Pháp luật kinh doanh còn nhiều điểm thiếu thống nhất, chồng chéo

Pháp luật kinh doanh còn nhiều điểm thiếu tính thống nhất, chồng chéo khiến cho môi trường kinh doanh ở nước ta trở nên kém thuận lợi.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019”. Sự kiện được tổ chức sáng nay, tại Hà Nội do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Thời gian gần đây hệ thống pháp luật về kinh doanh của Việt Nam dần được hoàn thiện và có những bước tiến đáng kể trong tư duy quản lý và cách thức thiết kế chính sách. Những đạo luật quan trọng tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã có những cải cách và thúc đẩy quyền tự doanh mạnh mẽ. Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đặc thù, cần kiểm soát đã được các Luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn quy định, tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019”.

Hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019”.

Theo khảo sát, năm 2019 là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Theo Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, tính đến hết tháng 11/2019, mới chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 - 800 thông tư của các năm trước đó. Đối với nghị định, cũng mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018 và mức 125 nghị định trong 11 tháng đầu năm 2017.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta đang đối mặt với vấn đề bất cập lớn đó là sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản luật khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật hiện không thống nhất, chồng chéo lên nhau.

Cụ thể mâu thuẫn nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự thủ tục đầu tư tập trung tại các Luật: Đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; chưa thống nhất về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, thời hạn thự hiện thủ tục; chồng lấn khi thực hiện thủ tục hành chính…

Thực tế này đang khiến nhiều nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau hay có phải thực hiện thủ tục không? Do sự thiếu nhất quán của các văn bản pháp luật khiến cho quy định triển khai dự án kéo dài, thậm chí đình trệ, không thể triển khai, tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với doanh nghiệp. Từ đó làm cho môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi...

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, tốc độ triển khai, xây dựng các văn bản pháp luật tiếp theo trong năm 2019 không sôi động như năm 2018. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến trình cải cách các thủ tục cũng như đang tạo ra những bất cập, không thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

“Năm 2020 với việc đặt trọng tâm vào việc giải quyết các điểm chồng chéo của các hệ thống thống pháp luật có liên quan và việc sửa đổi đồng bộ từ pháp luật, đến nghị định, thông tư chúng ta sẽ lấy lại được đà cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính của các năm 2016, 2018. Từ đó cải thiện được môi trường kinh doanh đầu tư của nước ta trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế cũng như mang lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp và khơi dậy được nguồn vốn đầu tư còn đang rất lớn ở khu vực tư, công và khu vực FDI” - ông Vũ Tiến Lộc kỳ vọng./.

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phap-luat-kinh-doanh-con-nhieu-diem-thieu-thong-nhat-chong-cheo-994079.vov