Phát hiện người da đỏ tưởng đã tuyệt chủng
Các nhân viên Viện nghiên cứu phát triển khu vực Amazon của Peru đã phát hiện thấy một bộ lạc bị cho là đã tuyệt chủng tại khu bảo tồn quốc gia Kugapakori Nahua Nanti của Peru.
Theo tờ Daily Mail, một nhân viên thuộc Khu bảo tồn quốc gia Kugapakori Nahua Nanti của Peru đã tình cờ phát hiện thấy một nhóm thổ dân thuộc
bộ lạc da đỏ
từng bị coi là tuyệt chủng khi những thổ dân này đang đi kiếm thức ăn.
Ông Mayta Capac Alatrista, Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển khu vực Amazon của Peru, cho biết: “Chúng tôi đã tình cờ gặp một nhóm người thổ dân khi họ đang đi xuống một con suối để tìm kiếm thức ăn. Sau đó, chúng tôi đã ghi lại hình ảnh của họ, đồng thời đưa cho họ một số công cụ có thể sử dụng để săn bắn, bắt cá và nấu nướng”. Bộ lạc da đỏ này sống du cư trong các khu rừng ở Peru. Họ dựng các ngôi nhà tạm hình tròn được làm từ tre và lá cọ để ở và dùng giáo và dao làm bằng tre để đi săn.
Những người thổ dân của bộ lạc này thường đeo khuyên trên môi trên của họ. Họ giao tiếp bằng một ngôn ngữ chưa được các nhà nhân chủng học biết tới. Đây là lần đầu tiên bộ lạc da đỏ này tiếp xúc với thế giới văn minh. Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu phát triển khu vực Amazon của Peru lo ngại, họ có thể đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng giống như số phận của những bộ lạc được phát hiện trước đây.
Survival International - tổ chức vận động bảo vệ các tộc người trên thế giới có trụ sở tại London (Anh), ước tính có khoảng 15 bộ lạc da đỏ chưa từng tiếp xúc với thế giới văn minh, bao gồm: Cacataibo, Isconahua, Matsigenka, Mashco-Piro, Mastanahua, Murunahua, Nanti,... Các nhà khoa học cảnh báo, họ sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chúng nếu được tiếp xúc với nước ngoài.
“Tất cả những gì chúng tôi biết về những người thổ dân da đỏ là họ đang cố gắng tránh xa khỏi nền văn minh của thế giới. Nếu tiếp xúc với bên ngoài, họ có thể đối mặt với xung đột và bị lây bệnh từ bên ngoài. Vì thế, để bảo vệ các bộ lạc tránh nguy cơ tuyệt chủng, chúng ta hãy tạo một môi trường sống riêng cho họ”, ông Mayta Capac Alatrista nhấn mạnh. Tổ chức Survival International cũng ước tính rằng, sau khi tiếp xúc với thế giới văn minh, số dân của những bộ lạc đó bị giảm 50% trong một thời gian ngắn sau đó. Nguyên nhân là những thổ dân không có khả năng đề kháng với những bệnh từ người hiện đại mà họ tiếp xúc hoặc do môi trường sống của họ bị thay đổi do nạn chặt phá rừng.