Phát huy vai trò liên kết nâng cao giá trị cà phê Sơn La

Hội Cà phê Sơn La thành lập năm 2017, ban đầu có 6 doanh nghiệp, 58 hội viên. Sau 5 năm hoạt động, đến nay Hội Cà phê Sơn La có 100 hội viên, với 12 doanh nghiệp, hợp tác xã.

Từ đầu thập niên 90, tỉnh Sơn La đã định hướng phát triển cây công nghiệp, cây cà phê là cây mũi nhọn của tỉnh. Trải qua hơn 30 năm phát triển trên đồng đất Sơn La với bao thăng trầm, cà phê Sơn La đã hình thành vùng nguyên liệu, gắn với cơ sở chế biến công nghệ kỹ thuật hiện đại.

Đại biểu tham gian hàng trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến. Ảnh: Huy Thành

Đại biểu tham gian hàng trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến. Ảnh: Huy Thành

Đến nay, Sơn La là tỉnh trồng cà phê chè (Arabica) lớn nhất cả nước, diện tích trên 20.000 ha, tập trung chủ yếu các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố, sản lượng hằng năm đạt gần 50.000 tấn, giá trị gần 5.000 tỷ đồng.

Phát huy vai trò đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, Hội Cà phê Sơn La tích cực tham gia các sự kiện, dự án, các chương trình của tỉnh về phát triển cà phê, cây công nghiệp, nông sản xuất khẩu. Đồng thời, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê Sơn La trên mọi miền đất nước, như “Ngày hội cà phê Việt Nam”, “Hội chợ nông sản đặc sản vùng miền 2017”, tham gia Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại tỉnh Sơn La năm 2022; Lễ hội cà phê Thành phố Sơn La năm 2022. Gần đây nhất, Hội tham gia đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh vào dự Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, học hỏi kinh nghiệm để chuẩn bị tổ chức Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La.

Nông dân xã Chiềng Ngần, Thành phố trao đổi kỹ thuật chăm sóc cà phê. Ảnh: Minh Thu

Nông dân xã Chiềng Ngần, Thành phố trao đổi kỹ thuật chăm sóc cà phê. Ảnh: Minh Thu

Bên cạnh đó, Hội Cà phê Sơn La kết nối các thành viên tham gia các chương trình triển khai trồng mới, mở rộng diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, sản xuất cà phê sạch, cà phê hữu cơ; mua giống mới THA1 về gieo ươm phát triển, mở rộng diện tích trong tỉnh. Tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh đầu tư thiết bị hiện đại chế biến sâu, chế biến cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê tan phục vụ người tiêu dùng, nâng cao thu nhập người làm cà phê.

Phát huy vai trò cầu nối, gắn kết giữa các doanh nghiệp, HTX, người nông dân với cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học, tạo tiền đề cho cà phê Sơn La phát triển, Hội đã đóng góp ý kiến với dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng trồng cà phê tập trung tỉnh Sơn La đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; tham gia, có ý kiến đại diện cho các hội viên tại các cuộc họp của tỉnh về vấn đề chế biến cà phê gắn với bảo vệ môi trường.

Hiện nay, 6 doanh nghiệp, HTX sản xuất cà phê lớn của tỉnh đều được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”, gồm: Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế, HTX Cà phê Bích Thao, HTX Ara - Tay Coffee, HTX Xây dựng và Phát triển nông thôn Mường Chanh… Các sản phẩm cà phê Sơn La gồm: Sản phẩm cà phê nhân và sản phẩm cà phê đã qua chế biến sâu, đã xuất khẩu tới gần 20 quốc gia trên thế giới.

Hội Cà phê Sơn La đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực, đồng hành cùng tỉnh triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao vị thế ngành cà phê của tỉnh, xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê Sơn La uy tín, được khách hàng trong nước cũng như quốc tế ưa chuộng.

Nhà máy sơ chế cà phê của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La. Ảnh: Minh Thu

Nhà máy sơ chế cà phê của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La. Ảnh: Minh Thu

Minh Thu - Huy Thành

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phat-huy-vai-tro-lien-ket-nang-cao-gia-tri-ca-phe-son-la-xirylm94R.html