Phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 lâu nhất thế giới, tới 221 ngày
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Sapporo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
* Giới chuyên gia tại Anh nhận định về nguy cơ tái nhiễm Omicron
Đó là trường hợp của một phụ nữ Nhật Bản, 20 tuổi. Sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 đầu tiên vào cuối tháng 5/2021 thông qua xét nghiệm kháng nguyên, người phụ nữ này liên tục dương tính trong 221 ngày sau đó.
Tại thời điểm xét nghiệm xác định có hay không nhiễm SARS-CoV-2, bệnh nhân đã tiến hành cách ly 10 ngày, ngoài sốt không có bất kỳ triệu chứng nào khác.
Kể từ khi có kết quả dương tính, bệnh nhân không đến các nơi đông người, các thành viên trong gia đình cô cũng không có bất cứ triệu chứng nào. Sau đó, bệnh nhân phát hiện mang thai khoảng 8 tuần trong thời gian bị sốt.
Vào tháng 9 và tháng 10 năm 2021, cô được tiêm hai liều vắc xin ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA. Đến tháng 12/2021, bệnh nhân nhập viện sinh con.
Trong suốt thời gian thai kỳ, cô ấy không xảy ra bất cứ biến chứng nào và ca sinh thường diễn ra thuận lợi.
Trong quá trình nhập viện sinh con, người phụ nữ này tiến hành các xét nghiệm PCR COVID-19. Kết quả cho thấy, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 với chỉ số CT phản ánh tải lượng virus là 36,4 - mức thấp không có khả năng truyền nhiễm. Đây là 221 ngày sau chẩn đoán COVID-19 ban đầu.
Các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân trong nghiên cứu này được phân tích để xác định sự hiện diện các biến thể của SARS-CoV-2.
Kết quả cho thấy sự hiện diện duy nhất của biến thể Alpha. Việc xác định trình tự gene gặp nhiều khó khăn do tải lượng virus các mẫu thử nghiệm thấp.
Tháng 12/2021, biến thể Alpha không còn được lưu hành ở Nhật Bản, do làn sóng COVID-19 gây ra bởi biến thể này đã kết thúc vào tháng 7/2021.
Vì tải lượng virus của bệnh nhân rất thấp nên các nhà phân tích kết luận rằng đây là một trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 kéo dài với khoảng thời gian dài nhất từng được báo cáo.
Về mặt địa lý, người phụ nữ này đến từ tỉnh Ibaraki, nơi biến thể Alpha lây lan chủ đạo từ tháng 4 đến tháng 7/2021. Đến giữa tháng 9/2021, Delta đã thay thế Alpha trở thành biển thể gây phần lớn các ca nhiễm mới tại Nhật Bản.
Khi bệnh nhân trong nghiên cứu hiện tại được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, Omicron đã trở thành biến thể gây lây nhiễm chủ đạo tại khu vực. Hầu hết tất cả các ca nhiễm SARS-CoV-2 ghi nhận vào tháng 1 và tháng 2/2022 đều do biến thể Omicron.
Do đó, nếu tái nhiễm, người phụ nữ này chỉ có khả năng nhiễm biến thể Delta hoặc Omicron, mà không phải là Alpha.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình và nặng có thể có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính lần lượt từ 17,2 đến 19,8 ngày sau khi các triệu chứng khởi phát.
Theo dữ liệu được công bố, thời gian dương tính trung bình của một người nhiễm SARS-CoV-2 là 17 ngày, tối đa 83 ngày.
Các yếu tố như tuổi tác, các loại bệnh lý nền của bệnh nhân COVID-19 như cao huyết áp, bệnh mạch vành và đái tháo đường, có thể tác động đến thời gian mắc bệnh kéo dài. Tuy nhiên, việc mang thai trước đây không liên quan đến hiện tượng này.
Trước đó, từng có một báo cáo về trường hợp người mang thai có thời gian dương tính với SARS-CoV-2 trong 104 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính ban đầu. Cho đến nay, vẫn còn thiếu sự hiểu biết về cơ chế phát tán virus kéo dài trong thai kỳ.
Trong thời kỳ mang thai, có những thay đổi sinh lý trong môi trường miễn dịch bên trong cơ thể mẹ mà chủ yếu là qua tế bào trung gian Th2 với sự suy giảm của miễn dịch qua tế bào trung gian Th1. Do đó, phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm các mầm bệnh nội bào, bao gồm cả virus.
Trong thực nghiệm, người ta đã quan sát thấy phổi của những con chuột mang thai có lượng virus cúm cao gấp 8 lần so với những con chuột không mang thai. Điều này cho thấy rằng quá trình thanh lọc virus bị cản trở trong thời kỳ mang thai.
Miễn dịch qua Th2 thúc đẩy "cơn bão" cytokine chống viêm. Do đó, phản ứng miễn dịch trong quá trình nhiễm SARS-CoV-2 thúc đẩy qua Th2 có thể kéo dài sự lây lan của virus và ngăn ngừa nguy cơ trở nặng ở nhóm bệnh nhân này.
Tuy nhiên, nghiên cứu này có hạn chế, đó là do tải lượng virus trong mẫu bệnh phẩm thấp, nên việc xác định biến thể Alpha được thực hiện bằng phương pháp PCR sàng lọc biến thể.
* Trong thời kỳ đầu đại dịch COVID-19 bùng phát, rất hiếm khi nghe thấy có ai đó mắc bệnh lần thứ hai. Thống kê cho thấy trước tháng 11/2021, Anh chỉ ghi nhận chưa đầy 1% số ca tái nhiễm.
Tuy nhiên, điều này đã trở nên phổ biến hơn sau khi biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021. Số ca tái nhiễm trong năm nay tại Anh đã cao hơn khoảng 10 lần so với thời kỳ đầu của đại dịch.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người mắc lại COVID-19 là do sự xuất hiện của Omicron - biến thể được cho là có khả năng "né tránh" các "hệ thống phòng thủ", vốn được hình thành từ các lần lây nhiễm cũ. Rất may, hầu hết người mắc COVID-19 lần thứ hai ít khi diễn tiến nặng.
Trên thực tế, hầu hết người dân đều có thể mắc virus chủng corona, trong đó có những chủng gây cảm lạnh thông thường mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải nhiều lần trong đời. Biến thể Omicron được cho là nguyên nhân chính đẩy số ca nhiễm tại Anh trở lại mức cao kỷ lục.
Dữ liệu cho thấy hầu hết các ca tái nhiễm là những người trẻ tuổi, chưa tiêm vắc xin. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy việc nhiễm Omicron và tiêm vắc xin sẽ giúp cơ thể có sự chuẩn bị tốt hơn chống lại nguy cơ lây nhiễm mới.
Do đó, tại Anh, kể từ đầu năm nay, khoảng 4,5 triệu người đã tiêm mũi tăng cường, trong khi 2 triệu người khác đã tiêm mũi tăng cường thứ hai (mũi vắc xin thứ tư). Ước tính hàng chục triệu người đã có sự bảo vệ sau làn sóng lây nhiễm gần đây.
Theo Giáo sư miễn dịch học Eleanor Riley, ngay cả khi có kết quả xét nghiệm dương tính lần nữa, điều này cũng "không giống với khi mắc COVID-19", mà đơn thuần chỉ là "virus khu trú trong mũi và họng của bạn".
"Hàng rào" bảo vệ nhờ tiêm chủng và việc từng lây nhiễm trước đó đã giúp ngăn virus xâm nhập sâu vào cơ thể, gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
Do đó, nếu một người tái nhiễm mà vẫn cảm thấy khỏe mạnh, điều họ cần quan tâm chính là liệu họ có lây bệnh cho một ai đó dễ bị tổn thương hay không.
Việc nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn có thể khiến một số người phải nhập viện, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu hoặc có bệnh lý nền.
Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết cứ 16 người thì có một người mắc COVID-19 trong tuần kết thúc vào ngày 19/3. Dù số ca mắc mới cao kỷ lục, song số người nhập viện lại thấp hơn hồi tháng 1.
Chính phủ Anh hy vọng việc triển khai tiêm mũi tăng cường vắc xin vào mùa Xuân sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho những người dễ bị tổn thương nhất và khiến Omicron không diễn tiến nặng hơn, dù cho người dân có thể nhiễm 1 hay 2 lần.