Phát huy tiềm năng du lịch đường sông

Nét văn hóa 'trên bến dưới thuyền' của Sài Gòn xưa luôn là điểm đặc trưng của TP mang tên Bác trong suốt hành trình phát triển.

TPHCM có hệ thống sông, kênh rạch dày đặc với điểm nhấn là sông Sài Gòn, có giá trị giao thông thủy rất lớn. Làm thế nào để phát triển du lịch, phát triển giao thông công cộng dựa vào dòng sông này là quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp, cũng là sự kỳ vọng của nhân dân TPHCM.

Đánh thức lợi thế đặc trưng độc đáo

TPHCM hiện có mạng lưới giao thông thủy khá phát triển với tổng chiều dài hơn 1.000km, trong đó có 975km đã được đưa vào quy hoạch tổ chức, quản lý. Với lợi thế của 2 tuyến sông chính là Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua, cùng với hệ thống sông nhỏ, kênh rạch tạo ra mạng lưới đường thủy kết nối với các tỉnh lân cận Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là kết nối với khu vực ĐBSCL.

Hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của TP. Đặc biệt là từ khi bến Bạch Đằng tạm ngưng hoạt động để chỉnh trang đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động du lịch đường thủy. Quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ cho du lịch còn hạn chế.

Ông Bùi Xuân Cường ,
Giám đốc Sở GTVT TPHCM

Ở ngoại thành, hệ thống sông ngòi tạo ra các vùng đất ngập trù phú, hệ sinh thái đa dạng, với các vùng dân cư có truyền thống lâu đời làm nghề nông, tiểu thủ công, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, trồng rừng. Tất cả tạo nên bức tranh sinh động lôi cuốn khách du lịch trong và ngoài nước tham quan tìm hiểu. Do đó, TPHCM vừa có thể khai thác giao thông đường thủy, vừa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy nội địa.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, hiện nay các tuyến du lịch tầm ngắn như tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Bến Nghé phục vụ du khách hành hương và tham quan khá hiệu quả. Về tuyến du lịch tầm trung, cụ thể là du lịch trên tuyến Sài Gòn - Củ Chi, du khách sẽ được tham quan di tích lịch sử địa đạo Củ Chi kết hợp với các điểm du lịch sinh thái nhà vườn dọc theo sông Sài Gòn.

Tuyến Sài Gòn - Cần Giờ cũng đang được khai thác, với điểm nhấn là khu sinh thái Cần Giờ kết hợp khai thác giá trị ẩm thực địa phương. Ngoài ra, TP cũng đầu tư phát triển các tuyến du lịch tầm xa từ TP đi các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang… Nhằm thu hút hành khách, mô hình nhà hàng trên sông, ca nô cao cấp tham quan nội đô và đi các tỉnh Đông Nam bộ, huyện Cần Giờ… được tư nhân đầu tư phát triển.

Cho đến nay, TPHCM đã hình thành các loại hình dịch vụ du lịch đường thủy, như dịch vụ ăn uống giải trí về đêm trên các du thuyền trên sông Sài Gòn; dịch vụ thuê thuyền nhỏ kèm hướng dẫn tham quan nội đô; dịch vụ cho thuê kayak tự chèo; dịch vụ du ngoạn trên sông có kèm lưu trú chạy đi các tỉnh ĐBSCL…

Đáng chú ý nhất về tiềm năng du lịch đường thủy ở TPHCM là hiện nay các tàu khách quốc tế với đông đảo du khách đều có thể vào tận trung tâm TP tại khu vực cảng Nhà Rồng Khánh Hội, bến Bạch Đằng không phải qua khâu trung chuyển. Việc này vừa giảm tải cho hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ, do không phải sử dụng xe trung chuyển khách vào trung tâm TP, vừa giúp tăng thêm thời gian cho khách lưu trú.

Xuất phát từ những tiềm năng nói trên, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch đường thủy của TP giai đoạn 2017-2020. Theo đó, TP sẽ phát triển 7 tuyến du lịch đường thủy trong nội ô và đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Nam bộ; đồng thời đầu tư các cảng, bến và khu vực neo đậu chờ.

Cụ thể hóa kế hoạch này, ngày 25-11 TP đã tạo điều kiện thuận lợi để Công ty TNHH Thường Nhật khai trương tuyến buýt đường thủy trên sông Sài Gòn, từ trung tâm quận 1 đi quận Thủ Đức, qua đó phát triển loại hình giao thông công cộng mới mẻ, an toàn, văn minh. Tiếp theo, ngày 23-12 tới, ngành GTVT TP sẽ đưa vào hoạt động tàu du lịch Sài Gòn - Cần Giờ phục vụ người dân, du khách.

Nâng cấp hạ tầng, bến bãi

Tại cuộc tọa đàm “Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM” do Báo SGGP phối hợp với Sở GTVT, Sở Du lịch TP tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã nêu các "điểm nghẽn" khiến loại hình du lịch này chưa thể tăng tốc, nhất là từ khi Bến thủy trung tâm TPHCM (bến Bạch Đằng) bị ngưng hoạt động vào năm 2015. Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc CTCP Đầu tư Hoàng Triều, cho biết công ty bà có 15 ca nô cao tốc phục vụ du lịch đường thủy. Nhưng hoạt động của các ca nô này gặp nhiều khó khăn do hạ tầng phục vụ yếu kém.

Bà dẫn chứng các bến bãi ở khu vực trung tâm rất thiếu khi chỉ có 3 bến đón khách là Tân Cảng, Cầu Mống và Vườn Kiểng. Trong đó, bến Cầu Mống không có nhà chờ mái che, không có nhà vệ sinh và phí cao ngất ngưởng. Bà Hạnh cho rằng TP khuyến khích phát triển du lịch đường thủy cần phải giải quyết vấn đề về hạ tầng để du loại hình du lịch này phát triển.

Để giúp TPHCM hình thành được sản phẩm du lịch đường thủy chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân cần tổng kết lại thời gian qua đã làm tới đâu, làm được gì, phải đặt mục tiêu rõ ràng... Song song đó cần lồng ghép yếu tố văn hóa vào du lịch, để toát lên được nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn xưa, giúp đa dạng sản phẩm du lịch đường sông TPHCM.

Ông Lê Tiền Tuyến,
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP

Cùng tâm tư, ông Nguyễn Hải Linh, chủ tàu du lịch Elisa bộc bạch: “Khi bến Bạch Đằng ở quận 1 đóng cửa, các tàu du lịch không có chỗ đón khách. Hoạt động này được dời sang Cảng Sài Gòn nhưng các doanh nghiệp chỉ thuê được khoảng 300m. Mới đây đơn vị quản lý cảng này đã có thông báo không cho doanh nghiệp thuê nữa. Doanh nghiệp làm du lịch đường sông không có ai chia sẻ, nhiều lúc chỉ hô hào, công tác định hướng không có. Tôi nghĩ TP cần có những việc hỗ trợ cụ thể, còn doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động nhất định”.

Hạng mục bến đỗ du lịch có thể được xem là mấu chốt kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch đường thủy tại TPHCM. Ông An Sơn Lâm, Chủ đội thuyền buồm Đông Dương, hoạt động trên sông Sài Gòn, chia sẻ những khó khăn khi TP dẹp bến Bạch Đằng, đã gián tiếp đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải bán phương tiện.

Cách đây 2 năm bến Bạch Đằng bị khai tử, các doanh nghiệp chạy qua cảng Sài Gòn thuê. Dịch vụ tại cảng này tốt nhưng mức phí cũng rất cao, chẳng hạn 1kWh điện giá tới 5.700 đồng, 1m3 nước giá 44.000 đồng. Cách đây 1 năm, ông Lâm mạnh dạn đầu tư đóng 1 tàu mới hiện đại nhưng lại không thể chạy được do không có bến bãi.

“Lãnh đạo TP khuyến khích phát triển du lịch đường sông, tôi tin tưởng và yên tâm về đóng tàu mới nhưng không được hoạt động. Cảng Sài Gòn đã đưa ra thông báo gần như chấm dứt hoạt động của cảng này. Tôi đề nghị TP cần giữ lấy cảng Sài Gòn, không nên chuyển đổi công năng bởi cảng này gắn với lịch sử, phục vụ du lịch tốt” - ông An Sơn Lâm nói.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, điểm thuận lợi của công tác phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn TPHCM là việc phát triển các sản phẩm du lịch đường sông đã được Thành ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch TPHCM quan tâm đẩy mạnh và đã có những chủ trương, cơ chế nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển.

Đặc biệt, từ khi UBND TP khai trương tuyến du lịch đường thủy vào năm 2013, hoạt động du lịch đường thủy đã bước đầu khởi sắc, các doanh nghiệp du lịch đường thủy cũng tập trung nghiên cứu và chủ động khai thác thêm một số tuyến du lịch, nổi bật gần đây nhất là việc khai trương 7 sản phẩm du lịch đường thủy (phần lớn tập trung theo 2 tuyến chính là Sài Gòn - Cần Giờ và Sài Gòn - Củ Chi) của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist. Từ đầu năm 2017 đến nay, du lịch đường thủy luôn là một trong những đề tài được bàn luận, hiến kế sôi nổi trên các diễn đàn, hội nghị.

Buýt đường sông, loại hình giao thông công cộng mới mẻ ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Buýt đường sông, loại hình giao thông công cộng mới mẻ ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tháo gỡ vướng mắc

Giải đáp chung các băn khoăn của doanh nghiệp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết TP đang quy hoạch lại các bến thủy và xây dựng quy chuẩn về nhà ga, bến tàu du lịch kết hợp với buýt sông. Khi bản quy chuẩn nhà ga, bến tàu hoàn chỉnh, TP sẽ ban hành để các nhà đầu tư tham gia một cách thuận lợi.

Chia sẻ tâm tư với các doanh nghiệp, ông Vũ cho hay do còn nhiều rào cản, vướng mắc liên quan đến các yếu tố khách quan, nên phát triển du lịch đường sông của TP của đáp ứng như kỳ vọng. Đại diện GTVT TP cũng thừa nhận thời gian qua một số dự án đầu tư xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi trên tuyến sông Sài Gòn; dự án khai thông tuyến Rạch Chiếc, nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai gây khó khăn giao thông thủy.

Sở GTVT TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi trên sông Sài Gòn, nâng cao tĩnh không thông thuyền để đáp ứng cho nhu cầu vận tải của phương tiện thủy trên tuyến, đặc biệt là phương tiện vận tải phục vụ du lịch.

Bên cạnh đó, TP cần có cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc giao đất để đầu tư cảng, bến, công trình phục vụ công cộng, du lịch. Theo Sở GTVT hướng đi của vận tải hành khách đường sông trong thời gian tới là xã hội hóa hoàn toàn, ngân sách sẽ không gánh. Vấn đề là chính quyền TP, các sở chuyên ngành phải trở thành “bà đỡ”, đề ra các giải pháp để các nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn phát triển cả vận chuyển hành khách và du lịch đường sông.

Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập Báo SGGP nêu ý kiến: Du lịch đường thủy của TPHCM đang thiếu điểm nhấn. TP phải làm sao có được sản phẩm du lịch riêng, đậm chất Sài Gòn xưa với trên bến dưới thuyền. Nếu so sánh với du lịch đường sông Bangkok (Thái Lan), rõ ràng TPHCM có lợi thế hơn hẳn, nhưng thực tế chúng ta chưa làm được như nước bạn. Hay du khách có dịp du lịch dọc theo sông Seine (Pháp) thường chọn buýt sông với những điểm dừng 2 bên bờ sông là các công trình văn hóa, lâu đài của Pháp, như bảo tàng Louvre, nhà thờ Đức Bà Notre Dame, tháp Eiffel... Qua đó, du khách được tham quan cả thủ đô Paris với giá rất rẻ; cảnh quan ban ngày cũng đẹp, buổi tối rất thơ mộng.

Đức Trung

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chu-diem-su-kien/phat-huy-tiem-nang-du-lich-duong-song-52402.html