Phát huy hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch
Ngày 2-7-2020, Đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) Tiền Giang được thành lập, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Sau 5 tháng hoạt động, Đơn vị Tim mạch can thiệp đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch cho bệnh nhân.
Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Hữu Thế, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang cho biết, từ lúc đi vào hoạt động đến nay, Đơn vị Tim mạch can thiệp đã thực hiện chụp mạch vành 125 trường hợp, can thiệp mạch vành 58 trường hợp, đặt 4 máy tạo nhịp vĩnh viễn và 3 trường hợp hematoma cẳng tay phải.
Trong số những ca can thiệp mạch vành thành công, có 2 trường hợp khá đặc biệt. Trường hợp thứ nhất là cấp cứu xử lý kịp thời bệnh nhân ngưng tim.
Khoảng 16 giờ ngày 17-9, khoa Cấp cứu Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang tiếp nhận bệnh nhân Phạm Thị Đính, 73 tuổi, ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Qua thăm khám, bệnh viện xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim do tắc mạch vành và phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Theo bác sĩ Trần Hữu Thế, việc cứu sống và phục hồi của bệnh nhân Đính là rất ngoạn mục.
Cụ thể, bệnh nhân được khoa Cấp cứu chuyển nhanh đến phòng mổ của Đơn vị Tim mạch can thiệp nhưng vừa lên bàn mổ bệnh nhân đã ngưng tim. Các bác sĩ của kíp mổ phải vừa hồi sức tim vừa tiến hành phẫu thuật đặt stent thông mạch vành. Sau đó, sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt, mạch và huyết áp ổn định và được xuất viện sau 1 tuần. Trường hợp của bệnh nhân Đính sẽ không thể cứu được nếu bệnh viện không có trang bị máy DSA và các thiết bị hiện đại của Đơn vị Tim mạch can thiệp.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Nguyễn Văn B., 61 tuổi, nhập viện ngày 29-10-2020 trong tình trạng nguy kịch, với các triệu chứng đau ngực trái, khó thở, vã mồ hôi. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân B. bị tắc mạch vành và tiến hành cấp cứu thông mạch. Sau thủ thuật, sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt và xuất viện sớm.
Bệnh nhân Nguyễn Chí Thành, 60 tuổi, ngụ TP. Mỹ Tho là một trong những bệnh nhân đầu tiên được Đơn vị Tim mạch can thiệp thực hiện thủ thuật đặt stent để can thiệp chứng hẹp mạch vành. Bệnh nhân Thành chia sẻ: “Tôi rất vui và cảm ơn sự tận tâm, tận lực của bác sĩ Đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang. Ngoài ra, việc được thực hiện thủ thuật đặt stent ở đây giúp tôi giảm đi trên 50% chi phí”.
Tim mạch can thiệp là một kỹ thuật điều trị tiên tiến, xâm lấn tối thiểu nhưng hiệu quả tối đa. Đối với bệnh nhân, khi thực hiện thủ thuật tim mạch can thiệp chỉ cần gây tê tại chỗ, thời gian thực hiện ngắn khoảng 1 giờ và có thể xuất viện sau khi làm thủ thuật từ 1 đến 2 ngày. Kỹ thuật tim mạch can thiệp có thể thực hiện cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành với khả năng thành công cao nếu bệnh nhân đến sớm. Kỹ thuật này cũng có thể thực hiện trên bệnh nhân mắc bệnh mạch vành.
PGS.TS.BS Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang cho biết, việc thành lập Đơn vị Tim mạch can thiệp được bệnh viện chuẩn bị kỹ lưỡng hơn 2 năm. Đơn vị Tim mạch can thiệp được đầu tư khoảng 50 tỷ đồng cho các trang thiết bị, máy móc hiện đại như: Hệ thống chụp mạch xóa nền DSA, máy cộng hưởng từ MRI 1,5 tesla, máy siêu âm dò lòng mạch, máu sốc tim, máy giúp thở…
Thời gian qua, bệnh lý tim mạch là một trong những bệnh chiếm số lượng lớn, khoảng trên 30% trong tổng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang. Đối với các trường hợp cấp cứu do nhồi máu não, nhồi máu cơ tim hoặc mắc bệnh lý mạch máu cần can thiệp nội mạch bệnh viện phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Việc chuyển tuyến khiến bệnh nhân tốn kém chi phí điều trị hơn và đặc biệt là trường hợp cấp cứu rất nguy hiểm, nếu chậm trễ sẽ khiến bệnh nhân tử vong hoặc để di chứng xấu như sống thực vật, liệt, tàn phế…