Phát huy vai trò của thiết bị dạy học

Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là sự thay đổi về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các cấp học. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp và cách thức khai thác sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiệu quả.

Các trường cơ bản đủ các thiết bị dạy học theo chương trình GDPT mới

Các trường cơ bản đủ các thiết bị dạy học theo chương trình GDPT mới

Với chương trình GDPT 2018, vai trò của giáo viên đã chuyển mạnh từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "tổ chức, kiểm tra, định hướng" hoạt động học của học sinh. Thầy giáo Dương Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phường Đúc, TP. Huế chia sẻ: “Giáo viên của trường luôn chú trọng khai thác hiệu quả thiết bị dạy học và sử dụng giáo án điện tử. Từ đó, phát huy tính sáng tạo, năng lực tư duy của học sinh, giúp các em hào hứng và say mê với các tiết học”.

Trong chương trình GDPT mới, quy định cơ sở vật chất, thiết bị dạy học có yêu cầu cao hơn. Nghĩa là, các bài học phải có các trang thiết bị dạy học đi kèm, vì nội dung dạy học của chương trình đều chủ yếu được biên soạn theo hướng các mô hình hóa. Chương trình được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, gắn lý thuyết với thực hành, học lý thuyết bằng thực hành. Theo báo cáo từ các trường, thiết bị giảng dạy trong chương trình GDPT mới cơ bản đầy đủ và được bổ sung dần qua các năm. Các trường biết tận dụng, sử dụng hiệu quả thiết bị, đồ dùng đã có vào ứng dụng trong chương trình GDPT mới. Chỉ tính riêng TP. Huế, mua sắm trang thiết bị phục vụ thay sách cho lớp 4 và lớp 8 năm học 2023 - 2024 gần 24,5 tỷ đồng.

Cô giáo Hồ Thị Phi Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Vĩnh, TP. Huế cho hay: Các lớp đã trang bị thiết bị dạy học đi kèm như tranh, ảnh, mô hình, mẫu vật thật, dụng cụ, vật liệu, hóa chất, thiết bị kỹ thuật nghe nhìn, các loại máy móc. Hàng năm, nhà trường luôn lấy ý kiến từ giáo viên để mua sắm trang thiết bị phù hợp với bài giảng. Nhà trường khuyến khích giáo viên tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học để phục vụ cho bài dạy.

Đánh giá về danh mục thiết bị mới, nhiều giáo viên cho rằng, Bộ đã tính toán theo hướng mở, không quy định cứng nhắc, không áp đặt theo mẫu thiết bị dạy học cụ thể, tiếp cận công nghệ mới và hiện đại, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà sản xuất, cung cấp và mở rộng phạm vi mua sắm dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Năm 2022, Bộ GD&ĐT phát động cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số. Qua đó, đã xây dựng được kho học liệu số về thiết bị dạy học có chất lượng. Các thiết bị dạy học số được chia sẻ và sử dụng rộng rãi trong các sơ sở giáo dục, đặc biệt là những nơi chưa có điều kiện mua sắm đầy đủ trang, thiết bị dạy học.

Đề cập đến trang thiết bị dạy học ở Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, các trường đã sử dụng thiết bị dạy học thường xuyên hơn, học sinh được quan sát trực quan, trực tiếp thực hiện nên dễ dàng nắm bắt kiến thức. Hơn nữa, giáo viên có điều kiện khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/phat-huy-vai-tro-cua-thiet-bi-day-hoc-146245.html