Phật pháp & triết lý kinh doanh

Lâu nay những điều này vẫn thường được nhắc đến và thừa nhận như một 'chân lí': 'Thương trường là chiến trường'; 'Khách hàng là thượng đế'. Nhưng sau nhiều trải nghiệm và suy ngẫm, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải xem lại và thay đổi quan niệm này…

Là một doanh nhân trưởng thành từ gian khó, tôi đã nếm trải nhiều khốc liệt của thương trường, nhưng tôi không đồng tình với quan điểm “thương trường là chiến trường”. Chiến trường là gì? Chiến trường là một sống, hai chết, là đầu rơi máu chảy. Theo Tôn Tử viết trong “Binh pháp”, việc binh vốn không ngại dối trá, chấp nhận mọi thủ đoạn, dùng mưu ma chước quỷ để tiêu diệt kẻ thù. Đó là những điệu hổ ly sơn, mượn dao giết người, mỹ nhân kế, khổ nhục kế… Tất cả tạo thành thiên la địa võng, thiên hình vạn trạng đầy cạm bẫy khó lường.

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng – Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng – Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa

Nếu tư duy thương trường như chiến trường và vận dụng “binh pháp” đó thì việc kinh doanh quả thật đáng sợ, chỉ gặp khổ đau, tham sân si, đồng tiền nhuốm máu. Khi ấy việc kinh doanh chỉ đặt lợi nhuận lên trên hết, sẵn sàng đẩy đối thủ đối tác vào con đường chết, sẵn sàng lật lọng, lừa lọc khách hàng…Nếu xem thương trường như chiến trường chỉ có một kết cục, tôi thắng anh thua hoặc ngược lại. Kết cục ấy dẫn tới một doanh nhân thành công đồng nghĩa với việc bỏ lại phía sau biết bao kẻ phá sản, bao nhiêu người đau khổ tay trắng… Nếu tư duy thương trường là chiến trường sẽ không bảo giờ có chuyện cùng thắng, theo nguyên tắc“win –win”.

Win-Win (nguyên tắc thắng-thắng) là một trong những nguyên tắc cơ bản của kinh doanh hiện đại. Theo nguyên tắc này, những người tham gia đàm phán, kinh doanh, hợp tác với nhau sẽ tôn trọng và chấp nhận nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”. Đó chính là tinh thần kinh doanh của những doanh nhân văn minh trong thời đại mới, thời đại toàn cầu hóa trong thế giới phẳng, cần bắt tay nhau hợp tác cùng phát triển.

Slogan của Công ty Trầm hương Khánh Hòa là “Yêu thương nhau để phát triển thịnh vượng”. Nói vậy cũng có nghĩa, muốn phát triển thịnh vượng cần phải có tình yêu thương. Yêu thương ở đây giống như câu thơ “Còn gì đẹp trên đời hơn thế; Người với người sống để yêu nhau” .(Tố Hữu)

Nguyễn Văn Tưởng

Thời kỳ tư bản hoang dã, thương trường lúc ấy diễn ra như Các Mác viết: “Nếu lợi nhuận 100% thì nhà tư bản bất chấp pháp luật, còn lợi nhuận 300% thì có treo cổ nó lên, nó vẫn làm”. Nhưng nhân loại đã bước qua thời kỳ “hoang dã” đó, văn hóa kinh doanh cũng đã có những tiến hóa để thương trường không còn là chiến trường nữa. Thương trường giờ đây là nơi cùng hợp tác, trao đổi, nâng đỡ cho nhau cùng có lợi. Với tư duy đó, mới sinh ra chuỗi giá trị toàn cầu, khi mà sản xuất một cái điện thoại cũng có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp đa quốc gia, nơi sản xuất pin, nơi làm chip, nơi cung cấp vỏ…

Và với tư duy ấy, không có “chiến trường” với một kẻ chiến thắng duy nhất, mà tất cả phải cùng thắng. Với tư duy ấy, doanh nghiệp này” hắt hơi” thì doanh nghiệp kia “sổ mũi”, thất bại của người này không phải là niềm vui của người khác. Chẳng hạn, nếu như tập đoàn Sam Sung bán điện thoại chậm đi, thì các doanh nghiệp cung ứng ở Việt Nam cũng bị lao đao vì đã trong chuỗi giá trị, cùng làm nên hệ sinh thái phụ thuộc lẫn nhau.

Chính vì thế, doanh nhân Việt Nam muốn phát triển, hòa nhập với thế giới cần loại bỏ nhận thức “thương trường là chiến trường”. Cần hợp tác với nhau để xây dựng nền kinh tế mà tất cả mọi người đều có lợi, điều này không chỉ thể hiện sự văn minh mà còn thể hiện tư tưởng của người Việt bởi lòng vị tha và sự tử tế. Đó chính là mục tiêu mà chúng ta hướng đến: văn hóa kinh doanh của người Việt. Văn hóa kinh doanh cùng thắng phải được lan tỏa rộng hơn, không kích thích doanh nhân coi thương trường là chiến trận.

Lễ dâng Trầm do Công ty Trầm hương Khánh Hòa tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam được truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 30/ 4/2019

Lễ dâng Trầm do Công ty Trầm hương Khánh Hòa tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam được truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 30/ 4/2019

Đức Phật đi trước rất xa trong lý luận nhân văn về sự mưu sinh của con người, kêu gọi thịnh đạt bằng thiện nghiệp, xa lạ với tinh thần“thương trường là chiến trường”. Tinh thần “thương trường là chiến trường” sẽ không còn phù hợp với văn hóa kinh doanh đỉnh cao của nhân loại và sẽ không giúp doanh nghiệp Việt thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, chinh phục thị trường thế giới bằng chất lượng hàng hóa mà cốt lõi nhân văn chính là sự tử tế. Đó chính là kinh nghiệm của chúng tôi khi làm ra sản phẩm Trầm Hương Khánh Hòa - phải là sản phẩm khách hàng không những thích mà còn yêu.

Khách hàng không phải luôn luôn đúng

Phụng sự trầm hương, phụng sự khách hàng nhưng tôi cũng không đồng tình với quan điểm: “Khách hàng là thượng đế”. Vì Thượng đế là đấng tối cao chỉ có một, ví tất cả khách hàng là Thượng đế đó dường như một sự “thất kính” đối với đấng bề trên. Nếu xem khách hàng là thượng đế thì vô hình chung chúng ta đã xác lập một quan hệ mua bán không bình đẳng, không văn minh. Trong khi bản chất của quan hệ mua bán là bình đẳng... anh có nhu cầu tôi có hàng hóa đáp ứng nhu cầu đó, hai bên đều có lợi.

Nếu xây dựng quan hệ mua bán – một trong những hoạt động giao tiếp cơ bản của đời sống – dựa trên sự bình đẳng thì xã hội sẽ đạt được sự cân bằng và văn minh. Một xã hội văn minh thì người mua và người bán phải tôn trọng lẫn nhau, chẳng phải vì khách hàng có tiền mà trở thành “thượng đế”, dễ dẫn tới thái độ cậy tiền, văn hóa giao tiếp kém. Một xã hội có những “thượng đế” như vậy thì văn hóa, đạo đức sẽ đi xuống, quan hệ giữa người với người sẽ trở nên méo mó, xấu xí.

Đi liền với câu “Khách hàng là thượng đế” là quan niệm “Khách hàng luôn luôn đúng”... Nếu khách hàng luôn luôn đúng thì chỉ cần có nhiều tiền sẽ mua được “chân lý”, có tiền “đúng”. Trong khi về bản chất đồng tiền chỉ là phương tiện thanh toán, trao đổi hàng hóa.

Có quan hệ nào vừa cổ xưa nhất lại vừa hiện đại nhất như quan hệ mua bán hàng hóa?. Thời nguyên thủy con người đã biết dùng hiện vật để trao đổi, thời hiện đại giao dịch thương mại điển tử phát triển, hình thành nên những con đường tơ lụa trên mạng. Dù mua bán dưới hình thức nào, cổ xưa hay hiện đại thì quan hệ giữa người mua người bán vẫn phải dựa trên sự công bằng, bình đẳng, văn minh.

Người mua coi thường người bán hay người bán coi thường người mua đều là những biểu hiện thể hiện sự khuyết tật của văn hóa kinh doanh. Nếu tình yêu thương lan tỏa chúng ta sẽ có một xã hội tốt đẹp, cùng hướng tới sự thiện lành, cùng tạo nên giá trị. Tôi nghĩ nếu không có sự tự tế và tình yêu thương đó trong văn hóa kinh doanh, thì một doanh nhân, một doanh nghiệp dù có hô to: “Khách hàng là thượng đế”, “Khách hàng luôn luôn đúng” chẳng qua cũng chỉ là xảo ngữ mà thôi và như thế sẽ rất khó phát triển vươn xa.

Công ty Trầm Hương Khánh Hòa
Trụ Sở: 5C (51C) Lý Tự Trọng, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa
Website:
Fanpage:

Nguyễn Văn Tưởng (Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/phat-phap-triet-ly-kinh-doanh-1474432.tpo