Phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa

Nhìn lại chặng đường khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản Cố đô Huế, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho rằng, 'như một giấc mơ'.

Tâm huyết, công sức, trí tuệ của nhiều người

TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên Huế đã là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược nên Huế luôn được lựa chọn để xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... tương ứng với thời kỳ Thừa Thiên Huế đóng vai trò là thủ phủ Đàng Trong (1636 - 1775), rồi kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn (1788 - 1945). “Vị thế đặc biệt đó đã làm cho Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú”.

Thừa Thiên Huế đã biến di sản thành các lợi thế phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Thừa Thiên Huế đã biến di sản thành các lợi thế phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu... cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm. Sự hội tụ, kết tinh của di sản Huế còn được thể hiện qua nhiều loại hình di sản độc đáo khác như: ca Huế, ca kịch Huế, tuồng, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống… thể hiện đời sống tinh thần của cư dân xứ Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Đến nay, đã có 7 di sản gắn liền với vùng đất Huế được UNESCO vinh danh, trong đó Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam (được công nhận tháng 12.1993); 10 năm sau (2003), Nhã nhạc cung đình Huế tiếp tục được UNESCO đưa vào danh mục Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Tuy nhiên, nhìn lại những năm 1970, khi đó, các giá trị di sản văn hóa, lịch sử vật thể cũng như phi vật thể được hình thành, bồi đắp hàng trăm năm của một kinh đô đứng trước nguy cơ bị hủy hoại và biến mất. Theo tài liệu đánh giá hệ thống di tích Huế vào năm 1990, di tích Huế lúc hoàn chỉnh nhất có tổng số 850 công trình kiến trúc nhưng chỉ còn 460 công trình. Các công trình di tích khác đã trở thành phế tích và đến 80% hạng mục thuộc diện cần phải tu bổ cấp thiết.

Sau 30 năm kể từ khi Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, công cuộc bảo tồn di tích đạt nhiều kết quả đáng tự hào với 200 công trình và hạng mục công trình được bảo tồn, tu bổ, phục hồi. “Để có được ngày hôm nay, biết bao tâm huyết, công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ lãnh đạo đất nước, bạn bè quốc tế, các tầng lớp nhân dân… đã đóng góp cho công cuộc cứu nguy, phục hồi và hồi sinh di sản Huế”, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung nói.

Trong số những người có công với di sản Huế, theo ông Hoàng Việt Trung, có KTS. Pierre Pichard sau chuyến khảo sát Huế năm 1978 đã có bản báo cáo “Bảo tồn di tích Huế” làm cơ sở đệ trình UNESCO; ông Amadou Mahtar M’Bow - Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ đã ra lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế tại Hà Nội khi “di sản Huế đang trong tình trạng lâm nguy, đứng bên bờ vực của diệt vong và quên lãng”. Đó còn là công sức những nhà ngoại giao, chuyên gia trong nhóm công tác Huế - UNESCO; lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban UNESCO, tỉnh Thừa Thiên Huế… qua các thời kỳ; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng hành với Huế.

Từ “cứu nguy khẩn cấp” sang “ổn định và phát triển bền vững”

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Bình, sau khi được UNESCO đưa vào danh mục Di sản thế giới, công tác bảo tồn, tu bổ đã được tỉnh tập trung triển khai và thu được những kết quả tốt, diện mạo Quần thể di tích Cố đô Huế ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” để chuyển sang giai đoạn “ổn định và phát triển bền vững”.

Cụ thể, Thừa Thiên Huế đã tập trung ngân sách đầu tư để trùng tu các công trình tiêu biểu như: Ngọ Môn, Cung Trường Sanh, Cung Diên Thọ, Lầu Tứ Phương Vô Sự (Đại nội), Phu Văn Lâu, Lầu Tàng Thơ, Cung An Định…; một số công trình tại lăng vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức, vua Đồng Khánh... Riêng giai đoạn 2010 - 2020, đã tiến hành bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo hơn 170 công trình, hạng mục công trình. Đặc biệt, thực hiện quyết liệt dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, vừa bảo vệ di sản, vừa ổn định đời sống Nhân dân.

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng điều tra, nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể như nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế, như: Lễ hội Cầu Ngư, lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, ca Huế, ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số (Tà Ôi, Cơ Tu)... Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các sản phẩm, dịch vụ tại Đại nội và các điểm di tích trên địa bàn; tập trung xây dựng và khai thác hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ xoay quanh các thương hiệu đặc trưng như “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Thành phố Lễ hội”.

Cố đô Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán... Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản, đến nay đã sở hữu các thương hiệu: Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố văn hóa ASEAN, Thành phố bền vững môi trường ASEAN, Thành phố Xanh quốc gia...

Khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương, doanh thu toàn xã hội từ du lịch, dịch vụ dựa trên nền tảng khai thác di sản văn hóa chiếm tỷ trọng cao. Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế luôn được bình chọn là điểm đến an toàn thân thiện của du lịch Việt Nam.

“Với quan điểm phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, Thừa Thiên Huế xác định việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc con người Huế là một nhiệm vụ trọng tâm, căn bản, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị” - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh.

Ngọc Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/phat-trien-ben-vung-tren-nen-tang-van-hoa-i332869/