Phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu
Nhằm phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu, trong những năm qua tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp chế biến gỗ; thu hút các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; huy động mọi nguồn vốn đảm bảo cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ ổn định; phát triển sản phẩm gỗ kết hợp với sử dụng hợp lý tài nguyên từ rừng trồng, cải tạo rừng và làm giàu rừng…Đến nay, ngành công nghiệp chế biến gỗ đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị.
nh Quảng Trị có diện tích đất lâm nghiệp khoảng 290.476 ha, trong đó diện tích rừng sản xuất 129.606 ha; rừng phòng hộ 94.302 ha; rừng đặc dụng 66.568 ha. Trong diện tích rừng sản xuất, tỉnh Quảng Trị có khoảng hơn 85.000 ha rừng keo (có hơn 23.000 ha rừng có chứng chỉ FSC là tiềm năng lớn trong việc sản xuất gỗ nguyên liệu). Với sản lượng gỗ keo khai thác trên địa bàn tỉnh hằng năm hơn 1,5 triệu m 3 , đây là nguồn gỗ rất lớn không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mà còn là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Bình Dương, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh… và xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Với tiềm năng và lợi thế hiện có đã đưa tỉnh Quảng Trị trở thành địa phương sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ keo lớn của cả nước phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Quảng Trị đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn của tỉnh. Và trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 120 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư lớn trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, đặc biệt là dự án đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ MDF số 2 của Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị với công suất thiết kế 120.000 m3 sản phẩm/ năm, với công nghệ hiện đại đã nâng cao năng lực chế biến gỗ MDF của tỉnh Quảng Trị lên 180.000 m3.
Bên cạnh sản phẩm gỗ MDF, hằng năm tỉnh Quảng Trị còn có các nhà máy đầu tư sản xuất sản phẩm bàn ghế xuất khẩu, các sản phẩm chi tiết, bán thành phẩm như: Nhà máy chế biến gỗ ngoại thất xuất khẩu của Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ, Nhà máy sản xuất nội thất của Công ty TNHH Phong Hải với khoảng 100.000 tấn gỗ, ván ghép thanh cung cấp cho các tỉnh trong khu vực phục vụ chế biến xuất khẩu và trên 600.000 tấn bào gỗ, gỗ dăm và viên nén năng lượng đã đưa tỉnh Quảng Trị vào nhóm đứng đầu của cả nước về sản xuất gỗ MDF và tỉnh có nguồn gỗ nguyên liệu phong phú trong khu vực…
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị Cao Thanh Nam cho biết, với lợi thế nguồn nguyên liệu gỗ ở Quảng Trị phong phú cùng với sự nỗ lực, tâm huyết của lãnh đạo và người lao động nên Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị đã tìm được hướng đi đúng để phát triển bền vững, không chỉ giúp cho nhà máy phát triển mà còn giúp cho người dân có cuộc sống tốt hơn nhờ trồng rừng, mở các dịch vụ đi cùng với nhà máy. Để không ngừng phát triển, Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị đã tối ưu hóa dây chuyền, cải tiến kỹ thuật máy móc nâng cao chất lượng và không ngừng phát triển đa dạng mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là thị trường Mỹ và châu Âu. Trong năm 2021, sản lượng tiêu thụ đạt 223.954 m3 (đạt 109% so với kế hoạch đề ra); giá trị doanh thu đạt khoảng 1.121 tỉ đồng. Tính đến ngày 28/2/2022, sản lượng tiêu thụ đạt 46.045 m3 (vượt công suất thiết kế trên 53%); đạt doanh số 179,86 tỉ đồng…
Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng cho biết, để phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ, trong thời gian tới tỉnh Quảng Trị sẽ có các giải pháp như: Nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất chế biến gỗ hiện có, từng bước chuyển đổi mặt hàng phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển và xu hướng thị trường ngành chế biến gỗ, đặc biệt là thị trường EU sau khi Việt Nam và EU ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT); bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch ngành công nghiệp chế biến gỗ, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành chế biến gỗ; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Phát huy lợi thế so sánh của tỉnh và tạo nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ phù hợp với yêu cầu của thị trường; ưu tiên thực hiện công tác rà soát bổ sung quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến (phấn đấu tốc độ tăng trưởng sản lượng khai thác gỗ tăng 10-15%/năm giai đoạn từ 2017-2025); hỗ trợ, tạo điều kiện mặt bằng sản xuất, giao đất rừng, vốn vay hỗ trợ công tác trồng và phát triển nguyên liệu để các doanh nghiệp chủ động trong việc trồng rừng nhằm chủ động vùng nguyên liệu…
Thúc đẩy phát triển các mô hình chế biến gỗ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để từng bước cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiện đại, phát triển bền vững… Chú trọng công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp chế biến gỗ… Tiếp cận, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ nhằm phát huy tiềm năng các mặt hàng có thế mạnh sản xuất trong nước…
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại trên địa bàn. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực dự báo thị trường, dự báo trung hạn và dài hạn về thị trường trong nước và thế giới, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu hàng hóa sản phẩm gỗ có chất lượng của tỉnh… Ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp chế biến gỗ; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Quảng Trị đến năm 2025…