Phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nam trong phát triển du lịch
Di sản văn hóa Hà Nam đã và đang tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch. Nhờ các giá trị của di sản đang được làm nổi bật và phát huy, Hà Nam đã hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư vào du lịch di sản, tạo nên những sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, thu hút du khách. Xung quanh thông tin tại Hội thảo khoa học 'Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 58 - năm 2023' tại Khu du lịch Tam Chúc, ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) cho rằng: 'Di sản văn hóa Hà Nam cần phải được phát huy trong phát triển du lịch, để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh…'. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã ghi lại cuộc trao đổi này!
P.V: Thưa ông, ngành Khảo cổ học đã 58 lần tổ chức hội thảo như thế này, nhưng đây là lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nam. Viện Khảo cổ học Việt Nam đã đánh giá rất cao những điều Hà Nam đóng góp cho hội thảo và cho phát triển du lịch trong thời gian tới. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
Ông Ngô Thanh Tuân: Đây là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế, đưa tri thức khảo cổ, lịch sử, văn hóa của các địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Trong 2 năm vừa qua, được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt thành của các nhà khoa học, hoạt động nghiên cứu khảo cổ học đã từng bước được quan tâm, chú trọng, mang lại nhiều kết quả đáng mừng. Hội thảo là cơ hội để Hà Nam thông báo về kết quả điều tra, điền dã, khảo sát, đánh giá toàn diện hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh. Đồng thời là dịp để chúng ta quảng bá hình ảnh đất và người Hà Nam hôm qua và hôm nay.
Ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL trao đổi với phóng viên Báo Hà Nam. Ảnh: Giang Nam
P.V: Hà Nam luôn được đánh giá là địa phương có tiềm năng về du lịch nhờ hệ thống di tích lịch sử văn hóa, những di sản có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần trong đời sống xã hội. Thực tế, chúng ta đã đặt mục tiêu gì trong mối quan hệ giữa di sản văn hóa và du lịch, thưa ông?
Ông Ngô Thanh Tuân: Di tích lịch sử - văn hóa và hoạt động du lịch có mối quan hệ chặt chẽ. Di tích lịch sử là đối tượng khai thác của hoạt động du lịch và là nguồn tài sản quyết định sự ra đời và phát triển của loại hình du lịch văn hóa. Trái lại, nếu thiếu đi tổ chức khai thác của du lịch, thì di tích lịch sử - văn hóa sẽ giảm thiểu khả năng đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và mất đi nguồn thu quan trọng để đầu tư lại cho việc bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa.
Quan điểm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ, Hà Nam phát triển du lịch theo định hướng du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương, gìn giữ cảnh quan, danh thắng, bảo vệ môi trường... Khai thác những tiềm năng lợi thế vốn có của tỉnh và liên kết vùng (vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng). Phát huy trách nhiệm và nguồn lực của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội; vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
P.V: Để khai thác và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch lại là một việc không hề dễ. Và Hà Nam chắc có cách đi riêng của mình, trong đó vai trò của Sở VH, TT & DL rất quan trọng, thưa ông?
Ông Ngô Thanh Tuân: Đúng vậy! Vừa qua, Sở VH, TT&DL đã tăng cường phối hợp cơ quan quản lý, viện nghiên cứu đầu ngành trung ương đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Đồng thời, mở rộng hợp tác với cơ quan truyền thông trong nước để xây dựng chương trình giới thiệu về các di sản văn hóa tiêu biểu ở Hà Nam. Tích cực tham gia các hoạt động, chương trình quảng bá xúc tiến du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa do Bộ VH, TT&DL tổ chức. Phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức thành công nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn, trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa Hà Nam. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2023, tỉnh Hà Nam và Vietnam Airlines phối hợp đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá thị trường du lịch hàng không trong và ngoài nước về điểm đến, các sản phẩm dịch vụ du lịch.
Các cô gái thanh tân được hướng dẫn, truyền dạy múa hát Dậm (Thi Sơn, Kim Bảng).
Ảnh:Chu Bình
Với vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan tươi đẹp, con người thuần hậu, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, tỉnh Hà Nam đã ưu tiên tập trung đầu tư quy hoạch không gian di tích gắn với quy hoạch các khu, các loại hình, các tuyến du lịch, xây dựng thành các tuyến liên kết các điểm du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách tham quan, đặt trong mạng lưới liên kết du lịch với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tổ chức khảo sát, nghiên cứu cụ thể để xác định từng điểm du lịch (di tích) thuộc hành trình, theo phương pháp nghiên cứu liên ngành...
Hiện nay, các địa phương đang tiến hành rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển các công trình di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề có giá trị làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch theo định hướng gắn kết thành các chuỗi du lịch - dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng lộ trình liên kết với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch lớn của cả nước để quảng bá; kết hợp với các hãng lữ hành lớn trong việc khai thác và tổ chức các tour du lịch mới hấp dẫn về tỉnh; kết hợp với các khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành các trục du lịch văn hóa tâm linh độc đáo theo các tuyến chính như “Bái Đính - Tràng An - Tam Chúc”, “Chùa Hương - Tam Chúc”, tuyến kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (Nam Định)…
P.V: Nói thế nghĩa là di sản văn hóa đang tạo động lực cho du lịch Hà Nam phát triển đúng không, thưa ông?
Ông Ngô Thanh Tuân: Đúng là như vậy, và chúng ta cũng nên xác định như vậy! Hiện nay, Hà Nam có gần 1.900 di tích, trong đó có 133 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 95 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 12 di sản được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có những Lễ hội truyền thống như Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương, Lễ hội Vật võ Liễu Đôi...
Rất nhiều hiện vật, cổ vật và bảo vật quý hiếm mang giá trị lịch sử, văn hóa cao, tiêu biểu đang được lưu giữ; cùng với đó là 4 Bảo vật quốc gia (Trống đồng Ngọc Lũ, Trống đồng Tiên Nội, Bia Sùng Thiện Diên Linh, Bia đá chùa Giàu...) và rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, dân ca, hát Dậm Quyển Sơn, hát Lải Lèn, hát Trống quân Liêm Thuận, dân ca giao duyên ngã ba sông Móng... Tất cả đều có khả năng tạo nên những sản phẩm du lịch di sản mang đặc trưng cho du lịch Hà Nam.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, hấp dẫn riêng có, lần đầu tiên Hà Nam được Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”.
P.V: Ông có cho rằng, du lịch văn hóa sẽ tiếp tục là dòng sản phẩm du lịch chính của Hà Nam không?
Ông Ngô Thanh Tuân: Với những gì du lịch Hà Nam đang có, tôi có thể khẳng định rằng du lịch văn hóa đã và đang là dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Hà Nam, từ tham quan di tích lịch sử văn hóa, các công trình văn hóa và hoạt động nghệ thuật đến tìm hiểu, tương tác và trải nghiệm văn hóa, lễ hội, thưởng thức ẩm thực, sản vật địa phương. Tất nhiên, để phát triển du lịch bền vững, di sản của chúng ta phải được bảo tồn, gìn giữ và phát huy một cách tích cực nhất. Chẳng hạn như, một số cán bộ các cấp, các ngành cũng như cộng đồng dân cư cần phải nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch. Thúc đẩy nguồn lực đầu tư cho các di tích danh thắng, di sản văn hóa… để nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch; cải thiện chất lượng một số điểm đến du lịch về vệ sinh môi trường, tổ chức dịch vụ, hướng dẫn viên…