Phát huy hiệu quả chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được tỉnh Bình Thuận quan tâm đầu tư, triển khai đồng bộ, hiệu quả. Từ đó, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Từ nguồn vốn được đầu tư, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) phát triển sản xuất chăn nuôi. Ảnh: Thanh Thủy.

Từ nguồn vốn được đầu tư, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) phát triển sản xuất chăn nuôi. Ảnh: Thanh Thủy.

Tỉnh Bình Thuận hiện có 34 DTTS, chiếm gần 8% dân số của tỉnh. Hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ, trong đó, các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro... sinh sống tập trung ở 11 xã thuần đồng bào dân tộc và 20 thôn xen ghép. Hiện tỉnh Bình Thuận đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS. Vì vậy, trong 2 năm 2023- 2024, tỉnh Bình Thuận đã giải ngân được 100% nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719. Năm 2024, tỉnh phấn đấu giải ngân đạt 95%.

Để đảm bảo phát triển bền vững cho đồng bào DTTS, tỉnh Bình Thuận cũng đặc biệt quan tâm đến những chính sách liên quan đến đất đai. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào DTTS sử dụng có hiệu quả đất sản xuất được cấp, tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành liên quan, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục. Đặc biệt, phải tạo điều kiện đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào DTTS đối với số diện tích đất sản xuất đã cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài làm tốt những nội dung trên, tỉnh Bình Thuận còn đẩy mạnh tăng cường công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, đầu tư hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 để hỗ trợ cho bà con vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như huyện Tánh Linh là một trong những địa phương thực hiện tốt giải ngân nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719. Trong 3 năm 2022 - 2024, với tổng nguồn vốn được đầu tư hơn 89 tỷ đồng, huyện Tánh Linh đã giải ngân được hơn 61 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS đã có nhiều đổi thay. Huyện còn tập trung hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Bà con được hỗ trợ vốn, cây giống, phân bón, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức chăn nuôi, sản xuất… phát triển kinh tế. Để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS, huyện còn đặc biệt chú trọng liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, như chương trình trồng cỏ và bắp rồi ủ men ra thành phẩm thức ăn gia súc đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Hay mô hình trồng rau cạn với trên 900ha đậu xanh, đậu đen, mè.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh Tân, trong 3 năm từ 2022 - 2024, từ Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bình Thuận đã được cấp hơn 427 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 370 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng hơn 57 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 233 tỷ đồng, đạt 54,6% kế hoạch vốn giao. Một số dự án có kết quả giải ngân khá tốt như: Tiểu Dự án 1, Dự án 3 về phát triển nông, lâm nghiệp bền vững giải ngân theo ngân sách Trung ương đạt 71,8%, ngân sách địa phương đạt 83%. Dự án 5 về phát triển giáo dục và đào tạo cũng đạt mức giải ngân cao với giải ngân ngân sách trung ương đạt tỷ lệ 70,1%.

Để nâng cao đời sống đồng bào DTTS, ông Nguyễn Minh Tân cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương và địa phương, nhất là Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất sản xuất đã cấp cho đồng bào từ những năm trước. Bên cạnh đó, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; tạo điều kiện duy trì và phát huy hiệu quả công tác giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư trên địa bàn vùng đồng bào DTTS cũng như tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS.

Tấn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phat-huy-hieu-qua-chinh-sach-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-10293491.html