Phát huy nguồn lực 'người Bến Tre xa quê', góp phần phát triển tỉnh Bến Tre
Ngày 5/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo 'Nghiên cứu và phát huy nguồn lực từ những người con quê Bến Tre để góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bến Tre'.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu tổng quát: “Phấn đầu xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030”.
Tuy nhiên, với địa hình sông nước chia cách, Bến Tre gặp khó khăn trong giao thông đi lại, nhất là trong những năm gần đây, với sự biến đổi khí hậu, nhiều địa phương của Bến Tre đối mặt với tình trạng hạn mặn, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Văn Tân, hiện nay, việc huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn lực con người đóng vai trò lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ngoài lực lượng lao động tại chỗ, người Bến Tre thoát ly khỏi quê hương hiện cũng đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của quê hương.
Đến nay, với các hoạt động này, đã có nhiều dự án dựa trên nguồn lực “người Bến Tre xa quê” được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bến Tre, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, do nhiều lý do, người Bến Tre đã rời quê hương sinh sống, học tập, làm việc ngoài tỉnh và cả nước ngoài khá nhiều.
Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng qua một số thống kê giai đoạn từ năm 1989-2020, số nhân khẩu ra khỏi tỉnh Bến Tre trung bình thập niên 2010-2020 vào khoảng 100.000 người/năm (theo Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre năm 2020).
Để huy động nguồn lực “người Bến Tre xa quê” góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Bến Tre phải có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút và đãi ngộ nhân tài; xác định thế mạnh của địa phương, nhất là chọn hướng phát triển phù hợp; kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh Bến Tre có thế mạnh. Đồng thời, sớm thống kê, lập danh sách các chuyên gia, tri thức, người có chuyên môn đang công tác làm việc trong nước và nước ngoài để mời đội ngũ này góp ý, đóng góp ý kiến, và các nguồn lực khác phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh Bến Tre...