Phát huy hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo

Công nhân Điện lực Tuy Hòa giúp người dân kiểm tra hệ thống điện mặt trời áp mái tại một hộ dân trên địa bàn. Ảnh: THỦY TIÊN

Những năm gần đây, việc sản xuất điện năng lượng mặt trời được phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là những nơi có địa hình, khí hậu thuận lợi. Việc đẩy mạnh khai thác nguồn năng lượng này góp phần bổ sung năng lượng phục vụ sản xuất, đời sống người dân, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí.

Phát huy hiệu quả

Nhà máy điện mặt trời EuroPlast Phú Yên đặt tại xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) có công suất 50MWp là một trong những nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời đang hoạt động hiệu quả hiện nay. Ông Châu Quang Sơn, Phó Giám đốc nhà máy này cho biết: Nhà máy nằm trong khu vực có bức xạ tốt nên hiệu quả sản xuất tương đối cao. Trong năm 2021, nhà máy đã sản xuất được 69 triệu kWh điện. Còn 3 tháng đầu năm 2022, mỗi tháng nhà máy sản xuất được từ 4.500kWh đến gần 6.200kWh điện. Bình quân, mỗi năm nhà máy đóng góp sản lượng phát lên lưới đạt khoảng 73% so với thiết kế.

Còn theo ông Ngô Minh Toàn, quản lý Nhà máy điện mặt trời Thịnh Long AAA Phú Yên (huyện Tây Hòa), để khai thác hiệu quả nguồn điện năng lượng mặt trời, công tác đầu tư xây dựng trang thiết bị được đơn vị chú trọng thực hiện ngay từ ngày đầu triển khai. Nhờ vậy, hiện nay mỗi tháng nhà máy hòa lưới hàng ngàn kWh điện cho hệ thống truyền tải điện của tỉnh.

Với nhiều lợi ích như tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nên các dự án năng lượng tái tạo, trong đó phần lớn là điện mặt trời hiện là xu thế phát triển của rất nhiều quốc gia. Đây được xem là giải pháp thay thế cho năng lượng truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu và phục hồi hệ sinh thái của trái đất. Ông Ngô Minh Tuấn, Trưởng ban Vận động Hiệp hội Năng lượng Phú Yên cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 505,12MWp đi vào hoạt động, tạo ra nguồn năng lượng sạch, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Với những hiệu quả về kinh tế và thân thiện môi trường, nhiều doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch đầu tư thêm những dự án năng lượng tái tạo mới. Theo Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, hiện đơn vị này triển khai dự án điện mặt trời nổi trên lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ, dự án điện gió Tuy An để mở rộng thêm các nguồn năng lượng thân thiện môi trường, tạo thêm doanh thu cho công ty.

Tiết kiệm chi phí từ điện áp mái

Ngoài các dự án điện năng lượng mặt trời được đầu tư với quy mô lớn, thời gian qua, người dân và doanh nghiệp trên toàn tỉnh còn đầu tư vào điện mặt trời áp mái. Ông Võ Ngọc Duy ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) cho biết: Nhiều năm nay, từ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, gia đình tôi đã không còn lo toan, tính toán đến chi phí tiền điện hàng tháng. Trước đây, vào các tháng nắng nóng, chi phí tiền điện mỗi tháng của gia đình vào khoảng 1,5-2 triệu đồng, là khoản chi tiêu khá tốn kém. Từ năm 2020, gia đình tôi đầu tư 75 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 4,4kWp. Ngay sau khi lắp đặt, Công ty Điện lực Phú Yên đã trực tiếp kiểm tra và lắp điện kế 2 chiều, ký hợp đồng mua điện. Từ khi lắp đặt hệ thống năng lượng này, dù vẫn sử dụng các thiết bị điện như trước đây, nhưng chi phí tiền điện của gia đình tôi giảm xuống còn khoảng 320.000-370.000 đồng/tháng.

Ông Đoàn Hữu Hòa ở phường 4 (TP Tuy Hòa) cũng cho hay: Gia đình tôi mở công ty kinh doanh tại nhà với gần 10 nhân viên làm việc. Lượng thiết bị điện phục vụ công việc tại công ty khá nhiều nên sản lượng điện tiêu thụ rất lớn, chi phí tiền điện hàng tháng khá cao. Vì vậy cuối năm 2019, tôi đã đầu tư 90 triệu đồng lắp 17 tấm pin, với sản lượng điện sản xuất bình quân 24kWh điện mỗi ngày. Nhờ nguồn năng lượng này mà nhiều năm nay, tiền điện của công ty giảm hơn 2/3 so với trước, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí.

Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có khoảng 240 hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 138,28MWp đã được các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp họ tiết kiệm đáng kể chi phí tiền điện trong sản xuất và sinh hoạt.

Việc đầu tư, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo điện mặt trời, bình nước nóng năng lượng mặt trời, thiết bị tiết kiệm điện không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường, đó là có thể tự tạo ra năng lượng sạch để phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của mình. Các hệ thống điện mặt trời áp mái còn có tác dụng cách nhiệt rất tốt, giúp làm mát vào mùa hè cho công trình bên dưới, từ đó giúp giảm sử dụng năng lượng cho hệ thống điều hòa; tăng hiệu quả tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/277619/phat-huy-hieu-qua-nguon-nang-luong-tai-tao.html