đó là tự giác và giác tha của giáo lý giác ngộ và giải thoát.

Chương 3: Giá trị của Bát Chính đạo trong đời sống ngày nay

Ảnh: St

Ảnh: St

3.1. Giáo dục Bát Chính đạo

Bát Chính Đạo được xem là một trong những phương pháp giáo dục và hành trì rất quan trọng. Nó có chức năng phát triển sự giác ngộ bên trong mỗi con người và là những phương pháp thù thắng để thực hành hạnh giáo hóa độ sinh, xoa dịu nỗi khổ niềm đau, thay đổ thái độ nhận thức cuộc sống tích cực lạc quan hơn. Từ đó cho ta thấy Bát Chính đạo là phương pháp hữu hiệu cho những nhà giáo dục và cả người tiếp nhận giáo dục.

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng nhận ra sự suy yếu của đạo đức con người khi mà thời đại mỗi lúc mỗi phát triển. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy không ít các bài báo về những tiêu cực ở học đường. Điều này không thể kết luận hay đánh giá một hệ thống giáo dục nào đó là tốt hay xấu.

Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đó phải chăng là do người thực hiện giáo dục, người được tiếp nhận giáo dục hay do cả quá trình giáo dục. Nói chung là do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Nhưng vấn đề không phải là vạch lá tìm sâu mà là tìm ra một phương pháp để cải thiện hiện thực để giáo dục được tốt đẹp hơn.

Theo quan điểm của Phật giáo, nguyên nhân đưa đến những kết quả bất thiện không hoàn mĩ… là do vô minh, tức chưa thấy rõ bản chất vấn đề. Mỗi hành vi động tác đều bắt nguồn từ những suy nghĩ, tư duy, nhận thức, dần dần trở thành quan điểm thói quen, ý thức hệ, tác động đến xã hội và chính môi trường xã hội chung tác động trở lại cá nhân. Đây là chu trình biểu hiện tính duyên sinh của Phật giáo.

Như vậy nhận thức, suy nghĩ của con người đúng đắn, thì sẽ tác động tốt đến xã hội và ngược lại. Vì thế nên vai trò của giáo dục là vô cùng quan trọng trong cả đời sống cá nhân lẫn tập thể. Và có thể áp dụng Bát Chính đạo làm chức năng giáo dục, điều khiển quá trình giáo dục.

Đơn cử, chúng ta có thể sử dụng chính kiến, chính tư duy trong việc nhận thức về trách nhiệm của người dạy và bổn phận, thái độ của người học. Mục đích dạy và học không chỉ liên quan đến vấn đề tiếp nhận kiến thức mà còn bồi dưỡng đạo đức nhân cách, lý tưởng sống. Hoặc khác nữa là chính ngữ, chính tinh tấn, chính định.

Ngoài việc cẩn ngôn, ái ngữ ra thì yếu tố định tĩnh, tinh chuyên, kiên trì, chuyên tâm là vô cùng cần thiết. Chính tinh tấn là quá trình nỗ lực, chuyên cần duy trì khả năng sáng tạo học hỏi. Hoặc phát huy đạo đức nghề nghiệp cho những người làm công tác giáo dục thì có thể vận dụng chính nghiệp, chính mạng, chính niệm. Một thời đại mà các nhà giáo dục có nhiều thách thức trong xã hội bùng phát thông tin, thì không thể thiếu chức năng của Bát Chính đạo. Hơn lúc nào hết các nhà giáo dục cần phải có chính kiến, chính tư duy, chính niệm để lèo lái con thuyền giáo dục, chuyên tâm xây dựng sự nghiệp trồng người như mong muốn của bác Hồ vĩ đại: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người.”

3.2. Bát Chính đạo ứng dụng vào môi sinh

Môi trường là nơi bao bọc sự sống của con người. Nhưng chính con người lại tự tay mình phá hủy môi trường sống của chính mình khiến thiên nhiên nổi giận gây hại khắp nơi. Do vậy việc bảo vệ môi trường là công việc thiết yếu của tất cả mọi người.

Muốn vậy thì trước tiên mỗi người phải có chính kiến để thấy rõ điều đó. Nhờ có chính kiến ta thực tập tư duy để có những suy nghĩ đúng đắn về bảo vệ rừng, thực tập chính nghiệp để tạo những thiện nghiệp như trồng cây gây rừng, lên án những hành vi xấu muốn phá hoại rừng. Thực tập Chính mạng chọn cho mình những nghề nghiệp thiện lương tránh xa những nghề có liên hệ đến hủy hoại cây xanh, buôn bán thuốc độc hại cho môi trường, hay khói thải gây hại cho bầu khí quyển, sông ngòi… Do vậy muốn xây dựng một môi trường sống trong lành thì phải tịnh hóa thân tâm bằng cách sử dụng Bát Chính đạo.

3.3. Bát Chính đạo ứng dụng vào xã hội

Xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhiều vấn đề trong xã hội nảy sinh, những vấn nạn xuất hiện càng nhiều thì khủng hoảng xảy ra là điều tất yếu.

Khủng hoảng về kinh tế phát sinh là do sự phát triển không đồng đều và hướng đi của các nhà kinh tế không đúng, chứa đầy những tính toán, tham lam, ích kỉ, mưu mô…của những người làm kinh tế. Do đó vấn đề đầu tiên của những nhà làm kinh tế là phải có một cái nhìn và tư duy đúng đắn, thấu tình đạt lý, không chỉ vì lợi dưỡng, danh vọng cho mình.

Từ những nghiền ngẫm suy tư đúng đắn thì mới áp dụng vào hành động phù hợp (chính nghiệp) và nỗ lực siêng năng tinh tấn. Khi đó nền kinh tế ấy không phải là nền kinh tế hơn thua, chìm trong danh văn lợi dưỡng, giết hại lẫn nhau như câu nói truyền miệng: “Thương trường như chiến Trường” nữa mà là nền kinh tế hướng đến lợi ích cho xã hội, cho đất nước và cho cả thế giới. Như vậy có Bát Chính đạo các nhà kinh tế cũng sẽ bình yên như nhà thơ, nhà văn hay nhạc sĩ.

Các nhà chính trị cần thực hiện con đường Bát Chính đạo để làm cho lời nói, việc làm, suy nghĩ của mình đúng đắn, mang lại lợi ích, hòa bình cho con người. Dẹp bỏ những tư tưởng thù hằn gây nên chiến tranh, khủng hoảng, giết hại lẫn nhau.
Nhờ thực hiện tám phương pháp này mà các nhà chính trị sẽ nhu nhuyến, thương dân như con, biết cảm thông, thấu suốt nỗi khổ của dân và giải quyết mọi việc trong tình người êm đẹp hòa ái tạo nên một thế giới đại đồng.

Kết luận

Thật là, nếu một lữ hành lỡ bước lạc trong rừng sâu, rồi may mắn tìm được một con đường mòn xưa cũ. Con đường ấy, nhiều người đã đi qua, nhiều người đã trải qua. Dài theo con đường ấy là đến được thị trấn đã có tự bao đời. Và trong cuộc hành trình xa xôi dịu vợi, con người lạc bước, trầm luân trong luân hồi, may thay gặp được con đường mòn xa xưa cũ. Đó là con đường Bát Chính đạo.

Trên con đường Bát Chính ấy, Chư Phật ba đời đã đi qua và ở xứ Ấn Độ hơn hai ngàn năm trăm năm về trước, đức Gotama cũng đã tìm gặp. Nhờ đi dài theo con đường ấy, Ngài đã hoàn toàn thấu triệt những hành động, sự phát sinh của hành động, sự chấm dứt những hành động và con đường chấm dứt những hành động.

Bát Chính đạo chính là phương pháp tu phổ biến cho tại gia lẫn xuất gia trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào cũng có thể thực hiện được. Tu tập Bát Chính đạo chính là tu tập thân – khẩu – ý của chúng ta, khi thực hành Bát Chính đạo thì gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp.

Bát Chính đạo chính là nền tảng chính giác, là căn bản của giải thoát- giác ngộ, là con đường để thoát khỏi khổ đau trong cõi trần, là giáo lý quan trọng mà bất kì ai cũng phải hiểu rõ để có cái nhìn đúng đắn trong việc thực hành tâm linh và hoàn thiện bản thân. Khi chúng ta thấu hiểu và thực hành các phần khác nhau của Bát Chính đạo thì tự thân chúng ta sẽ cảm thấy rằng, chúng ta bớt giận dữ, bớt tham luyến, đối xử với mọi người bằng bốn thứ tâm rộng lớn và do đó phát triển được tình thương với nhiều người hơn, trí tuệ cũng phát triển tinh tế hơn và nhất là chúng ta sẽ thấy bình an trong cuộc sống.

Tác giả: Thiên Di
Chùa Thọ Quang, ấp Đất Mới, Phú Hội, Nhơn Trạch, Đồng Nai

***

CHÚ THÍCH

1. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ (Hồ Chí Minh: Viện NCPHVN, 2016), tr. 336.

2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ, tập V (Hồ Chí Minh: NXB Viện NCPHVN, 2016), tr.783.

3. Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh II (Hồ Chí Minh: NXB Viện Đại học Vạn Hạnh (ĐHVH), 1974), tr.503-504.

4. Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh I (Hồ Chí Minh: Viện NCPHVN, 2016), tr.214. 5 Sđd, tr.127-128.

Sđd, tr.305-306.

5. Sđd tr.158.

6. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ I (HCM: NXB Viện NCPHVN 2016), tr.76.

7. Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông (Hồ Chí Minh: NXB Thành Hội Phật Giáo TP. HCM, 1993), tr.420.

8. Thích Nhật Từ, Con Đường Chuyển Hóa (Hồ Chí Minh: NXB Hồng Đức, 2012), tr.22.

9. Thích Minh Quang dịch, Kinh Pháp Cú Thí Dụ (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2016), tr.108.

10. Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông (Hồ Chí Minh: NXB Thành Hội Phật Giáo TP. HCM 1993), tr.481.

11. Narada Thera, Đức Phật và Phật Pháp, (dịch) Phạm Kim Khánh (Hồ Chí Minh: NXB Hồng Đức, 2013), tr.284.

12. Thích Minh Châu dịch, Trường Bộ Kinh IV (Sài Gòn: NXB ĐHVH, 1972), tr.231.

13. Thích Minh Châu dịch, Tăng Chi Bộ Kinh (Hồ Chí Minh: NXB Viện NCPHVN, 2016), tr.254.

14. Thích Trí Quang (dịch), Đọc Pháp Cú Nam Tông 1 (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2001), tr.178.

15. Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ II (Sài Gòn: ĐHVH, 1974), tr. 427.

16. Nguyễn Điều (dịch), Lịch Sử Đức Mục Kiền Liên, (Hồ Chí Minh: NXB Phƣơng Đông, 2013), tr.52-53.

17. Thích Trí Quang (dịch), Đọc Pháp Cú Nam Tông 1 (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2001), tr.119-120.

18. Thích Minh Phát, Đời Sống Đức Điều Ngự (Hồ Chí Minh: Thành Hội Phật Giáo TP.HCM, 1996), tr.214.

19. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ II (Hồ Chí Minh: Trƣờng Cao cấp Phật học Việt Nam, 1988) , tr.214

20. Narada Thera, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (dịch) (Hà Nội: NXB tôn Giáo, 2017), tr.220.

21. Thích Minh Phát, Đời Sống Đức Điều Ngự (Hồ Chí Minh: NXB Thành Hội Phật Giáo Tp.HCM, 1996), tr.212.

22. Thích Minh Quang (dịch), Kinh pháp cú thí dụ quyển 3 (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2016 ), tr.198-199.

23. Thích Trí Quang (dịch), Đọc Pháp Cú Nam Tông 1 (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2001), tr.214.

24. Thích Nhất Hạnh, Trái Tim Mặt Trời (Hà Nội NXB: Thời Đại, 2011), tr.11.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Châu, Thích Minh (dịch). Kinh Trường Bộ. Hồ Chí Minh: NXB Viện NCPHVN, 2016.

2. Châu, Thích Minh (dịch). Kinh Trung Bộ. Hồ Chí Minh: NXB Viện NCPHVN, 2016.

3. Châu, Thích Minh (dịch). Kinh Tăng Chi Bộ. Hồ Chí Minh: NXB Viện NCPHVN, 2016.

4. Châu, Thích Minh (dịch). Kinh Tương Ưng Bộ. Hồ Chí Minh: NXB Viện NCPHVN, 2016.

5. Châu, Thích Minh (dịch). Kinh Tăng Chi. Sài Gòn: NXB Viện NCPHVN, 1974.

6. Điều, Nguyễn (dịch). Lịch Sử Đức Mục Kiền Liên. HCM: NXB Phương Đông, 2012.

7. Hạnh, Thích Nhất. Trái Tim Mặt Trời. Hà Nội: NXB Thời Đại, 2011.

8. Hoa, Thích Thiện. Phật Học Phổ Thông. Hồ Chí Minh: NXB Thành Hội Phật Giáo TP.HCM, 1993.

9. Khánh, Phạm Kim (dịch). Đức Phật Và Phật Pháp. HCM: NXB Hồng Đức, 2013.

10. Phát, Thích Minh. Đời Sống Đức Điều Ngự. HCM: NXB Thành Hội Phật Giáo TP.HCM, 1996.

11. Quang, Thích Minh (dịch). Kinh Pháp Cú Thí Dụ. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2016.

12. Quang, Thích Trí (dịch). Đọc Pháp Cú Nam Tông. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2001.

13. Từ, Thích Nhật. Con Đường Chuyển Hóa. HCM: NXB Hồng Đức, 2012.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phap-hanh-bat-chinh-dao-trong-kinh-dai-bat-niet-ban.html